Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, đây là hội nghị hết sức quan trọng hướng đến việc đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường sự công bằng trong xã hội Việt Nam.
Nhiều mô hình trung tâm CTXH vận hành rất hiệu quả
Trong 2 ngày 2- 3/12 tổ chức tại TP Quy Nhơn, (Bình Định), các đại biểu tham gia hội nghị đã chia ra làm 3 nhóm thảo luận các chuyên đề, gồm: 1. Phát triển mạng lưới cơ sở TGXH do ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội và đại diện UNICEF Việt Nam chủ trì; 2. Chăm sóc sức khỏe tâm thần do ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội và bà Nguyễn Thị Y Duyên (cán bộ UNICEF) chủ trì; 3. Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) do Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức và Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH Hà Đình Bốn chủ trì.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đánh giá công tác TGXH thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực
Từ các nhóm thảo luận chuyên đề này, các đại biểu đại diện cho các địa phương, các trung tâm TGXH đã trình bày các mô hình hoạt động hiệu quả, các bài tham luận, cũng như nêu rõ những khó khăn hiện nay mà địa phương đang phải đối mặt; chỉ ra được những thành công và hạn chế,khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 và các năm tiếp theo.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Y Duyên, trong thời gian vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều nghiên cứu và đề xuất về mặt giải pháp quan trọng nhằm tăng cường việc cung cấp các dịch vụ TGXH cho người dân Việt Nam, đặc biệt là nhóm yếu thế, trong đó có nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo, người khuyết tật (NKT) , người có các vấn đề về rối nhiễu tâm trí, người già và các nhóm đối tượng khác.
Cùng với đó, từ các bài tham luận của đại diện các bộ, ngành, các trung tâm BTXH, các đại phương… đều thống nhất cho rằng, việc tập trung hướng đến việc phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) và các mô hình, các hệ thống TGXH dựa vào cộng đồng sẽ là các giải pháp hết sức quan trọng. Tại hội nghị, các mô hình hoạt động hiệu quả như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Long An, Bến Tre, Khánh Hòa, Thái Nguyên… đặc biệt được quan tâm.
Sau khi lắng nghe đại diện các đại phương, các trung tâm… trình bày về các mô hình hoạt động hiệu quả, cũng như các khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi chia sẻ, cơ bản đạt được các mục tiêu của Đề án CTXH, trong đó các mục tiêu phát triển các dịch vụ CTXH. Hầu hết các mục tiêu cụ thể của Đề án 32, chúng ta đã đạt được,góp phần trợ giúp cho các nhóm đối tượng BTXH, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục học nghề, tìm việc làm ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi thẳng thắn, để phát triển nghề CTXH, còn rất nhiều việc phải làm. Khi không hoàn thiện khuôn khổ chính sách, chỉ dựa vào bao cấp thì không bao giờ có sự phát triển cả.
Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm CTXH Đà Nẵng chia sẻ mô hình dịch vụ CTXH tại Đà Nẵng
Hướng dẫn xác định Nhóm tự kỷ: phải xong trong 6 tháng đầu năm 2017
Cho nên, theo ông Hồi, nhất thiết phải “cởi trói” cho các trung tâm BTXH, đa dạng hóa nguồn thu, có thế mới cải tiến được chất lượng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu lớn của người dân.
“Phải tạo nên một thị trường cạnh tranh, có như vậy mới thúc đẩy phát triển tốt nghề CTXH”- ông Hồi nhấn mạnh- “Người dân sẵn sàng trả tiền mua dịch vụ mà họ thấy hài lòng. Theo đó, trung tâm nào làm tốt thì nhiều việc, không thì phải đóng cửa. Chúng ta phải tạo nên một thị trường dịch vụ như thế, mới đáp ứng được toàn diện nhu cầu người dân và tạo được việc làm tốt cho nghề CTXH”, ông Hồi trao đổi thẳng thắn với đại diện các ban, ngành, trung tâm, địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm (phải) và Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi (trái) lắng nghe ý kiến của các cơ sở, trung tâm BTXH, các địa phương... chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị
Ông Hồi cũng không quên đánh giá cao các địa phương có nhiều tiêu chí, chú trọng đẩy mạnh đổi mới cơ cấu. “Sẽ được ưu tiên, và đương nhiên nguồn lực sẽ được chảy về nơi hiệu quả nhất. Bộ và Cục Bảo trợ xã hội tất nhiên không bỏ sót những “điểm sáng” này”- ông Hồi khẳng định.
“Bộ LĐ-TB&XH luôn tạo điều kiện thúc đẩy cho các địa phương, các cơ sở đem lại lợi ích cho người dân. Còn các cơ sở, đại phương nào không chịu đổi mới, “làm” chỉ để tăng cường thu hút đầu tư thì nguồn lực rất khó chảy về”, Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, cần phải cải cách thủ tục đơn giản đến từng người dân, để trong từng thôn cùng ngõ xóm không còn tiếng thở dài. Giải thích về hình ảnh “ví von” này, ông Bốn đơn cử, vì trên thực tế, còn nhiều địa phương ngay như việc mua bảo hiểm y tế thôi, cũng còn rất nhiều vướng mắc…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, thời gian tới, để lĩnh vực TGXH tiếp tục là điểm sáng quan trọng trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, năm 2017 một số nhiệm vụ quan trọng mà Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương cần tập trung thực hiện, gồm:
Về phía Trung ương: Cục Bảo trợ xã hội cần tập trung xây dựng chính sách, phát luật: Thảo luận với các cơ quan liên quan, địa phương để có được hướng dẫn xác định Nhóm tự kỷ. “Việc này phải xong trong 6 tháng đầu năm 2017, để tháo gỡ cho các địa phương”, Thứ trưởng yêu cầu.
Xác định và cấp giấy chứng nhận cho NKT. “Ví dụ chúng ta phải biết được ở trong mỗi trường học có bao nhiêu NKT, để nhà trường có định biên và xây dựng kế hoạch hỗ trợ trẻ khuyết tật. Hiện nay là chưa có. Chúng ta phải xem cách làm như thế nào – làm đại trà hay theo nhu cầu, cho những người đăng ký…, đặc biệt cho nhóm người khuyết tật nhẹ. Nếu không có giấy chứng nhận khuyết tật, thì họ không được hưởng nhiều chính sách hiện hành”, Thứ trưởng cho biết.
Cùng với đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Bảo trợ Xã hội, trong năm 2017 phải chuẩn bị thông tư cho Nghị định 68 sửa đổi; thông tư hướng dẫn Nghị định 16; thông tư hướng dẫn chức năng cho các trung tâm tâm thần- kết nối với cộng đồng…; Sửa Thông tư số 01 quản lý ca, đặc biệt cho nhóm trẻ em, người cao tuổi, người bị bạo hành, người nhiễm HIV, nghiện ma túy…; Cùng với Bộ GD&ĐT và Tổng cục Dạy nghề để xây dựng quy hoạch đào tạo cán bộ, nhân viên CTXH; Phối hợp với bên y tế và giáo dục để phát triển CTXH trong bệnh viện và trường học.
Về phía địa phương, Thứ trưởng đề nghị 5 vấn đề: sau khi Bộ LĐ-TB&XH ban hành các hướng dẫn ở trên, thì địa phương thực hiện cấp giấy chứng nhận cho NKT. Trong nhóm NKT phải có nhóm người tự kỷ;
“Hiện còn 23 tỉnh chưa thành lập được trung tâm CTXH, trong năm tới phải rút bớt con số tỉnh chưa có trung tâm CTXH xuống. Nếu thành lập mới thì sẽ tăng thêm biên chế, như vậy sẽ khó. Có thể giao thêm chức năng nhiệm vụ cho các trung tâm bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ em đảm nhiệm thêm CTXH”, Thứ trưởng lưu ý.
Hiện còn 19 tỉnh (trong đó có 8 tỉnh chưa bàn gì đến việc chuyển cơ chế chi trả qua bưu điện) phải triển khai nhiệ vụ này sớm, để 2017 phải chuyển 100%; Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra cơ sở xã, phường trong các lĩnh vực công tác của Ngành để nắm bắt và xử lý kịp thời, hiệu quả; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Sở trong việc thành lập các hội.
Và cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm ghi nhận: “Công tác TGXH đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã làm được một số việc có điểm sáng. Nhiều việc đã hướng tới, chuyển hướng mạnh về cộng đồng, đa dạng các dịch vụ, tạo khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, kết nối phối hợp tốt… đó là những vấn đề thống nhất cao ở hội nghị này”.