Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Triển khai 7.923 cuộc thanh tra, đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực

Sáng 4/1/2017, tại Hà Nội, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017. Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, đại diện Thanh tra Bộ Công an, đại diện Tổng Liên đoàn LĐVN… cùng toàn thể cán bộ, công chức, người lao động của thanh tra Bộ.

Qua thanh tra đã ban hành 45.706 kiến nghị

Theo Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Tiến Tùng, năm 2016, Thanh tra Bộ đã chủ động triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch được phê duyệt và nhiệm vụ đột xuất được giao; hoàn thành 100% kế hoạch được phê duyệt. Ngoài ra thực hiện thêm 13 cuộc thanh, kiểm tra đột xuất được Lãnh đạo Bộ giao. Công tác thanh tra đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị


Cụ thể, kết thúc năm 2016, Thanh tra toàn ngành đã triển khai 7.923 cuộc thanh tra (tăng 15% so với năm 2015). Qua thanh tra đã ban hành 45.706 kiến nghị (tăng 27% so với năm 2015); phát hiện 9 cán bộ thực hiện sai chính sách; ban hành 1.263 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tăng 36% so với năm 2015) với tổng số tiền xử phạt gần 48,3 tỷ đồng (tăng 31,7 tỷ đồng so với năm 2015); kiến nghị cắt, thu hồi do sai phạm là 72 tỷ (tăng 42,7 tỷ đồng so với năm 2015); phát hiện 312 đối tượng hưởng sai chính sách; kiến nghị truy thu số tiền 7,7 tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng cũng cho biết, lĩnh vực thanh tra hành chính được đẩy mạnh, số cuộc thanh tra tăng 4 cuộc so với năm 2015. 

“Về thực hiện phương thức phát phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp, Thanh tra các Sở đã phát 18.186 phiếu tại 59/63 địa phương, thu về 5.644 phiếu, xử lý 4.627 phiếu (chiếm 82% số phiếu thu về). Phát hiện 19.381 sai phạm thông qua xử lý phiếu. Một số địa phương có tỷ lệ thu hồi phiếu khá cao như: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh”, ông Tùng thông tin.

Cùng với đó, năm 2016, Thanh tra toàn ngành đã tiếp 14.514 lượt công dân (tăng 11,9% so với năm 2015); xử lý 16.037 đơn, thư (giảm 12,6% so với năm 2015) và giải quyết 696 vụ khiếu nại, tố cáo. 

Toàn ngành đã thực hiện 241 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; ban hành 1.141 kiến nghị và 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 492 triệu đồng…

Đáng chú ý, lĩnh vực lao động: Thanh tra vùng tăng 4 cuộc so với năm 2015. Năm 2016, Thanh tra Bộ tăng cường thanh tra và xử lý đối với những doanh nghiệp vi phạm: tăng 19 quyết định xử phạt và số tiền xử phạt tăng 395 triệu đồng so với năm 2015 (năm 2015 có 03 quyết định xử phạt với số tiền là 50 triệu). 
Về lĩnh vực người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, qua thanh tra tại 11 doanh nghiệp, Chánh Thanh tra Bộ ban hành 76 kiến nghị yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện để khắc phục sai phạm; ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạt hành chính với tổng số tiền là 497,5 triệu đồng. 
Công tác thanh tra cũng đạt được trên nhiều lĩnh vực như Người có công, Lao động việc làm, Bảo hiểm Xã hội, Bình đẳng giới, An toàn vệ sinh lao động…

Đặc biệt, Thanh tra Bộ đã thực hiện tốt vai trò là đơn vị thường trực phòng chống tham nhũng của Bộ; tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch thực hiện công tác này và đã “nhận diện” được những đơn vị có tiềm ẩn nguy cơ tham những để đề phòng…

Với những kết quả đó, Thanh tra Bộ đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Thanh tra ngành LĐ-TB&XH xác định các trọng tâm: 

Tăng cường công tác thanh tra hành chính, phòng, chống tham nhũng liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành; Tiếp tục triển khai thanh tra Vùng; thực hiện Chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực sản xuất điện tử, chế biến thủy sản; Thanh tra một số nội dung mới như Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, sử dụng vốn ODA tại một số dự án;

Tiếp tục và đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức quốc tế Triển khai thực hiện các nội dung thanh tra đã được phê duyệt tại Quyết định số 1583/QĐ-LĐTBXH ngày 17/11/2016 của Bộ trưởng về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2017 của Bộ; Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành...

Trên 5 lĩnh vực của ngành, Thanh tra Bộ đều có những kết quả nổi bật

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao năm vừa qua Thanh tra ngành đã dám đương đầu với nhiều vấn đề phức tạp, phát hiện và đưa ra nhiều vụ việc xử lý được dư luận xã hội đồng tình cao, đem lại niềm tin của quần chúng nhân dân vào các chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước. 

“Trên 5 lĩnh vực của ngành, Thanh tra Bộ đều có những kết quả nổi bật”- Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Vì thế, Bộ trưởng đánh giá cao vai trò tham mưu của thanh tra Bộ khi khẳng định: “có rất nhiều những ý kiến sắc sảo, táo bạo của thanh tra vừa qua đã giúp cho Bộ trưởng giải quyết được nhiều trường hợp vướng mắc, giải quyết kịp thời một số trường hợp cụ thể cho người dân”, cũng như giúp Bộ trưởng trả lời thỏa đáng gần 400 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, cử tri… về các vấn đề của ngành. 

Thời gian tới, theo Bộ trưởng, Thanh tra Bộ cần tiếp tục xây dựng kế hoạch, tập trung vào các nhiệm vụ chính của ngành, chú trọng thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất và thanh tra chuyên ngành. Tập huấn các hoạt động liên quan đến thực hiện chính sách người có công nhất là việc chi trả chế độ cho người có công qua bưu điện tại 6 tỉnh thực hiện thí điểm; Nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia BHXH;

Phối hợp chặt chẽ với ngành Công an trong công tác phòng chống ma túy; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hạn chế tối đa số lần thanh tra tại doanh nghiệp, tranh trường hợp một doanh nghiệp bị thanh tra chồng chéo song cũng cần kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm…

 

Đặc biệt, năm 2017 ngành LĐ-TB&XH với chủ đề xuyên suốt là Đền ơn đáp nghĩa- Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, các đơn vị trực thuộc, nhất là Thanh tra Bộ cần nâng cao vai trò tham mưu, chủ động đưa ra các giải pháp để từ chủ đề của năm, “phải tạo ra sự chuyển biến thật sự trong toàn xã hội, để tri ân với người có công với cách mạng, với đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành phải tập trung giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng người có công. Năm 2016 đã có nền tảng thực hiện thí điểm áp dụng hướng xử lý hồ sơ đề nghị công nhận người có công, nhất là hồ sơ thương binh, liệt sỹ còn tồn đọng hàng chục năm qua theo “quy trình thí điểm giải quyết theo từng tình huống” ở 5 tỉnh (Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An). Bộ trưởng cho biết sẽ phê duyệt hồ sơ của 5 tỉnh này, cố gắng xong trong tuần sau, trao lại cho 5 tỉnh để họ công nhận hồ sơ thương binh, liệt sĩ- một nghĩa cử tri ân kịp thời để cho gia đình người có công được hưởng niềm vui đón Tết trọn vẹn.

Bộ trưởng cũng lưu ý cần phải rà soát đánh giá thực trạng những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của họ mà chưa được hưởng chính sách, kết quả cuối cùng phải xong trước ngày 30/3/2017.