Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trẻ vi phạm an toàn giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, khoảng 90% nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông là do ý thức của người tham gia giao thông kém. Có không ít vụ tai nạn hoặc vi phạm giao thông là do trẻ em gây ra.

Trẻ em cần được trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Trẻ em cần được trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Công an đánh trẻ em vi phạm giao thông và những vấn đề đặt ra

Mới đây, dư luận xã hội xôn xao vụ cán bộ công an TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có hành vi bạo lực đối với hai thiếu niên vi phạm Luật an toàn giao thông (dùng tay, chân, gậy, mũ bảo hiểm đánh).

Cụ thể, hai thiếu niên N.H.Ð (16 tuổi) và L.K.T.L (15 tuổi) đi xe máy ngược chiều, nghi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nên công an TX. Vĩnh Châu ra tín hiệu dừng phương tiện. Tuy nhiên, Ð. không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng qua nhiều tuyến đường.

Các thành viên trong tổ công tác rượt đuổi 30km mới dừng được phương tiện do Ð. điều khiển. Lúc này, đại úy Châu Minh Trung và trung úy Nguyễn Quang Thái đã dùng tay, chân, gậy, mũ bảo hiểm đánh hai thiếu niên. Sau đó, đại úy Trần Minh Ðời và thượng úy Ðoàn Tấn Phong tăng cường đến sau và thượng úy Phong được xác định có hành hung tiếp 1 trong 2 thiếu niên. Vụ việc được camera của cơ sở thu mua tôm ghi lại.

Ban Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã họp và quyết định kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu công an nhân dân (CAND) đối với 3 cán bộ, gồm: đại úy Châu Minh Trung, trung úy Nguyễn Quang Thái, thượng úy Ðoàn Tấn Phong; kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó đội trưởng xuống làm cán bộ đối với đại úy Hứa Trường An; kỷ luật cảnh cáo đại úy Trần Minh Ðời.

Vụ việc đến nay đã tạm thời khép lại, nhưng nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và những người làm công tác quản lý, vì sao trẻ em vi phạm pháp luật về an toàn giao thông và trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em thuộc về ai?

Theo quy định pháp luật, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở, không xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với trẻ từ 7 đến dưới 14 tuổi; phạt cảnh cáo đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô; phạt cảnh cáo là mức cao hơn nhắc nhở nhưng không được phép xử phạt tiền hoặc tạm giữ phương tiện. Người từ 16-18 tuổi vi phạm mới bị xử phạt nhưng mức phạt tiền bằng 50% quy định chung.

Những quy định này rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với trẻ em nhưng cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi muốn xử lý, răn đe với những trẻ em có hành vi ngỗ ngược, vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Trên thực tế, có không ít trẻ em dưới 14 tuổi lấy xe máy của cha mẹ/người thân (có cha mẹ biết và có cha mẹ không biết) hoặc đi xe máy điện, xe đạp điện nhưng lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu, tổ chức đua xe hoặc gây tai nạn rồi bỏ chạy...

Vụ việc hai em thiếu niên vi phạm an toàn giao thông bị công an đánh gây xôn xao dư luận vì những công an này đã lạm quyền và có hành vi bạo lực đối với người dân, nhất là đó lại là trẻ em, điều này vi phạm nghiêm trọng Luật Trẻ em; nhưng nó cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo về việc giáo dục và quản lý con em mình khi tham gia giao thông.

Cha mẹ học sinh phải là những tấm gương để trẻ em học theo khi tham gia giao thông. Ảnh minh họa

Cha mẹ học sinh phải là những tấm gương để trẻ em học theo khi tham gia giao thông. Ảnh minh họa

Đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông

Mặc dù, các trường học đã có nhiều buổi tuyên truyền, đào tạo các kỹ năng về an toàn giao thông; cùng phối hợp với các đơn vị tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông, nhưng rõ ràng, việc làm này vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Chỉ cần đứng ở một cổng trường bất kỳ vào giờ tan tầm và quan sát, có thể dễ dàng thấy rõ các học sinh có tham gia giao thông đúng luật và an toàn hay không. Các em học sinh đi xe đạp thì hay dàn hàng ngang, lạng lách; nhiều em đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, xe chưa đăng ký; đến cả những em đi bộ đôi khi cũng đi không đúng làn đường của mình…

Buồn nhất chính là ý thức tham gia giao thông của các bậc phụ huynh. Nhiều người điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, đi và đỗ xe sai làn đường gây ùn tắc giao thông, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ…; người điều khiển xe ô tô, thì khi xe ô tô thì lấn làn xe máy, quay đầu xe ở nơi đông người gây tắc đường, để trẻ thò đầu ra khỏi cửa kính khi xe đang lưu thông… Khi ý thức của các bậc phụ huynh còn chưa tốt chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ý thức tham gia giao thông của trẻ em.

Nhiều vụ va quệt giao thông ở trước cổng trường hoặc xung quanh khu vực trường học thường xuyên xảy ra, hậu quả ai là người phải gánh chịu? Chính là trẻ em và cha mẹ các em. Vậy tại sao các bậc phụ huynh không là những tấm gương để trẻ em học theo khi tham gia giao thông? Nếu chúng ta mặc nhiên coi những hành vi vi phạm an toàn giao thông như không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, gắn máy, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ… là những điều quá bình thường thì trẻ em sẽ không thể phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai.

Thậm chí, có những bậc phụ huynh còn rất giỏi “ứng phó” khi thấy cảnh sát giao thông. Có công an giao thông ở gần đó thì họ chấp hành Luật Giao thông đường bộ rất nghiêm túc, nhưng khi không có công an thì họ vô tư vi phạm.

Và nhiều phụ huynh, khi vi phạm giao thông, bị công an yêu cầu tạm dừng phương tiện, nộp phạt thì họ lấy đủ lý do để xin xỏ, thậm chí xúi trẻ nói dối để được thoát tội. Những hành động này chỉ càng khiến trẻ em coi nhẹ việc phải đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, cần sự chung sức và quan tâm của các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và toàn xã hội; nhưng quan trọng hơn cả là ý thức tham gia giao thông của chính cha mẹ các em.