Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trở lại với “Mùa ấu thơ”

Sau tạp bút “Phố xinh, làng xinh” viết chung với Nguyễn Thanh Bình, tác giả Thái Hương Liên vừa ra mắt tập tạp bút “Mùa ấu thơ” (do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2015) với vẻ đẹp nguyên sơ của vùng quê xứ Đoài mây trắng qua cảm nhận của một tâm hồn nhạy cảm, của một người phụ nữ chất phác, thuần hậu và hoài cổ.

 

Cuốn sách mở đầu bằng không khí rộn ràng của hội Xuân, trong màn mưa mờ ảo giăng mắc với những lễ rước, cờ phướn, trống giục, với những liền anh liền chị áo mớ ba mớ bảy trong những đêm hát giao duyên, những màn rối nước bên chiếc ao có nhà thủy đình với các tích chèo cổ… những hoạt động không thể thiếu của người dân quê sau một năm dài làm ăn vất vả, mở đầu một năm mới “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Cứ lần lần như thế, qua gần 30 tạp bút, tác giả dẫn dắt ta thăm hết góc này đến góc khác của miền quê thanh bình tươi đẹp ấy, qua cả bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Ở đó có mái chùa cổ kính trầm mặc, đình làng uy nghi, cầu ao mùa Tết rộn ràng, có lũy tre xanh như cổ tích, có cánh đồng mùa ngập nước với bao âu lo trên gương mặt người lớn, bao thú vui thơ ngây của con trẻ. Ở đó có hình ảnh người bà tảo tần quang gánh, áo nâu váy gụ, đầu vấn khăn mỏ quạ, răng đen ánh như hạt na. Ở đó có những đứa trẻ chăn trâu cắt cỏ, đánh găng đánh đáo, những đám rước đèn mùa Trung thu rộn ràng khắp mọi xóm ngõ với que kem hạt thị, xâu nến hạt bưởi…

 

Thái Hương Liên thâu nhận và gợi nhớ lại những hình ảnh về cảnh vật, cuộc sống ở miền quê êm đềm ấy qua tất cả các giác quan: hình ảnh, âm thanh, sắc màu, mùi vị… Đọc tạp văn của Thái Hương Liên, ta cũng được tận hưởng cái mùi vị ngọt ngào của hoa bưởi trắng tinh khôi, mùi ngai ngái của hoa xoan tím, mùi hương tinh khiết của sen hồng, mùi “nồng nàn ngai ngái của những cọng rơm vàng trên con đường đồng đầy nắng và gió”, mùi khói lam cay nồng, mùi trầu thuốc cay nồng ấm sực, “mùi mật mía nồng nàn hòa quyện lẫn vị gừng tươi nóng bỏng”. Và đặc biệt là  “mùi chợ” – một thứ mùi hòa quyện của bếp lửa rực đỏ, của những món quà nóng hổi, của những thứ hàng khô hàng xén, nhưng cau trầu vỏ, vải vóc áo quần mới tinh, mùi của sự đủ đầy ấm áp… Tất cả những mùi ấy cứ quyện lại, gợi nhớ khôn nguôi.

Thái Hương Liên có biệt tài sử dụng hình ảnh, chỉ qua vài nét chấm phá mà bức tranh phong cảnh làng quê cứ hiện lên đầy sắc màu, sống động và đầy xúc cảm. Này là cảnh ao làng phẳng lặng với “những cánh cò trắng, những con cuốc mình đen chân hồng thấp thoáng giữa đám bèo tây hoa tím”, “mặt ao làng phẳng lặng in dấu mây trời lồng lộng và hàng tre đang soi gương chải tóc. Ghi lại những làn khói lam chiều vấn vương bên lũy tre có cánh cò đậu trắng trong những buổi chiều như chiều hôm nay, và cả tiếng cuốc gọi bạn khắc khoải trong bóng chiều chạng vạng”. Lúc thì là cánh đồng bát ngát với “cánh cò chở nắng chao trên đồng lúa, tiếng ếch nhái kêu ran khi chiều hôm dần xuống bên đầm nước”, “dưới ánh nắng của thu vàng rực rỡ, cánh đồng trông tươi tắn hẳn lên… sắc lúa đã nhuộm một màu óng ả đến tận chân trời”, “cái nắng ấm của mùa xuân làm bừng sáng không gian, thấp thoáng đã thấy những cánh én chao nghiêng trên đồng lúa bắt đầu dậy hương”…

Đọc tạp bút của Thái Hương Liên, có cảm tưởng rằng, mọi hình ảnh qua lăng kính trong suốt của cô đều vô cùng đẹp đẽ. Tác giả chia sẻ “trong tôi, có một miền quê nghèo nhưng thơm thảo, nồng nàn mùi hương táo chín. Ở đấy còn mãi bàn tay ấm áp đã nhăn nheo và có nhiều đốm đồi mồi vì tuổi tác, dắt tôi đi qua bờ rào xấu hổ đầy những tay gai của một loài cây hay e thẹn, vào khu vườn cổ tích…”

Tuổi ấu thơ – miền kí ức không dễ phôi pha trong tâm trí mỗi người, cụm từ mà mỗi khi nhắc đến ta không khỏi bồi hồi, luyến nhớ, là hành trang không thể thiếu mà ta mang theo suốt cuộc đời, là điểm tựa tinh thần cho những thăng trầm của đời người. Theo nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, tạp bút “Mùa ấu thơ” là cây cầu nối để những người đã có những kỉ niệm gắn bó với một miền quê trở lại tuổi thơ, để những bạn đọc thiếu niên ở thành thị, có khi chưa một lần về quê cứ “thư thả mà nương theo những tạp văn của chị, mà thấy thương yêu, quyến luyến khung cảnh làng quê yêu dấu, đong đầy kỉ niệm của một thời thơ dại, với một mùa thơ ấu”.