Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trẻ mắc chứng tự kỷ cần được chăm sóc đặc biệt

Tối ngày 10/05/2022 tại Viện Goethe (56 – 60 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm về cuốn sách "Robinson có - tự kỷ của tôi". Buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn học châu Âu 2022, do Nhã Nam và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Quang cảnh buổi toạ đàm.

Quang cảnh buổi toạ đàm.

"Robinson có - tự kỷ của tôi" là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả Laurent Demoulin. Ông đã kể lại một cách chân thực, song không kém phần hóm hỉnh cuộc sống của người cha với cậu con trai có-tự kỷ. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn thông điệp của tác phẩm, ban tổ chức đã mời các diễn giả có chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần cùng tham gia giao lưu trực tuyến với tác giả Laurent Demoulin.

Ấn tượng đầu tiên sau khi đọc "Robinson có - tự kỷ của tôi", nhà giáo Trịnh Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Minh cho biết có những đoạn bật cười, song cũng có những đoạn thực tế tới mức nhói lòng. Trong quá trình đồng hành cùng các giáo viên hiện đang làm công tác giáo dục đặc biệt, chị thấu hiểu rằng các bạn nhỏ mắc chứng tự kỷ (rối loạn phổ tự kỷ) luôn cần người để mắt, chăm nom. Bởi vậy, cha mẹ, thầy cô giáo sẽ thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng, vất vả trên hành trình nuôi dạy trẻ.

Tác giả Laurent Demoulin cũng có con trai mắc chứng tự kỷ. Ông tâm sự cùng các diễn giả, khán giả rằng khác với các bậc cha mẹ có con cái phát triển bình thường, cha mẹ của trẻ tự kỷ không thể an tâm từ giã cõi đời. Họ cần cố gắng sống lâu nhất có thể với hi vọng bản thân sẽ không qua đời trước con, để chăm sóc con. Trong tác phẩm "Robinson có - tự kỷ của tôi", Laurent Demoulin cũng kể về không ít tình huống đời thường, những vấn đề bị coi là tế nhị, thậm chí thường bị xem là thô thiển như: phân, nước tiểu. Nhưng ông tin mình cần làm vậy để cuốn sách diễn tả lại một cách chân thực và đầy đủ nhất thực trạng của trẻ tự kỷ.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Công tác xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội rất đồng thuận với cách tiếp cận thẳng thắn của tác giả. Chị đã có nghiên cứu về tình trạng cha mẹ của trẻ tự kỷ bị rơi vào tình trạng stress. Trong đó, phản ứng né tránh, không chấp nhận con của cộng đồng, thậm chí là từ chính những người thân xung quanh mang tới không ít tác động tiêu cực. Ở trang 122 – 123 của cuốn sách, bạn đọc có thể phần nào thấy được khó khăn khi cha mẹ đưa trẻ tự kỷ đến những nơi công cộng. Những biểu hiện bất thường, la hét hoặc sự nín lặng của các em khiến không ít người tỏ rõ thái độ xa cách, sợ hãi.

Tiến sĩ Mai Hương đã đặt ra câu hỏi: Làm thế nào mà tác giả Laurent Demoulin có thể kiên cường chăm sóc con mình trong khi vẫn làm việc, cân bằng các vai trò khác trong cuộc sống? Ông trả lời rằng: Ông vượt qua được khó khăn khi chăm sóc con nhờ vào tình thương và tính hài hước. Đó cũng là điều mà ông muốn nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ.

Buổi Tọa đàm được điều phối bởi biên tập viên Đặng Thanh Giang đã khép lại bằng một trích dẫn đáng suy ngẫm trong cuốn sách: “Robinson chẳng gặp vấn đề gì hết. Đôi lúc nó buồn, đôi lúc nó cằn nhằn, đôi lúc nó đau bụng. Nhưng phần lớn thời gian nó vui vẻ, hòa nhã, thoải mái và hài lòng với những mối bận bịu của riêng mình. Nó không gặp vấn đề gì. Nhưng nó lại là một vấn đề. Trong thế giới nó đang sống và nó sẽ sống mai kia.”


Cuốn sách mang đến nhiều câu chuyện cảm động về tình phụ tử.

Cuốn sách mang đến nhiều câu chuyện cảm động về tình phụ tử.