Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Triển lãm “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” trên nền tảng số

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã mang đến cho cộng đồng cái nhìn tổng quát về áo dài truyền thống qua công nghệ số, nền tảng online.

Triển lãm “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” trên nền tảng số - Ảnh 1.

Hình ảnh triển lãm online "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam" được cắt từ video

Theo đó, sáng 15/9/2021, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức triển lãm online "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam" trên Trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội của đơn vị này. Triển lãm được thực hiện trên nền tảng số, hệ thống mạng xã hội nhằm tạo sự lan tỏa, thu hút sự tham gia và sáng tạo cộng hưởng của công chúng, đáp ứng mục tiêu kép vừa giới thiệu hành trình xây dựng "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam" vừa đáp ứng các tiêu chí phòng chống dịch COVID-19.

Hoạt động triển lãm diễn ra từ nay đến cuối năm 2021, triển lãm dự kiến sẽ giới thiệu đến công chúng khoảng 15 clip gồm các hình ảnh về quá trình hình thành, bảo tồn và phát triển của áo dài Việt Nam qua nhiều góc nhìn khác nhau cũng như quá trình xây dựng "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam". Từ đó, tôn vinh, gìn giữ vẻ đẹp vốn có, những giá trị di sản văn hóa truyền thống mà cha ông đã xây dựng, gìn giữ và phát huy cho đến hôm nay.

Các video, clip được thực hiện theo các chủ đề, như: Huế - Chiếc nôi của áo dài Việt Nam (giới thiệu tổng quan về triển lãm "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam"); khởi nguyên áo dài Việt Nam (giới thiệu về sự ra đời của áo dài truyền thống từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát); áo dài trong dòng chảy văn hóa, lịch sử (diễn trình phát triển của áo dài Huế từ khi hình thành đến hiện đại; y phục hoàng cung (áo dài hoàng cung); áo dài nam; áo dài nữ; áo dài Huế; áo dài ngũ thân; từ truyền thống đến Quốc phục…

Theo lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá hình ảnh áo dài truyền thống trong dòng chảy văn hóa, lịch sử dân tộc, gắn với các hoạt động nghi lễ, sinh hoạt lễ hội truyền thống cũng như trong hoạt động thường ngày của người Việt, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đề án "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam".

Triển lãm “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” trên nền tảng số - Ảnh 2.

Công chức, viên chức Thừa Thiên Huế với áo dài truyền thống

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phê duyệt Đề cương Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài". Mục tiêu xuyên suốt của Đề án nhằm khẳng định giá trị, vị trí của Áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam. Đồng thời, tôn vinh nét đẹp văn hóa của Áo dài Huế, tôn vinh những người khai sáng và phát triển Áo dài Huế, Áo dài Việt Nam trong lịch sử hình thành và phát triển Việt Nam. Đề án cũng nhằm khai thác, phát huy vị thế Áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với Áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tập trung nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu Áo dài Huế. Xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip và tổ chức quảng bá, truyền thông hình về Áo dài Huế. Tổ chức Ngày hội Áo dài Huế định kỳ hàng năm, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế. Tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Huế - Kinh đô Áo dài". Xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực cho công tác quảng bá, truyền thông; tạo điều kiện thuận lợi để ngành may đo Áo dài Huế phát triển. Hình thành Trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang Áo dài.

Triển lãm “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” trên nền tảng số - Ảnh 3.

Triển lãm “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” trên nền tảng số - Ảnh 4.

Triển lãm “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” trên nền tảng số - Ảnh 5.

Áo dài trong dòng chảy văn hoá, lịch sử

Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế cũng sẽ xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Ngoài ra, sẽ phát động, khuyến khích và nhân rộng phong trào mặc Áo dài trong các không gian lễ hội, lễ nghi truyền thống, hình thành trang phục truyền thống các ngành nghề...; Khuyến khích đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động mặc áo dài truyền thống trong những ngày lễ hội văn hóa, ít nhất mặc áo dài truyền thống mỗi tháng 1 lần (tùy theo quy định của ngành/lĩnh vực công tác). Phấn đấu trên 90% cán bộ, nhân viên, người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, các điểm tham quan du lịch, danh lam thắng cảnh tại Thừa Thiên Huế mặc áo dài truyền thống.