Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trẻ em học hỏi được nhiều điều tích cực từ vui chơi

Vui chơi là một phần cơ bản trong cuộc sống của trẻ em. Theo các chuyên gia, vui chơi là một phần rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Tham gia các hoạt động vui chơi thích thú, trẻ sẽ tích cực học hỏi những kỹ năng, ngôn ngữ, tình cảm xã hội, và hình thành nhân cách, hướng trẻ tới sự phát triển toàn diện.

Vui chơi chính là học hỏi

Giáo dục sớm, cũng như giúp trẻ phát triển toàn diện đang là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm, bởi nó có tầm quan trọng rất lớn vào sự thành công sau này của trẻ. Phát triển toàn diện cho trẻ phương pháp tạo dựng nền tảng vững chắc giúp trẻ phát triển về cả kiến thức, thể chất, tinh thần, cảm xúc, nhận thức, trở thành người tự tin, biết cách cư xử đúng mực và có tính tự lập cao.

Trẻ được rèn luyện thể chất thông qua trò chơi vận động. Ảnh: Quốc Đạt.

Trẻ được rèn luyện thể chất thông qua trò chơi vận động. Ảnh: Quốc Đạt.

Giáo dục phát triển toàn diện là phương pháp giáo dục mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho trẻ bao gồm: Giúp trẻ trở nên khỏe mạnh, lạc quan, tự tin trong giao tiếp và luôn sẵn sàng để học hỏi điều mới. Giúp trẻ phát triển những tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề. Giảm tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ.

Các hoạt động vui chơi góp phần quan trọng vào việc phát triển nhận thức của trẻ. Trẻ có thể học được kỹ năng tư duy và năng lực giải quyết vấn đề; định hướng mục tiêu và kiên trì thực hiện. Chơi cũng giúp thúc đẩy sự sáng tạo và trí tưởng tượng, phát triển khả năng phân tích, phán xét, tổng hợp, xây dựng của trẻ và giúp trẻ hiểu được mối quan hệ nhân quả.

Trẻ em sẽ học hỏi được nhiều điều tích cực từ vui chơi. Giúp trẻ biết phát huy tính sáng tạo trong khi chơi, biết chủ động tạo ra những tình huống, vận dụng một cách linh hoạt các đồ chơi trong quá trình chơi, tưởng tượng ra nhiều nhân vật, cách chơi... để cho trò chơi tăng thêm phần hấp dẫn. Đó sẽ là một thành công cho trẻ học thông qua chơi.

Việc chơi đùa không chỉ giúp trẻ gắn kết yêu thương với cha mẹ, người thân mà thông qua những trò chơi hàng ngày, bé sẽ học hỏi thêm được nhiều những kĩ năng quan trọng trong cuộc đời, từ đó phát triển một cách toàn diện: trí lực, ngôn ngữ, cảm xúc. Đó là chia sẻ của TS Tâm lí Sư phạm - Nhà giáo ưu tú Trần Thị Quốc Minh.

Cách cha mẹ giúp con phát triển toàn diện

Những yếu tố phát triển toàn diện cho trẻ em gồm: cảm xúc, trí tuệ, kỹ năng xã hội, khả năng nhận thức, thể chất, tinh thần.

Để trẻ có thể tin tưởng vào mọi người và môi trường xung quanh, cảm xúc là yếu tố quan trọng. Cha mẹ cần hướng dẫn và giúp trẻ thể hiện được những cảm xúc cơ bản nhất của bản thân như vui mừng, tức giận, sợ hãi, lo lắng, chán ghét, thích thú... Qua đó, trẻ sẽ học được cách tiết chế và kiểm soát cảm xúc của bản thân tốt hơn.

Để kích thích trí tuệ, phát triển tư duy logic và khả năng sáng tạo của trẻ, cha mẹ cho con chơi các trò chơi liên quan đến toán học như đếm số thứ tự, so sánh, đo lường, đếm số lượng, phân loại các đồ vật theo hình dạng... Đọc sách thường xuyên cho trẻ nghe để phát triển tư duy từ những câu chuyện, tăng thêm sự phát triển nhận thức của trẻ sau này.

Cha mẹ có thể giúp trẻ xây dựng các kỹ năng xã hội bằng cách cho trẻ kết nối với mọi người xung quanh, tương tác với bạn bè đồng trang lứa, phân biệt được đúng - sai, những điều nên và không nên làm khi tương tác với xã hội. Như chia sẻ, thưởng thức bữa ăn liên hoan hoặc rủ người thân và bạn bè cùng chơi trò chơi.

Để tăng khả năng nhận thức của trẻ, phụ huynh có thể cho con khám phá môi trường xung quanh, tìm tòi và phản xạ với các kích thích từ môi trường bên ngoài.

Để phát triển thể chất cho trẻ, phụ huynh có thể cho con tham gia vào các hoạt động ngoài trời, dành nhiều thời gian trải nghiệm cùng con các kỹ năng vận động khác như cầm bút màu vẽ tranh, đào cát, nặn bột hoặc xoay các khối rubic...

Cha mẹ hãy hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử bởi để trẻ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử không những gây hại cho sức khỏe mà còn hạn chế cho trẻ có được những trải nghiệm đời thực quý giá - những trải nghiệm giúp trẻ phát triển tự nhiên.

Tinh thần của trẻ thoải mái thì sẽ mang đến nhiều niềm hứng khởi trong quá trình tiếp thu tri thức và khả năng sáng tạo trong tương lai. Ảnh: Quốc Đạt

Tinh thần của trẻ thoải mái thì sẽ mang đến nhiều niềm hứng khởi trong quá trình tiếp thu tri thức và khả năng sáng tạo trong tương lai. Ảnh: Quốc Đạt

Theo Viện Chính sách Học tập tại Mỹ, năng lực não bộ của trẻ em được tăng lên khi chúng cảm thấy an toàn về thể chất và tình cảm, đặc biệt là được kết nối với những người khác.

Tinh thần được xem là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện cho trẻ. Sự chia sẻ giữa cha mẹ và con cái chính là cầu nối mang lại sự hạnh phúc và nhiều ý nghĩ tích cực trong quá trình hình thành nhân cách cho trẻ. Nếu tinh thần của trẻ thoải mái thì sẽ mang đến nhiều niềm hứng khởi trong quá trình tiếp thu tri thức và khả năng sáng tạo trong tương lai.

Theo PGS, TS, NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển tiềm năng con người, từ 2 - 3 tuổi là giai đoạn phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ tốt nhất. Do đó, cha mẹ nên dạy con càng nhiều càng tốt về thế giới xung quanh như các bộ phận trên cơ thể người, các loại động thực vật, các loại màu sắc và hình khối khác nhau. Luôn tích cực và đề cao nỗ lực của bé. Lời khen luôn là một món quà vô giá mà bất cứ ai cũng muốn nhận, nhất là trẻ em. Những lời khen ngợi cho sự nỗ lực của trẻ cũng là cách thúc đẩy sự phát triển tự nhiên của trẻ, giúp trẻ thông minh, sáng tạo và tự tin hơn. Cha mẹ nên dành lời khen cho nỗ lực của trẻ một cách cụ thể, không nên nói những lời khen trẻ thông minh hay tài năng một cách chung chung.