Tham dự Hội nghị có ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐ NDVN Nguyễn Trọng Nghĩa; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quang Bền cùng 300 thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công cả nước về dự.
Chăm lo bằng cả trái tim
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ: Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là ngày hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam, non sông thu về một mối, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. "Hội nghị toàn quốc biểu dương người có công tiêu biểu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh – mùa Xuân 1975 được tổ chức là dịp để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tưởng nhớ, tri ân những người anh hùng đã hy sinh xương máu, tuổi xuân cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời, là dịp để ôn lại trang sử hào hùng của những ngày tháng tư không thể nào quên"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Hiện nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. Hầu hết, người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm… Hàng vạn người có công được vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh và NCC, tạo điều kiện cho con, em của họ có việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống…
Song song đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Cả nước hiện có gần 7.000 các công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 237 đài tưởng niệm liệt sĩ, 3.540 nhà bia ghi tên liệt sĩ và 3.077 nghĩa trang liệt sĩ với tổng trên 880.000 mộ, trong đó 630.000 mộ có đầy đủ thông tin và khoảng 303.000 mộ còn thiếu thông tin, hơn 208.000 hài cốt liệt sĩ chưa phát hiện, tìm kiếm, quy tập được.
Bộ trưởng thăm hỏi sức khỏe Người có công
Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được phát triển rộng khắp. Nhiều phong trào phát triển từ các thôn bản, xã, phường, được tổng kết và nhân rộng trong phạm vi cả nước, như phong trào: Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng vườn cây tình nghĩa, áo ấm tặng mẹ, áo lụa tặng bà; phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, đỡ đầu con thương binh, con liệt sĩ; nhiều địa phương kết nghĩa, giúp đỡ xây dựng hàng ngàn nhà tình nghĩa và công trình phục vụ đời sống xã hội…
Chỉ tính riêng 5 năm qua, phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng không ngừng được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Đến nay, hơn 6.000 Bà mẹ VNAH còn sống, đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời.
Những người con của dân tộc
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến giờ ông Vũ Đăng Toàn (Thượng Bỳ, Yết Kiêu, Gia Lộc, Hải Dương) vẫn còn nhớ như in nhưng giây phút hào hùng năm ấy, khi đơn vị của ông (Đại đội 4, tiểu đoàn 1, lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2) tiến vào Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử trưa ngày 30 /4/1975: "Tôi đảm nhận nhiệm vụ dồn toàn bộ nội các của chính quyền Dương Văn Minh vào một phòng. Tôi hỏi ông Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của ông Dương Văn Minh: Tổng thống đâu? Ông Hạnh trả lời: Dạ, để tôi đưa Tổng thống ra chào các ông"- ông Toàn kể lại giây phút hùng tráng.
Tiếp tục câu chuyện, ông Toàn nói: "Năm 1985, tôi xuất ngũ trở về quê nhà. Thời đó gia đình tôi chung sự khó khăn với toàn xã hội, thiếu thốn lương thực, vật dụng, nhu yếu phẩm hàng ngày. Tôi luôn trăn trở và suy nghĩ phải làm gì để vượt lên chính mình, vượt lên khó khăn gian khổ. Phát huy bản chất của người lính Cụ Hồ, không sợ khó khăn gian khổ phấn đấu lao động sản xuất cải thiện kinh tế gia đình, nuôi được ba người con ăn học, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển".
Ông Vũ Đăng Toàn (Thượng Bỳ, Yết Kiêu, Gia Lộc, Hải Dương)
Bà Đoàn Thị Thu, 76 tuổi nguyên Trưởng Công an quận Tân Bình, Công an TP.HCM cũng chia sẻ về những tháng ngày tham gia kháng chiến đầy oanh liệt: “Cuối năm 1965, tôi được giao nhiệm vụ vào nội thành hoạt động và xây dựng cơ sở ở Tân Thởi Nhất (Hóc Môn). Năm 1969, tôi bị bắt và tra tấn, bị nhốt 3 năm qua nhiều nhà tù. Tuy nhiên, vì lòng tin quyết thắng, tôi một mực không khai báo. Không khai thác được gì, quân địch phải trả tự do cho tôi. Và đến năm 1973, tôi tiếp tục móc nối lại cơ sở công tác. Sau đó, tôi được phân công công tác tại Đội bảo vệ chính trị Công an quận Tân Bình cho đến khi nghỉ hưu. Chính những tháng ngày tham gia đấu tranh với quân địch đã rèn luyện ý chí, kỷ luật để tôi có thêm niềm tự hào và tự nguyện cống hiến công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương, đất nước ”.
Bà Đoàn Thị Thu, nguyên Trưởng Công an quận Tân Bình, Công an TP.HCM
Câu chuyện chiến đấu của ông Vũ Đăng Toàn hay bà Đoàn Thị Thu là đại diện cho hàng triệu tấm gương NCC đã cống hiến xương máu, công sức trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta. Trở về với đời thường, những người con ưu tú của dân tộc lại không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, đạt nhiều thành tích trong công tác, trong lao động sản xuất và hoạt động xã hội. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và NCC tiêu biểu đã vượt khó vươn lên bằng nghị lực phi thường, góp phần ổn định cuộc sống, làm giàu cho quê hương, đất nước và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Nhiều người có điều kiện còn giúp đỡ đồng đội cũ và con em của họ, gia đình nghèo có công ăn việc làm, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.