Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trẻ em mong muốn có môi trường sống an toàn, không bạo lực

Ngày 26/8, tại Hà Nội đã diễn ra phiên đối thoại chính thức của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 năm 2017 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Diễn đàn do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ của Quốc hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đồng chủ trì.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan; Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ của Quốc hội; Bí thư TƯ đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội TƯ Nguyễn Long Hải cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức quốc tế, Sở LĐ-TB&XH và 200 em nhỏ cùng tham dự phiên đối thoại.

Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động

Phát biểu tại phiên đối thoại Diễn đàn trẻ em 2017, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Quyền tham gia của trẻ em đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật trẻ em năm 2016. Thông qua Diễn đàn trẻ em, các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em được trao đổi, ghi nhận và triển khai. Phiên đối thoại là hoạt động quan trọng nhất của Diễn đàn để cùng trao đổi về vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em với 200 trẻ em đến từ 48 tỉnh, thành phố và hai đơn vị là Làng trẻ em SOS Việt Nam, Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc phiên đối thoại

Theo Thứ trưởng Lan, năm 2017 đánh dấu có nhiều văn bản pháp luật, chính sách dành cho trẻ em có hiệu lực thi hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đối với lĩnh vực trẻ em.  Đó là Luật trẻ em có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường có hiệu lực từ ngày 5/9/2017; Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Quyết định số 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em và nhiều chương trình, kế hoạch của các địa phương…

“Tất cả các văn bản pháp luật, chính sách nêu trên đều nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn, bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em và mang lại những điều tốt đẹp hơn cho trẻ em”, Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng đề nghị, tại Phiên đối thoại chính thức của Diễn đàn, với trọng trách là đại diện cho các bạn ở địa phương của mình, đại diện cho các nhóm thảo luận tại Diễn đàn và lớn hơn nữa là đại diện cho toàn thể trẻ em trên cả nước, các đại biểu trẻ em chủ động nêu vấn đề, ý kiến, nguyện vọng và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em để gửi tới lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan trò chuyện với các em nhỏ tham dự Diễn đàn.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị đại diện các Ủy ban của Quốc hội, đại diện của các Bộ, ngành, tổ chức trả lời, trao đổi, xem xét, đáp ứng các ý kiến, đề xuất của trẻ em trong Diễn đàn trẻ em quốc gia này; nghiên cứu đưa các ý kiến, đề xuất đó vào trong Chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, tổ chức mình để thực sự các mục tiêu vì trẻ em được ưu tiên thực hiện và có các biện pháp thúc đẩy các quyền của trẻ em được cập nhật theo quy định của Luật trẻ em năm 2016.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị: “Để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ trẻ em, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng triển khai đồng bộ Luật trẻ em, các Nghị định của Chính phủ, các quy định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trẻ em. Đặc biệt là quan tâm triển khai các quy định về quy trình tiếp nhận, phối hợp xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại cho trẻ em”.

TT Đào Hồng Lan và các bạn tham dự diễn đàn trò chuyện với đại diện đến từ Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An.

4 vấn đề nóng được trẻ em quan tâm

Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” được tổ chức để trẻ em đề xuất các kiến nghị, sáng kiến về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em từ góc nhìn của trẻ em. Trong hai ngày 24 và 25/8, 200 trẻ em đã chia thành 4 nhóm thảo luận theo 4 chủ đề: Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực trẻ em; Trẻ em với vấn đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn; Trẻ em với vấn đề phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; Trẻ em với vấn đề phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Sau 2 ngày thảo luận, tại phiên đối thoại với lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện trẻ em mạnh dạn nêu lên những vấn đề các em quan tâm cũng như những đề xuất, kiến nghị để các em được sống trong môi trường an toàn, không bạo lực xâm hại trẻ em.

Các em nhỏ trình bày các vấn đề nóng tại phiên đối thoại.

Tham gia diễn đàn, các nhóm trẻ em đã đưa ra nhiều thông điệp, ý kiến, kiến nghị gửi tới lãnh đạo các bộ, ngành. Lê Kim Ngọc, học sinh lớp 9, đến từ tỉnh Quảng Nam đem đến Diễn đàn thông điệp “Đừng để trẻ em sinh ra trẻ em”. Ngọc cho biết, địa phương nơi em sống vẫn còn hiện tượng tảo hôn và tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra không chỉ ở các địa phương miền núi mà còn ở khu vực thành thị. Thực trạng này gây ra những tổn hại về tâm lý và thể chất không hề nhỏ cho trẻ em, trong khi hình phạt đối với tội phạm xâm hại trẻ em chưa đủ mạnh: “Đây là tình trạng đáng lên án và em mong mọi người sẽ tìm cách khắc phục. Đảng và Nhà nước tìm những biện pháp, những hình phạt đưa ra cho những người đã có hành vi này đối với nạn nhân là trẻ em. Luật pháp nên xem lại hình phạt cho những đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em”.

Một đại diện trẻ em đến từ tỉnh Quảng trị nêu vấn đề: “Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, vậy trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp mới nào để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại?”

Các em nhỏ trình bày các thông điệp của mình qua vở kịch.

Trả lời câu hỏi của em, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, Luật trẻ em 2016 vừa có hiệu lực ngày 1/6/2017 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em đã quy định rõ quy trình xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Luật trẻ em quy định thế nào là bạo lực, xâm hại trẻ em; những hành vi bạo lực trẻ em nghiêm trọng bị xử lý theo Luật Hình sự; đối với những vụ việc ít nghiêm trọng hơn bị lý hành chính. Tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận: “Thời gian quan, những vụ bạo lực trẻ em bị xử lý hành chính còn rất ít mà mới chỉ xử lý hình sự đối với những vụ việc nghiêm trọng. Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong đó có nội dung xử phạt tội bạo lực trẻ em”.

Theo ông Nam, Luật Trẻ em đã quy định rõ, rất cả mọi người đều có trách nhiệm tố giác khi phát hiện những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Theo đó, có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 18001567 hoàn toàn miễn phí để tố giác tội phạm hoặc thông báo cơ quan công an địa phương, gọi ngay tổng đại 113. Có thể thông báo đến UBND xã phường để thông báo vụ việc. Khi nhận được thông tin tố giác, các cơ quan chức năng có trách nhiệm xử lý kịp thời theo đúng quy định của Luật Trẻ em.

Các em tự tin trình bày những khuyến nghị để xây dựng môi trường sống an toàn, không bạo lực, xâm hại.

Đồng thời, ông Nam cũng khuyến nghị, cần phải tăng cường giáo dục kỹ năng phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em. Trước hết là các ông bố bà mẹ cần phải được tập huấn những kiến thức này để “giáo dục không nước mắt” đối với con của mình. Trẻ được trang bị những kiến thức để biết tránh xa những nơi có nguy cơ có thể bị xâm hại, bạo lực.

Trả lời tiếp câu hỏi này, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải quyết các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Thủ tướng đã có chỉ thị 18/CT-TTg gửi đến từng địa phương, cơ quan để quy định rõ trách nhiệm phải làm những gì để giải quyết vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh/ thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

Cây thông điệp do các em thiết kế.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng cho biết, LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tập hợp các ý kiến, thông điệp, kiến nghị của các em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia ngày hôm nay và Diễn đàn trẻ em đã được tổ chức tại các địa phương để báo cáo Chính phủ, đồng thời chuyển tới các bộ, ngành, tổ chức có liên quan để xem xét, giải quyết. Những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các em tại Diễn đàn này sẽ được xem xét để tiếp thu, cập nhật trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án liên quan tới trẻ em để “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”.

Theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ của Quốc hội, kiến nghị của trẻ em trong Diễn đàn trẻ em lần thứ 4 năm 2015 đã được gửi tới 7 Bộ, ngành và được đưa vào Luật trẻ em năm 2016. Trong Diễn đàn trẻ em năm nay, thông điệp, kiến nghị của các em cũng sẽ tiếp tục được xem xét. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện luật, trong các văn bản dưới luật, chúng tôi tiếp tục xem xét các kiến nghị của trẻ em được các Bộ, ngành thực hiện như thế nào. Bà Ngô Thị Minh cho biết: “Chúng tôi sẽ cùng Bộ LĐ-TB&XH giám sát việc này. Trong Luật trẻ em 2016 đã quy định, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được quyền giám sát quyền trẻ em, đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, nhìn từ góc độ trẻ em. Cùng với Hội Bảo vệ quyền trẻ em, đại diện cho các cơ quan, tổ chức phi Chính phủ có chức năng giám sát những nội dung này cùng Ủy ban VH-GD-TN-TN&NĐ của Quốc hội. Chúng tôi sẽ giám sát xem những kiến nghị của trẻ em trong diễn đàn hôm nay sẽ được giải quyết như thế nào để trả lời cho các em vào diễn đàn lần sau tổ chức năm 2019”.