Trẻ em dễ mắc các bệnh về hô hấp khi thời tiết chuyển lạnh
Gia tăng số ca mắc bệnh nặng
Toàn miền Bắc đang phải đối mặt với đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa đông. Nhiệt độ xuống thấp đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em. bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, thời tiết chuyển rét đột ngột, không khí lạnh cường độ mạnh kèm theo mưa ẩm là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, hen suyễn, viêm phế quản… Tại Khoa Nhi tổng hợp, số ca mắc bệnh nặng có dấu hiệu gia tăng. Thông thường sau khoảng 4-5 ngày rét liên tục số bệnh nhi nhập viện tăng mạnh.
Tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày thời tiết lạnh đột ngột, trẻ nhập viện chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó nhiều trường hợp mắc viêm phổi nặng. bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện toàn khoa đang điều trị cho khoảng 100 trường hợp nội trú và dự báo số bệnh nhân sẽ tăng nhanh trong khoảng 1-2 ngày tới.
Thông thường, thời tiết lạnh, ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển, đặc biệt là virus, vi khuẩn. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố không thuận lợi về môi trường làm virus, vi khuẩn biến đổi dễ xâm nhập vào cơ thể gây ra các biến chứng. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ, cần giữ ấm đủ cho trẻ nhưng cũng lưu ý tránh trường hợp trẻ mặc quá ấm, toát mồ hôi rồi ngấm ngược vào trong, khiến trẻ bị cảm lạnh và sốt.
Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ, uống đủ nước, ăn đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Vệ sinh tai, mũi, họng sạch sẽ, tập cho trẻ thói quen rửa tay hàng ngày. Đặc biệt lưu ý, những ngày trời lạnh giá (dưới 10 độ C) chỉ nên cho trẻ chơi trong phòng, có thể sử dụng các thiết bị sưởi ấm nhưng phải đảm bảo không khí lưu thông.
Phòng tránh đột quỵ do trời rét
Trời rét cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người già. Bởi người cao tuổi thường ăn uống kém, thời tiết lạnh lại đòi hỏi phải có nhiều năng lượng để chống rét nên dễ dẫn đến suy yếu về mặt sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế, nếu như ở trẻ em bệnh lý thường gặp khi thời tiết lạnh giá là các bệnh về đường hô hấp thì đối với người cao tuổi, nguy cơ thường trực là các bệnh tim mạch, huyết áp và đột quỵ. Đặc biệt, trong điều kiện khí hậu lạnh giá, số bệnh nhân đột quỵ nhập viện thường tăng khoảng 15-30%.
Bên cạnh đó, người cao tuổi thường gặp phải vấn đề suy giảm hệ miễn dịch, khi thời tiết lạnh buốt tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp, từ đó dẫn đến tổn thương tim mạch. Đối với những người có sẵn bệnh tim mạch và huyết áp, nguy cơ đột quỵ càng tăng cao vào sáng sớm hoặc đêm khuya.
Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng, mặc đủ ấm đặc biệt giữ ấm đầu, cổ, bàn chân. Trước khi ngủ dậy, nên xoa tay, xoa chân cho ấm rồi mới bước xuống giường. Nên vận động, đi lại trong nhà, không nên ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Đối với những bệnh nhân có tiền sử tim mạch, huyết áp… cần đo huyết áp thường xuyên, uống thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sỹ, kiểm soát chế độ ăn, đặc biệt ăn nhạt.
Sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân nhập viện Chiều 24/1, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội do Phó giám đốc Hoàng Đức Hạnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống rét cho bệnh nhân tại Bệnh viện Xanh Pôn và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Qua kiểm tra tại 2 bệnh viện: Số bệnh nhân vào điều trị giảm so với ngày thường nhưng số ca nặng do diễn biến thời tiết tăng lên. Trao đổi với PV Báo An ninh thủ đô, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, đợt rét này, Sở Y tế đã yêu cầu toàn bộ các bệnh viện của thành phố phải tăng cường tránh rét cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, phải bố trí đủ kíp trực, cơ số thuốc, sẵn sàng cấp cứu cho các bệnh nhân nhập viện. |