Đầu những năm 1990, kiến thức thông thường cho rằng các tế bào não – chẳng hạn như tế bào thần kinh – không có khả năng tái tạo. Con người được sinh ra với một tập hợp cố định các tế bào thần kinh, và trong suốt cuộc đời, mỗi người sẽ dần cạn kiệt bộ nhớ đệm (và nhiều người có thể đẩy nhanh quá trình đó bằng những thói quen xấu như uống quá nhiều rượu và hút cần sa…)
Tuy nhiên, ngay từ khi còn chưa tập trung nghiên cứu sâu về não bộ, bác sĩ (BS) Sanjay Gupta đã không tin vào lý thuyết các tế bào não của con người ngừng phát triển và tái tạo. Ông cho rằng, sau tất cả, chúng ta vẫn tiếp tục có những suy nghĩ mới lạ, trải nghiệm sâu sắc, ký ức sống động và học những điều mới trong suốt cuộc đời. Đối với ông, dường như bộ não sẽ không chịu tàn lụi, trừ phi nó không còn được sử dụng nữa.
Khi kết thúc khóa đào tạo phẫu thuật thần kinh vào năm 2000, BS Sanjay đã tìm được rất nhiều bằng chứng cho thấy con người có thể nuôi dưỡng sự ra đời của các tế bào não mới (được gọi là hình thành thần kinh) và thậm chí tăng kích thước não. Đó là một sự thay đổi lạc quan đáng kinh ngạc trong cách chúng ta nhìn nhận hệ thống kiểm soát chính của cơ thể mình.
Thật vậy, trong cuộc sống, mỗi người có thể làm cho não của mình tốt hơn, nhanh hơn, khỏe hơn, và nhạy bén hơn mỗi ngày.
Trong cuốn sách “Trí óc minh mẫn”, BS Sanjay sẽ hướng dẫn độc giả cách phát triển một bộ não có thể chuyển đổi qua lại giữa tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn về thế giới, và quan trọng nhất là bộ não có khả năng phục hồi cao khi phải đối mặt với những trải nghiệm có thể làm kiệt sức nhiều người.
Trong vài thập niên qua, BS Sanjay cũng đã khám phá mối liên hệ sâu sắc giữa trái tim và bộ não. Điều gì tốt cho trái tim thì cũng tốt cho bộ não và ngược lại, thậm chí ông còn cho rằng tất cả đều bắt đầu từ bộ não của con người. Ông đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh, một khi bộ não hoạt động trơn tru, mọi thứ khác sẽ theo sau. Khi một người có thể đưa ra những quyết định tốt hơn, thì tinh thần của họ sẽ lạc quan hơn, khả năng phục hồi và thể chất cũng sẽ được cải thiện tốt hơn. Thực tế, rất nhiều bác sĩ cũng có chung quan điểm với ông: Để chăm sóc cơ thể một cách tốt nhất, trước tiên mỗi người phải chăm sóc tâm trí của mình. Và điều này không quá khó để thực hiện.
Và trong cuốn sách “Trí óc minh mẫn”, BS Sanjay sẽ chỉ cho độc giả một số chiến lược, giúp tạo ra một cấu trúc hỗ trợ cho não của mỗi người khỏe mạnh và ổn định hơn so với những gì hiện có, và sẽ giúp thực hiện một số “cải tạo” ban đầu, bao gồm cả việc củng cố “nền tảng” não bộ của mình. Các chiến lược khác sẽ có tác dụng cung cấp các nguyên liệu thô cần thiết để thực hiện việc bảo trì liên tục, cũng như xây dựng “dự trữ nhận thức”, còn được các nhà khoa học gọi là “khả năng phục hồi của não”. Với dự trữ nhận thức lớn hơn, mỗi người có thể giảm nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ.
Một bộ não có khả năng phục hồi có thể chống lại chấn thương liên tục, suy nghĩ khác biệt, ngăn chặn các bệnh liên quan đến não bao gồm trầm cảm và duy trì trí nhớ nhận thức để đạt hiệu suất cao nhất. Hơn nữa, sở hữu một bộ não dẻo dai là điều phân biệt những nhà tư tưởng chiến lược, có tầm nhìn xa với những người bình thường hơn. Nó không nhất thiết phải là chỉ số IQ hoặc thậm chí là trình độ học vấn. Đó là khả năng cải thiện bộ não từ những trải nghiệm đầy thử thách, thay vì thu nhỏ nó. Cuốn sách này sẽ thúc đẩy mỗi người xây dựng một bộ não tốt hơn.
“Trí óc minh mẫn” là cuốn sách nên đọc với bất kỳ ai mong muốn đạt được tiềm năng lớn nhất của mình, những người mong muốn tối đa hóa sức khỏe não bộ để có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất và làm việc hiệu quả nhất, cũng như bất cứ ai muốn tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc nhằm ngăn ngừa chứng suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ. (Các bệnh như Alzheimer bắt đầu từ 20 đến 30 năm trước khi có bất kỳ triệu chứng nào, vì vậy những người trẻ tuổi cũng cần chú ý đến những bài học này.)