Bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” cho trẻ em
Việc nhìn gần và tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong thời gian dài, ít tham gia các hoạt động ngoài trời khiến bệnh cận thị ở trẻ tăng nhanh. Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ 2 tuổi đã biết sử dụng điện thoại. Cứ 10 trẻ lại có 7 trẻ được cha mẹ cho sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Những thống kê mới nhất của các tổ chức y tế cho thấy 70% học sinh, sinh viên bị bệnh về mắt, trong đó 53% bị cận thị, 17% bị loạn thị… Ðây là con số đáng báo động và cần có những giải pháp cũng như kiến thức chuyên môn để ngăn ngừa tình trạng này. Các bệnh về mắt không chỉ gây khó khăn cho sinh hoạt mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý, trí tuệ của thế hệ trẻ trong tương lai.
Lên 3 tuổi, trẻ học bằng cách quan sát môi trường xung quanh và sao chép hành động của bố mẹ. Nhưng khi có màn hình nhấp nháy trước mắt, trẻ sẽ không còn quan tâm đến những hoạt động thú vị của thế giới bên ngoài. Hơn nữa, thị giác của trẻ chưa phát triển đầy đủ cho đến khi 8 tuổi, vì vậy, khi mắt trẻ tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử khiến trẻ mắc các tật khúc xạ về mắt. Tiếp xúc thời gian dài với ánh sáng xanh có thể làm giảm thị lực và tạo ra các phân tử độc hại trong các tế bào nhạy sáng của mắt. Trẻ thường để thiết bị sát mắt dẫn đến hiện tượng mắt thường xuyên phải tập trung nhìn gần trong thời gian dài, thể thủy tinh phồng lên, độ cong của giác mạc tăng, khiến lực khúc xạ của mắt tăng lên, gây tật cận thị.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Bệnh viện mắt Cao Nguyên (tỉnh Gia Lai), việc trẻ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như smartphone, máy tính bảng, máy tính xách tay hay máy tính để bàn đều bị ảnh hưởng ít nhiều đến mắt của trẻ. Mắt mỏi mệt, lâu ngày dẫn đến cận thị từ nhẹ đến nặng, thoái hóa võng mạc, lác… do nhìn gần quá lâu cũng như do tác hại của ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lành lưu ý, trong trường hợp phải học trực tuyến, để tránh gây hại cho mắt của trẻ thì không nên sử dụng nhiều điện thoại hay máy tính bảng vì những thiết bị này nhỏ, khó nhìn, khó thao tác, phải nhìn gần hơn nên dễ dẫn đến mỏi mệt mắt nhanh hơn. Nên sử dụng laptop hay máy tính để bàn và giữ cho mắt cách giữa mắt và màn hình khoảng 50-60cm. Tốt nhất, nếu có thể là kết nối máy tính lên màn hình tivi và ngồi đúng khoảng cách (gấp 4 lần chiều dài đường chéo của tivi). Thời gian sử dụng thiết bị điện tử mỗi lần không quá 45 phút và mỗi ngày không quá 2 tiếng. Trong lúc học, thỉnh thoảng nên có thư giãn mắt ngắn (nhắm mắt hoặc nhìn ra xa ít nhất vài giây). Thời gian nghỉ ngơi giữa các lần học 10-15 phút và nên ra ngoài vận động vừa phải, nhìn xa, đặc biệt là nhìn vào cây xanh. Nên khám mắt định kỳ cho trẻ 3-6 tháng một lần để kịp thời phát hiện cũng như xử trí sớm các bệnh về mắt.
ThS.BS Nguyễn Văn Lành thông tin thêm, ngày càng nhiều trẻ bị bệnh mắt đặc biệt là bị cận thị học đường đến khám bệnh viện. Với những trường hợp đến sớm trong giai đoạn rối loạn điều tiết, giả cận thị hay cận nhẹ, thì đều được dùng thuốc uống, nhỏ mắt, cũng như tư vấn cho bố mẹ về cách bảo vệ mắt, chế độ ăn uống, khám mắt định kỳ và phòng chống bệnh cận thị. Hầu như trẻ đến trong giai đoạn sớm đều được chữa khỏi. Những trường hợp còn lại không khỏi hoặc đỡ hơn sau dùng thuốc thì sẽ tư vấn cắt kính đeo phù hợp, dùng thuốc, khám định kỳ cũng như các chế độ sinh hoạt, chăm sóc mắt đúng cách.
Việc sử dụng dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là các loại rau củ quả, cá để bổ sung vitamin A, C, E, khoáng chất, axit béo Omega-3 cũng giúp chống mỏi mắt, chống thoái hóa võng mạc, hạn chế bị cận thị.
Giới hạn thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử
Cha mẹ nên dành nhiều thời gian bên con và biến những cuộc trò chuyện về thiết bị điện tử trở nên thú vị. Hãy coi đó là những thảo luận đơn giản, lành mạnh trong gia đình. Giống như việc thảo luận xem ngày mai sẽ ăn món nào ngon hoặc đi đâu trong kỳ nghỉ tiếp theo của gia đình, xem các thiết bị điện tử cũng sẽ được nhắc đến tương tự. Bằng cách này, trẻ sẽ không cảm thấy bạn đang cố gắng gây áp lực cho chúng, và tự nguyện sử dụng thiết bị an toàn và hiệu quả hơn.
Tăng cường hoạt động thể chất, vui chơi ngoài trời. Thỉnh thoảng, gia đình nên đi du lịch để trẻ có cơ hội gần gũi với thiên nhiên và hiểu biết về thế giới bên ngoài. Những hoạt động vui chơi cũng sẽ giúp trẻ xa rời máy tính, khơi gợi hứng thú trải nghiệm thực tế thay vì đắm chìm và thế giới ảo. Trong các kỳ nghỉ, cha mẹ khuyến khích trẻ tham gia các môn thể thao ngoài trời và các hoạt động thể chất.
Ðặt chế độ giới hạn thời gian sử dụng cho máy tính, điện thoại. Cha mẹ có thể cài đặt chế độ giới hạn giờ sử dụng và quy định giờ chơi game của con. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dành thời gian chia sẻ, tìm hiểu xem con đang dùng những ứng dụng nào, chương trình gì để kiểm soát những ứng dụng hoặc chương trình độc hại. Từ đó, cha mẹ sẽ có thêm nhiều biện pháp kịp thời để hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của con.
Cha mẹ hãy là tấm gương mẫu mực. Trẻ em luôn bắt chước các hành động của người lớn và có những thói quen giống cha mẹ. Thái độ và hành động của phụ huynh luôn là bài học thực tiễn để các con noi theo và học tập mỗi ngày. Do đó, để giới hạn thời gian sử dụng thiết bị của trẻ, trước tiên cha mẹ cần là một tấm gương trong việc sử dụng và kiểm soát việc sử dụng các thiết bị di động để chơi game, Internet và mạng xã hội.