Chia sẻ với báo chí, luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, phần lớn trẻ phạm pháp đều thiếu sự giáo dục từ gia đình. Ngoài ra thì những tội phạm trẻ tuổi đa phần tới từ hoàn cảnh gia đình phức tạp, thiếu sự quan tâm. Sự bất lực trong giáo dục, vô tâm từ gia đình đa phần đã khiến những đứa trẻ phạm sai lầm lớn nhất trong đời: tự tay cắt đứt đi sợi dây máu mủ, tình thân.
Với trẻ em, yêu thương thôi chưa đủ mà cha mẹ và người thân cần yêu thương trẻ đúng cách, dạy cho trẻ cách đối nhân xử thế đúng đắn, biết kính trên nhường dưới, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ.
Sự nuông chiều thái quá của nhiều bậc bố mẹ sẽ tạo cho con trẻ thói quen ỷ lại, và quen với ý nghĩ, đã là cha mẹ là phải hy sinh cho con cái. Những đứa trẻ đó dần dà trở nên ích kỷ, chỉ biết yêu bản thân, không biết thương bố mẹ và gia đình, sẵn sàng đạp đổ khi cha mẹ, ông bà không thể cung phụng, chiều chuộng mình. Hành động vô ơn, bất hiếu cũng từ đó mà nảy sinh.
Bố mẹ nuông chiều, con lớn lên không biết ơn
Vợ chồng anh Hoài chỉ có một đứa con trai duy nhất, anh có con khi đã ngoài 40 tuổi. Từ nhỏ, đứa trẻ đã được cha mẹ coi như ngọc ngà châu báu. Hai vợ chồng anh Hoài tuy chỉ là những người lao động bình dân nhưng họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để cho con tiêu vặt, mua sắm đồ hiệu, đi chơi ở các trung tâm thương mại sang chảnh.
Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép
- Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình.
- Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính.
- Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống.
(Nguồn: Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, Bộ VH-TT&DL)
Thay vì cảm thấy mình thật may mắn khi được bố mẹ yêu thương hết mực và cưng chiều, con trai anh Hoài không chịu học hành, chỉ thích giao du với đám bạn xấu. Mỗi lần đi chơi hết tiền, con trai lại về nhà xin tiền bố mẹ, nó mặc định cha mẹ phải có nghĩa vụ cung cấp tiền cho mình ăn chơi.
Cho đến một ngày, anh Hoài bị tai nạn giao thông mất sức lao động phải về hưu sớm, kinh tế gia đình sa sút nghiêm trọng, anh Hoài không còn đủ năng lực tài chính để chu cấp cho con, anh khuyên con nên chí thú học hành, bớt ăn tiêu lại vì bố mẹ già rồi không thể nuôi con mãi được. Con cần tự biết chăm lo cho bản thân để nếu nhỡ mai sau này, cha mẹ có mất đi con vẫn có thể sống được. Phớt lờ lời khuyên răn của cha, con trai anh Hoài rất tức giận mỗi khi cha mẹ không thể đáp ứng các đòi hỏi của mình. Nó thậm chí còn ăn cắp tiền của bố mẹ, đánh mắng họ nếu không đưa tiền.
Hàng xóm, họ hàng nhìn vào gia cảnh nhà anh Hoài, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm “Gia đình ấy thật là vô phúc khi có thằng con bất hiếu, hư hỏng”. Nhưng nguyên nhân sâu xa của vấn đề này vốn lại xuất phát từ chính cách nuông chiều con thái quá của vợ chồng anh Hoài.
Làm cha mẹ, ai mà chẳng yêu thương và cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con. Tuy nhiên, chiều chuộng con vô điều kiện mà không dạy cho con biết trân quý mồ hôi, công sức nuôi dưỡng của cha mẹ sẽ khiến cho trẻ trở thành một đứa trẻ sống ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi.
Ngay từ khi con nhỏ, làm cha mẹ, bạn hãy dạy cho con phải biết ơn công sinh thành của cha mẹ, biết chia sẻ lo toan giúp đỡ cha mẹ việc nhà, biết sống tự lập và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Cha mẹ không hiếu thảo với ông bà, con cái cũng học theo
Chị Hồng, một phụ nữ thành thị nhất quyết không sống chung với bố mẹ chồng. Điều này cũng không có gì là quá đáng, vì phụ nữ hiện đại, ai cũng thích tự do, rất hiếm người thích chung sống trong các gia đình đa thế hệ. Tuy nhiên, không thích là một chuyện, chị Hồng còn thường xuyên tỏ thái độ coi thường bố mẹ chồng nhà quê, lạc hậu, nghèo khó… Các con của chị Hồng cũng học theo mẹ hùa vào chê ông bà nội quê mùa. Chồng chị Hồng nhiều khi cảm thấy vô cùng bất lực khi không thể dạy bảo được con cái phải yêu thương, hiếu thuận với ông bà vì đến mẹ của chúng cũng có sống ra gì đâu.
Cha mẹ là tấm gương cho con cái, nếu bản thân bạn không biết yêu thương, kính trọng, hiếu nghĩa với ông bà và những người bề trên thì con cái bạn cũng sẽ học theo cách sống ấy mà sau này có thể hành xử tệ bạc với chính cha mẹ ruột của mình.
Người ta thường nói, cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, lời nói và việc làm của cha mẹ sẽ phản chiếu hành vi sau này của con cái. Vì vậy, cha mẹ hãy nêu tấm gương sáng về lòng hiếu thảo trong gia đình, để con cái hiểu được tầm quan trọng của chữ hiếu, hiểu được hiếu thảo với cha mẹ là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp.