Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Triển khai các biện pháp khẩn trương, quyết liệt nhất, ứng phó bão NORU

Thẹo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 27/9, vị trí tâm bão NORU ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương dự báo sẽ bị bão NORU đổ bộ vào đã lên các phương án chủ động ứng phó.

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được lơ là

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm, với dự báo cấp độ bão hiện nay, các tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định vẫn ở mức độ rủi ro thiên tai cấp 4.

Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan và các địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 (bão NORU).

Các địa phương chủ động ứng phó với bão số 4.

Các địa phương chủ động ứng phó với bão số 4.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức sáng 26/9, trước lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước cơn bão Noru và đặc biệt là không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã họp và có các chỉ đạo ứng phó bão số 4; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đang có mặt ở miền Trung để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó bão. Thủ tướng cho biết, ông vừa gọi điện cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung và được báo cáo là ở nhiều nơi vẫn "trời quang mây tạnh". Điều này có thể khiến nhiều người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Ông nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến của bão.  Trong đó, hết sức quan tâm một số nhiệm vụ: Khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…

Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước trong bối cảnh thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 Các địa phương chủ động các phương án ứng phó với bão

Để ứng phó bão số 4, đến sáng 26/9, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã ban hành lệnh cấm biển. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán dân với tổng số gần 214.000 hộ với hơn 868.000 người, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán hơn 93.000 hộ, với 368.000 người tùy theo diễn biến bão.

Thực hiện Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9h ngày 27/9, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam vừa có công văn thông báo cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên nghỉ học từ ngày 27/9 để phóng tránh bão số 4. Để phòng chống bão số 4, tỉnh Quảng Nam triển khai kế hoạch sơ tán dân ứng phó với bão mạnh và siêu bão, các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện sơ tán: Đối với bão mạnh sẽ sơ tán 182.280 người; đối với siêu bão sẽ sơ tán 401.901 người.

Nhằm chủ động đối phó với diễn biến của bão, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng đối phó với bão NORU. Kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ tìm nơi tránh trú an toàn. Cương quyết không để người dân ở lại những khu vực nguy hiểm. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tài sản, kho tàng, nhà xưởng trọng yếu.

Tỉnh Quảng Ngãi cho học sinh, sinh viên nghỉ học kể từ 7 giờ ngày 27/9/2022; yêu cầu các địa phương hoàn thành việc di dời, sơ tán dân trước 10 giờ ngày 27/9/2022; yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình trên biển, ven biển, cửa sông tạm dừng việc thi công trước 12 giờ ngày 26/9/2022, di dời ngay toàn bộ người và thiết bị, máy thi công ra khỏi công trường đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 26/9/2022;

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương và đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác ứng phó bão NORU tại khu vực ven biển thị xã Sông Cầu. Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương yêu cầu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp, chủ động ứng phó cơn bão NORU. Kiên quyết không để người ở lại trên các bè nuôi thủy sản, trên tàu thuyền, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người. Khẩn trương kiểm tra, rà soát và chủ động sẵn sàng triển khai công tác di dời sơ tán dân khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp, ven biển, vùng ảnh hưởng triều cường, sạt lở đất… đến nơi an toàn.