Câu hỏi của qua điện thoại của ông Phạm Văn Bảy, Viện trưởng Viện KSND huyện Thăng Bình (Quảng Nam) dặn dò tôi phải chuẩn bị sức khỏe cho hành trình chuyến đi tri ân lần này tới Quảng Nam để thăm các mẹ VNAH, các gia đình chính sách ngày 27/7 năm nay.
Anh Bảy vốn sinh ra ở đất Thăng Bình, anh vào ngành Kiểm sát được 29 năm, và giữ cương vị Viện trưởng Viện KSND huyện Thăng Bình 13 năm nay. Trong bối cảnh một huyện nghèo khó xa xôi cùng với những di tích cuộc chiến vẫn còn dày đặc với sự mất mát hy sinh của bao người con của quê hương mình đổ xuống năm xưa. Biết bao bà mẹ còn sống, nhiều mẹ đã mất, nhiều mẹ vẫn sống hàng ngày mòn mỏi chờ mong chỉ tìm thấy được xác của chồng, con mình hy sinh trong cuộc chiến đề dành lại mảnh đất này. Một mảnh đất Quảng Nam đầy nghĩa tình đã thôi thúc những nhà báo như tôi cùng các cán bộ của ngành Kiểm sát lại có cuộc hội ngộ hẹn về trao những món quà tình nghĩa đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách.
Nỗi đau mẹ Tảo khi nghĩ đến những người con hy sinh của mình.
Đi cùng đoàn nhà báo Báo Bảo vệ pháp luật, có Viện trưởng Viện KSND huyện Thăng Bình Phạm Văn Bảy, chị Nguyễn Thị Xuân, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện đã đến thăm hỏi với các mẹ ở xã Bình Dương, thăm mẹ Phan Thị Tảo 86 tuổi (thôn Tư ), mẹ Lê Thị Thân 93 tuổi (thôn Cây Mộc), mẹ Lê Thị Ngự 92 tuổi (thôn Sáu), mẹ Nguyễn Thị Nghi 96 tuổi (thôn Một)... Cùng nhiều gia đình thương binh, bị nhiễm chất độc da cam, như thương bình Đặng Phước Biệu 74 tuổi (thôn Sáu). Nhiều gia đình nhà cửa xây dựng lâu đã xuống cấp, thậm chí không có cả công trình phụ, như gia đình mẹ Lệ Thị Ngự. Mẹ Ngự đang ở cùng gia đình người con trai út nhưng người con làm nông đời sống cũng khó khăn, không có tiền xây dựng. Mong ước của mẹ được cấp trên hỗ trợ cho một ít kinh phí để làm thêm công trình phụ.
Như hoàn cảnh của mẹ Nghi, nhà mẹ nằm cạnh sông Trường Giang thường năm bị lụt nước. Mẹ ở với người con gái độc thân năm nay cũng đã 70 tuổi. Không còn sức lao động và cuộc sống quá khó khăn, không có tiền để làm gác chống lũ, hỏi mẹ mong muốn điều gì nhất hiện nay? Mẹ nghẹn lòng, mẹ chỉ mong xây được căn gác xép để mẹ khỏi phải đi ở nhờ khi mùa lũ dâng tràn. Mong ước của mẹ thúc giục chúng tôi phải quyết tâm thực hiện vào một ngày trong năm 2016 này.
Trong buổi tiếp chúng tôi, ông Hồng Quốc Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nghẹn lòng khi nhắc: "Thăng Bình là vùng tử địa, ác liệt nhất miền biển Quảng Nam. Bom đạn Mỹ chà đi xát lại. Các đội quân Đại Hàn, sư đoàn Thanh Lam Pac Chung Hy tàn phá vô cùng ác độc. Hậu quả chiến tranh để lại cho huyện nhà vô cùng trầm trọng. Với 10.987 liệt sỹ, 11.000 thân nhân liệt sỹ, 1.583 bà mẹ VNAH, hàng nghìn nạn nhân nhiễm chất độc da cam, nạn nhân chiến tranh. Thăng Bình cũng làm hết sức mình để chăm lo tốt các đối tượng chính sách. Các nhà hảo tâm, các tổ chức đoàn thế tập thể, cá nhân cũng ủng hộ, tài trợ hết lòng cho Thăng Bình.”
Lắng lòng một chút, ông Cường nói tiếp: “Xã Bình Dương, một vùng trắng trong chiến tranh chống Mỹ là xã ba lần anh hùng. Với 5 anh hùng lực lượng vũ trang và 1.367 liệt sỹ, 239 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống 12 mẹ), 102 thương binh 80% trở xuống, ưu đãi liệt sỹ 148 người, người có công Cách mạng 202, người bị bắt tù đày 134...”. Qua chuyện trò, chúng tôi được biết, ông Cường có cha và anh trai ruột cũng là liệt sĩ. Có lẽ vì thế, những ân nghĩa sâu lắng cứ thôi thúc ông mỗi ngày sẽ làm được điều gì đó cho những người con Thăng Bình và mảnh đất này phần nào xua đi bớt nỗi đau khổ, mất mát
Nhà báo Thu Hương (bên phải) trao quà phụng dưỡng cho mẹ Châu Thị Bồng.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 11.234 Bà mẹ VNAH và hàng trăm tập thể, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng chục ngàn người là thương binh, bệnh binh, gia đình có công với Cách mạng. Quảng Nam có 35.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, 5.500 nạn nhân chất độc da cam được công nhận.
Chúng tôi ra nghĩa trang xã Bình Dương thắp hương cho các liệt sỹ và tiếp tục thăm nhiều gia đình chính sách khác trong huyện. Ngày 27/7 năm nay, đoàn nhà báo Bảo vệ pháp luật chúng tôi đã đồng hành cùng các cán bộ Viện KSND huyện Thăng Bình xuống 3 xã: Bình Dương, Bình Hải và Bình Giang để tặng 60 suất quà, có tổng trị giá 30 triệu đồng tiết kiệm từ tiền cá nhân đến thăm hỏi tri ân các mẹ, các gia đình chính sách.
Ở Thăng Bình nhiều cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp cũng chăm lo các gia đình chính sách; thân nhân liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong đó, Viện KSND huyện Thăng Bình cùng phòng Nội vụ huyện đang phụng dưỡng suốt đời mẹ VNAH Trần Thị Bưng (thôn Trà Đóa 2, xã Bình Đào). Còn tôi, với tấm lòng nhỏ nhoi của một nhà báo ngành Kiểm sát cũng cố gắng năm nay dành dụm được số tiền 30 triệu đồng để cùng anh em trong ngành xuống tặng tri ân, và phụng dưỡng suốt đời mẹ VNAH Châu Thị Bồng (thôn Châu Sa, xã Bình Giang), mẹ nay đã 100 tuổi sống cùng một người cháu gái. Ngoài ra, chúng tôi đang phối hợp với Tập đoàn Vingroup để lập danh sách một số gia đình cách mạng, gia đình chính sách, gia đình mẹ VNAH có nhà xuống cấp để xây hỗ trợ mới lại và làm một số sổ tiết kiệm cho một hộ có thương, bệnh binh, nhiễm chất độc da cam đang hàng ngày đang phải chống chọi với bệnh tật.
Ông Đặng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: “Bình Dương hôm nay thay đổi khác xa hôm qua, nhân dân có cuộc sống ấm no, nhưng để Bình Dương chịu quá nhiều đau thương mất mát nên không dễ theo kịp các đơn vị bạn, xã nhà. Điều mong muốn của tôi là, cần cấp trên có thêm chính sách đầu tư nhiều hơn nữa cho Bình Dương để phát triển ổn định bền vững!”.