Em Hưng đan thành một cái mề hoàn chỉnh được 700 đồng.ảnh:H.T
Làng chài ở thôn An Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, nơi hiện chỉ có 7 hộ làm nghề đan rổ cá hấp. Nhưng lại cuốn hút rất nhiều những đứa trẻ đến làm rổ kiếm tiền mua bút, vở học tập.
Em Trần Quang Hưng, 10 tuổi, đang học lớp 4, trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, cha mẹ đều làm biển, ở thôn An Tây, xã Tam Quang, chính vì sinh ra và lớn lên ở đây nên đôi tay em dường như đã rất quen thuộc với từng nan tre. Đôi tay thoăn thoắt, em vừa đan tre thành mê vừa trò chuyện với chúng tôi. Em nói:"Em đã đan rổ từ năm học lớp 1, nên giờ em làm rất nhanh, đan một mê chỉ mất chưa tới 5 phút".
Những ngày đi học, Hưng thường tranh thủ buổi học, buổi nghỉ để làm rổ. Hưng nói:"Những ngày thường, em chỉ làm vài tiếng lúc rảnh, còn ngày gần tết khi đã nghỉ thì gần như em làm cả ngày ở cơ sở".
Hưng thành thạo nhất ở khâu đan tre thành mê, cứ hoàn thành một cái mê, thì chỉ có 700 đồng, như vậy ít nhất một ngày phải đan được 20 cái mê, thì mới được 14.000 đồng. Hưng cho biết:"Một ngày em làm ít nhất là 50 cái mê như vậy, thì mới được vài chục mang về”.
Em Phước buộc cước vào rổ. ảnh:H.T
Còn em Nguyễn Hữu Phước, 10 tuổi, cha mẹ em đều làm biển, nhà có một đứa em chỉ mới 3 tuổi, nên ngay từ nhỏ Phước đã học cách kiếm tiền giúp gia đình từ nghề đan rổ, giờ Phước đã khá quen việc, thậm chí tết em thường ở cơ sở đan lát cả ngày. Em cho biết: "Lúc đầu khi làm rổ, em thường phụ mẹ đan mê, rồi chuyển qua học vót tre. Thường thì vót tre rất lâu, có thể bị chảy máu tay, nhưng làm rồi cũng quen. Mỗi vành tre hoàn chỉnh được trả 500 đồng/chiếc. Quen rồi một ngày có thể làm được 20-50 cái vành". Mỗi ngày ít nhất mỗi đứa trẻ kiếm được 50.000 đồng. Nhưng phải rất nhanh nhẹn và quen tay và nhất là chịu khó ngồi lâu, phải thật kiên nhẫn nếu không chỉ đếm từng 500 đồng lẻ…
Em Phước đan một cái mề.ảnh:H.T
Ông Lương Quốc Bảo, một chủ cơ sở đan rổ cá hấp, cho biết: "Nghề này ngồi lâu là bị đau lưng. Tại cơ sở của tôi cũng như nhiều hộ, cứ mỗi sáng, mỗi nhà lên cơ sở lấy tre về nhà tự làm. Nhà nào làm nhiều thì mang nhiều về, thường thì một nhà lấy tre đủ để làm 40-50 cái rổ". Và 2,3 đứa trẻ trong nhà sẽ cùng cha mẹ làm rổ. Hiện cơ sở của ông Bảo có ít nhất 12 đứa trẻ làm nghề đan rổ.
Mỗi chiếc rổ cá hấp có đường kính từ 40-45cm, giá bán từ 18.000 -25.000 đồng/cái, trừ cả chi phí, chỉ lấy công làm lãi.
Bé Hiếu làm cá bò kiếm tiền mua bút.ảnh: H.T
Còn ở làng chài xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, những đứa trẻ lại theo mẹ đi làm cá bò. Mỗi kg cá bò chỉ kiếm được 6.000 đồng, một ngày một em nhỏ “lanh tay” có thể làm được 10kg cá bò. Em Đặng Thị Hiếu, lớp 5, trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, cho biết: “Em làm nghề này từ năm 9 tuổi. Ở lớp rất ít bạn đi làm vì không quen tay và mùi cá. Nhà em có 3 anh em, em là con thứ, em hy vọng sẽ giúp được cho mẹ chút ít”. Cha Hiếu đi biển cả tháng mới về, chuyện nhà chuyện cửa Hiếu vừa chăm vừa giúp em út học tập.
Vừa đi học vừa đi làm, những đứa trẻ làng chài mau chóng trưởng thành. Chúng lại tiếp tục xếp từng miếng thịt cá, rồi lật, xoay cá bò,…Sau khi phơi vài nắng là xuất bán. Hiếu cho biết: “Dù rất thích đi làm, nhưng em vẫn đến trường hằng ngày, em mong học tập thật nhanh để lớn lên đi làm phụ mẹ”.