Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trẻ sợ nhất là bố mẹ giận hờn, cãi vã

Cha mẹ bất hòa, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc nhất. Trẻ sẽ cảm thấy vô cùng sợ hãi và bất an, cảm giác không an toàn và cô đơn.

 
Trẻ không thể sống vui vẻ và hạnh phúc khi cha mẹ thường xuyên cãi vã, giận hờn.

Trẻ không thể sống vui vẻ và hạnh phúc khi cha mẹ thường xuyên cãi vã, giận hờn.

Vừa đi học thêm về, nghe thấy bố mẹ to tiếng trong phòng khách, Tuệ Minh chán nản dắt xe ra cửa. Ðã 7h tối, nhà nào cũng đầm ấm bên bữa cơm gia đình, Tuệ Minh thực sự không có chỗ nào để đi. Trời mưa phùn, đường phố ảm đạm, vắng bóng người, Tuệ Minh cứ lầm lũi đạp mải miết trên con đường quen thuộc tới trường như một thói quen vô định…

Ở nhà, bố mẹ Tuệ Minh vẫn chưa cãi nhau xong. Anh chồng chắc mới về, vẫn sơ mi đóng thùng; cô vợ có lẽ về sớm hơn, đã kịp thay bộ đồ mặc nhà, cả hai mặt mũi phừng phừng tựa như hai con gà chọi chuẩn bị lao vào quyết chiến. Ðấy mới là khẩu chiến, chứ nhiều nhà còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay khiến con cái sợ xanh mặt.

Cô bé tên Thanh Hương nói với bạn thân cùng lớp: Ðừng tưởng chỉ có đàn ông đánh phụ nữ nhé, vì mỗi lần bố tớ đi làm về muộn, người sặc mùi bia rượu, y như rằng sẽ bị mẹ mắng cho một bài dài như vọng cổ và “tẩn” cho một trận “lên bờ xuống ruộng”.

Có những cặp vợ chồng cãi mắng nhau ồn ào, làng trên xóm dưới ai cũng biết, nhưng cũng có những cặp đôi không đôi co to tiếng, cứ âm thầm “chiến tranh lạnh” khiến cho không khí trong gia đình lạnh lẽo, con cái chán nản.

Nhiều trẻ không thể nào hiểu nổi, tại sao việc “bé như con kiến” mà bố mẹ có thể cãi vã, giận nhau cả tháng trời. Nhưng cũng có trẻ lại cảm thấy sức chịu đựng của cha mẹ mình thật là phi thường, tại sao họ chán ghét nhau đến thế mà vẫn có thể ở chung nhà và diễn kịch trước bàn dân thiên hạ như một gia đình hạnh phúc? Còn với đứa trẻ cả nghĩ, chúng lại cho rằng có thể mình là nguyên nhân sâu xa khiến cho bố mẹ tranh cãi.

Thông thường, không có cha mẹ nào muốn cãi vã hay mắng chửi nhau trước mặt con cái. Họ cố gắng kiểm soát cảm xúc và tránh tranh luận khi con cái có mặt ở nhà. Tuy nhiên, đôi khi vì quá tức giận mà họ bộc phát ngay trước mặt trẻ. Cá biệt, có một số ông bố, bà mẹ lại cố tình lôi con vào cuộc chiến để kéo về phe mình nhằm áp đảo đối phương. Cả hai điều này đều rất không nên vì khiến trẻ bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng.

Trong cuộc sống, mâu thuẫn vợ chồng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khi tranh cãi, các bậc cha mẹ tuyệt đối không nên kéo trẻ vào cuộc chiến và bắt trẻ phải đưa ra lựa chọn: Bố và mẹ, ai đúng?/ Bố hay mẹ, con theo ai? Cha mẹ cần ghi nhớ một điều, không cãi nhau trước mặt con cái và việc của người lớn thì người lớn phải tự tìm cách giải quyết.

Việc chứng kiến cha mẹ bạo lực tinh thần hay thể chất lẫn nhau cũng chính là một hình thức bạo lực tinh thần trẻ em. Những lời nói và hành vi tiêu cực của cha mẹ dành cho nhau sẽ khiến cho trẻ cảm thấy sợ hãi và bất an, cảm giác không an toàn, chán nản. Mặt khác, lối ứng xử thiếu tinh tế có thể tác động xấu đến cách ứng xử của trẻ sau này.