Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội giai đoạn 2022-2025

Ngày 21/12/2021, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức Hội thảo “Xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội (LĐXH) giai đoạn 2022 - 2025” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Nhiều kết quả tích cực sau 5 năm thực hiện Chiến lược 145

Báo cáo về một số kết quả chính 5 năm thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế về LĐXH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 145/QĐ-TTg ngày 20/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Chiến lược 145), ông Đặng Huy Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Chiến lược 145 đã xác định rõ mục tiêu tổng quát của hội nhập quốc tế về LĐXH là nhằm phát huy tiềm năng nội lực, lợi thế so sánh của Việt Nam, tranh thủ tối đa môi trường, nguồn lực quốc tế; phấn đấu phát triển lĩnh vực LĐXH đạt trình độ các nước ASEAN-6 vào năm 2020 và kịp các nước ASEAN-4 vào năm 2025.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Để cụ thể hóa việc thực hiện Chiến lược 145, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai theo Quyết định số 1825/QĐ-LĐTBXH ngày 30/12/2016 (Kế hoạch 1825), bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ ưu tiên: (1) Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực LĐXH; (2) Hội nhập quốc tế về lao động và việc làm; (3) Hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; (4) Hội nhập quốc tế về ASXH; (5) Hội nhập quốc tế ASEAN về LĐXH. Kế hoạch 1825 cũng cụ thể hóa lộ trình và phân công thực hiện 7 Đề án trong Chiến lược 145 nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, phi chính phủ trong quá trình hội nhập quốc tế; rà soát hệ thống  pháp luật LĐXH so với các cam kết, tiêu chuẩn của Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới, Tổ chức lao động quốc tế (ILO), khu vực ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do và đề xuất hướng hoàn thiện; thực hiện và nghiên cứu khả năng gia nhập các điều ước quốc tế của LHQ và của ILO trong lĩnh vực LĐXH giai đoạn 2016-2020 và đến năm 2030.

Ông Đặng Huy Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế báo cáo về một số kết quả chính 5 năm thực hiện Chiến lược 145

Ông Đặng Huy Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế báo cáo về một số kết quả chính 5 năm thực hiện Chiến lược 145

Giai đoạn 2016 - 2020 cũng đánh dấu việc mở rộng cơ hội hợp tác, hội nhập quốc tế về LĐXH, với số lượng gia tăng các đối tác quốc tế (từ hơn 40 đối tác giai đoạn 2007 - 2010 lên hơn 70 đối tác vào năm 2020), mở rộng về lĩnh vực hợp tác (bảo hiểm xã hội, thị trường lao động, lao động kỳ nghỉ, người có công…), cấp độ hợp tác (đặc biệt hợp tác cấp Cục/Vụ/cấp trường…). Hội nhập quốc tế đã góp phần tích cực vào những thành tựu của quốc gia về lao động và ASXH trong giai đoạn 5 năm vừa qua,  được thể hiện rõ trong việc Việt Nam đã chủ động tham gia vào các cơ chế, thiết chế quốc tế, hoàn thiện thể chế (cơ chế, chính sách, pháp luật lao động) trên cơ sở tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về LĐXH; thực hiện lồng ghép, nội luật hóa các cam kết quốc tế, các tiêu chuẩn ASEAN và quốc tế trong xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống quản lý và hệ thống dịch vụ chuyên ngành. Việt Nam đã tham gia hội nhập về lĩnh vực LĐXH với các tổ chức trong hệ thống LHQ, các định chế tài chính quốc tế và khu vực, các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, với ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực LĐXH cũng được đẩy mạnh qua các kênh hợp tác đa phương, song phương và với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; thu hút thêm được nguồn lực từ bên ngoài, góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề LĐXH của Việt Nam như: phát triển thị trường lao động, quan hệ lao động, phát triển nguồn nhân lực và việc làm; quản lý lao động di cư; phát triển hệ thống ASXH; giảm nghèo bền vững; trợ giúp xã hội nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương; bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; bình đẳng giới…

Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về lao động - xã hội trong giai đoạn mới

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về “Kế hoạch tổng thể triển khai chiến lược hội nhập quốc tế về LĐXH giai đoạn 2022-2025”. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, từ năm 2016 đến nay bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng với những diễn biến phức tạp, khó lường; các xu hướng toàn cầu như biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, dịch bệnh Covid-19, già hóa dân số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn là mối quan tâm chung của các nước trên thế giới. Mức độ hội nhập của Việt Nam cũng ngày càng sâu và rộng hơn về mọi mặt, vị thế của nước ta đã khác giai đoạn trước, không chỉ chủ động tham gia thực hiện các xu hướng chung của toàn cầu mà còn tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các quy tắc chung của thế giới. Bên cạnh đó, sau khi Chiến lược 145 được ban hành, đã có các chỉ đạo, định hướng về hội nhập quốc tế với nhiều vấn đề và yêu cầu mới đặt ra trong hội nhập có liên quan đến ngành LĐXH, đặc biệt là Nghị quyết 06/NQ-TW ngày 5/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và EVFTA; các chỉ tiêu, nhiệm vụ mới về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII... Do vậy, cần cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch thực hiện Chiến lược 145 giai đoạn 2022- 2025 cho phù hợp với yêu cầu và tình hình mới, tương thích với các quy định và luật chơi chung của các nước ASEAN và quốc tế.

Bà Phạm Thị Minh – Vụ Hợp tác quốc tế trình bày về tình hình xây dựng dự thảo Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế giai đoạn 2022-2025

Bà Phạm Thị Minh – Vụ Hợp tác quốc tế trình bày về tình hình xây dựng dự thảo Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế giai đoạn 2022-2025

Các đại biểu cũng thống nhất cần tăng cường nguồn lực tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu Hội nhập quốc tế về LĐXH. Đồng thời nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về LĐXH, đặc biệt chú trọng phát triển mạnh nguồn nhân lực làm công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế có trình độ ngoại ngữ, hiểu biết và các kĩ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu hội nhập của đất nước.