Vừa “dạy” vừa “dỗ” cả trẻ lẫn phụ huynh
Về qui trình trị liệu cho trẻ mắc chứng RNTT, cô Nguyễn Thị Phương, nhân viên CTXH ở trung tâm CTXH Quảng Ninh chia sẻ, đối với nhân viên CTXH ở trung tâm đều phải “cầm tay chỉ việc” và mỗi nhân viên CTXH phải đóng rất nhiều vai. Khi trẻ được đưa đến trung tâm, nhân viên CTXH tiến hành sàng lọc, đánh giá mức độ bệnh tật của trẻ. Sau đó tùy theo mức độ bệnh của trẻ và còn tùy thuộc vào từng gia đình có đồng thuận về việc trị liệu cho trẻ giữa các thành viên trong gia đình hay không, căn cứ vào đó để nhân viên CTXH tư vấn cho gia đình vì không phải gia đình nào cũng hợp tác để trị liệu cho trẻ. Bởi trị liệu cho trẻ phải mọi lúc, mọi nơi, nhưng điều quan trọng nhất phải là sự hợp tác của phụ huynh và người thân của trẻ.
Cô Nguyễn Thị Phương tại phòng giáo cụ trị liệu cho trẻ bị rối nhiễu tâm trí
Sau khi đã hoàn tất các thủ tục ban đầu trị liệu, tiếp đến nhân viên CTXH lên kế hoạch điều trị dài trong 6 tháng cho trẻ và mời phụ huynh đến trao đổi rõ tình trạng bệnh của trẻ để có kế hoạch cụ thể trị liệu theo ngày, tuần, tháng và khung giờ điều trị. Rồi sau mỗi buổi trị liệu (dạy) cho trẻ, nhân viên CTXH đều có giáo án riêng hàng ngày đưa lại cho phụ huynh, trong đó ghi rõ trẻ đã làm được những gì.
“Thời gian trẻ đến trung tâm trị liệu không được nhiều, do vậy khi trẻ về gia đình nếu không có sự phối hợp, tương tác với nhân viên CTXH việc trị liệu sẽ không hiệu quả. Đặc biệt, việc trị liệu phải có sự hợp tác thực sự giữa nhân viên CTXH với trẻ. Bên cạnh đó gia đình, người thân và bố mẹ phải coi việc trị liệu là cần thiết mới giúp đứa trẻ có những chuyển biến tốt”, cô Phương nói.
Về công việc trị liệu cho trẻ, cô Phương tâm sự: “Để trị liệu cho trẻ mắc chứng tự kỷ RNTT đòi hỏi nhân viên CTXH phải có sự kiên trì, dài hơi, bởi những trẻ mắc chứng bệnh này giống như kiểu đổ nước lên tàu lá khoai ấy, hôm nay mười giọt nhưng chỉ đọng lại một giọt đã là mừng lắm rồi, tiếp đến ngày mai hai mươi giọt cũng chỉ đọng lại một chút, cứ như vậy tích dần lên”.
Theo Giám đốc Hoàng Minh Hoa, việc trị liệu cho trẻ RNTT, đòi hỏi nhân viên CTXH phải thực sự kiên trì, có tâm và đặc biệt phải xác định đối tượng như con của mình, nếu thấy nản thì sẽ không làm được. Thực tế, có nhiều phụ huynh ngay con đẻ của mình cũng không kiên trì được, đã có trường hợp phụ huynh phá ngang khi nhân viên CTXH trị liệu cho trẻ.
Trị liệu cho trẻ rồi nhiễu tâm trí tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
Vui mừng bằng… nước mắt
Cô Phương không nén được cảm xúc mỗi khi nhớ lại những ca mà cô đã trị liệu. Đó là trường hợp một trẻ bị RNTT được đưa đến trung tâm để trị liệu, sau một thời gian dài miệt mài của cô, trò, đứa trẻ đã giảm đến 80% hành vi, nhưng sau đó do gia đình sốt ruột, chen ngang đã cho trẻ uống thuốc ở một cơ sở y tế khác khiến đứa trẻ có nhiều cơn tăng động mạnh, hành vi không kiểm soát được đã khiến cô Phương phải bật khóc. Theo cô Phương, cô khóc không phải vì tiếc công sức hay hỏng việc của mình mà khóc vì xót thương cho đứa trẻ đã vào nếp như vậy, giờ mọi việc quay trở về điểm xuất phát, làm lại từ đầu. Bởi hơn ai hết, cô hiểu rõ đối với những trẻ bị RNTT khi đã nói được rồi, giờ đánh mất đi, cơ hội để lấy lại ngôn ngữ nói gần như không còn nữa.
Trường hợp cậu bé tên Lâm (4 tuổi) ở Cẩm Phả, Quảng Ninh, nhưng chưa biết nói cũng khiến cô Phương không thể kìm lòng. Đó là khi gia đình đưa Lâm đến trung tâm, việc đầu tiên để giúp Lâm tập thổi được còi (phọt được hơi ra) phải cần đến 3 nhân viên CTXH “đánh vật” vì Lâm có sức khỏe, đến khi Lâm phọt được hơi ra ở tiếng còi cũng là lúc cô Phương ngồi ôm mặt khóc tu tu, vì phải thổi được như vậy Lâm mới có cơ hội phát âm và nói được. Hoặc trong quá trình trị liệu cho trẻ một thời gian dài, đến một ngày đứa trẻ bật nói được, khiến cô Phương và nhân viên CTXH ở trung tâm vui lâng lâng cả ngày.
Cô Nguyễn Thị Phương, nhân viên CTXH ở trung tâm CTXH Quảng Ninh- Người hết lòng vì trẻ rối nhiễu tâm trí
Giám đốc Hoàng Minh Hoa cho biết, sau thời gian trị liệu, trẻ về cộng đồng, hiện trung tâm đang duy trì mô hình câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ để có sự kết nối tương tác, giao lưu, thăm hỏi và giữa phụ huynh với nhân viên CTXH hoặc khi trung tâm có những hoạt động đều mời cả gia đình và trẻ đến giao lưu.
Trong hành trình đem lại niềm vui, cơ hội hoà nhập cho những trẻ bị chứng bệnh tự kỷ RNTT của mình, có lẽ món quà quí nhất đối với cô Nguyễn Thị Phương đó chính là hàng ngày được chứng kiến sự trưởng thành, tiến bộ trong học tập của những đứa trẻ mà cô và các đồng nghiệp tại trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh trị liệu đã hòa nhập với cộng đồng, được cùng chung mái trường, chung thầy cô với các bạn bình thường.