Anh Phan Đức Thuận bên chiếc máy vi tính.
Tai họa giáng xuống tuổi thơ
Người tôi nhắc đến là anh Phan Đức Thuận, 38 tuổi, ở xóm 8, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Thuận sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 anh chị em, bố là Phan Đình Hữa (62 tuổi) bộ đội nghỉ hưu, mẹ Dương Thị Châu (63 tuổi) làm ruộng tại địa phương. Từ lúc sinh ra, Thuận được gia đình nhận xét là đứa con thông minh, sáng dạ như bao đứa trẻ khác. Đáng ra, Thuận bắt đầu đi học từ năm 6 tuổi, nhưng do gia đình nghèo khó nên Thuận đã phải lùi việc học đến 2 năm.
Năm 8 tuổi, Thuận chính thức bước chân vào lớp 1. Niềm vui đến với Thuận chưa được lâu thì năm 1988, khi đang học lớp 2, trong một giờ học, đột nhiên Thuận thấy đầu óc choáng váng, chân tay rụng rời, đau ê ẩm nên được đưa về nhà nghỉ ngơi. Gia đình Thuận nghĩ đó chỉ là một cơn ốm bình thường. Nhưng không phải vậy, sau một thời gian, thấy bệnh tình của con không thuyên giảm, gia đình đã đưa Thuận vào bệnh viện. Tại đây, bác sĩ cho biết một hung tin: Thuận bị viêm tủy sống - căn bệnh này sẽ làm tê liệt hoàn toàn hệ thần kinh của anh từ thắt lưng trở xuống.
Từ ngày không thể đến trường, Thuận cũng chỉ biết nằm một chỗ, hoặc là ngồi trên xe lăn, lăn qua lăn lại trong căn nhà chật hẹp. Thuận nhớ lại: “Hồi ấy, thấy bạn bè được bố mẹ dìu dắt đi học, tôi ghen tỵ lắm. Mỗi khi nghe thấy tiếng trống trường vang lên, tôi lại lấy chăn trùm kín đầu, rồi khóc một mình”.
Nhìn thấy Thuận như vậy, bố mẹ anh đớn đau vô cùng. “Lúc ấy, tôi đã bàn bạc với chồng, dù khó khăn như thế nào cũng phải chữa được bệnh cho con” - mẹ anh khóc khi nhớ lại những ngày Thuận mới bị bệnh. Sau 5 năm rong ruổi hết các bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, kết quả đều là “Thuận không thể trở thành người bình thường được”. Thuận đã nói với bố mẹ: “Chúng ta về thôi, từ nay bố mẹ không phải vất vả tìm bệnh viện cho con nữa đâu, bệnh con, con hiểu rất rõ”.
Con đường trở thành ông chủ
Khi từ bệnh viện trở về nhà, Thuận như một người hoàn toàn khác, không còn buồn bã, lo âu như những ngày trước đó; ngược lại, anh vui vẻ nhờ bố mẹ mua rất nhiều sách, vở về để học. Do đang học dang dở ở lớp 2, nên việc đọc, viết đối với Thuận lúc ấy còn rất khó khăn. Thuận kể, để biết đọc, biết viết, anh đã cố gắng rất nhiều, phải thức khuya, dậy sớm để học. Nhiều khi, để viết được một câu, anh đã phải mất hàng trăm tờ giấy nháp. Bằng ý chí và sự nỗ lực không ngừng, năm 17 tuổi, Thuận đã đọc và viết thành thạo.
Không chỉ dừng ở việc học ngôn ngữ mẹ đẻ, anh còn mạnh dạn mua thêm sách ngoại ngữ, nghiên cứu qua mạng mạng Internet để học thêm một số ngôn ngữ nước ngoài.
Thấy con mình không qua trường lớp mà trình độ ngoại ngữ, tin học rất khá, bố Thuận đã ngỏ lời hỏi Thuận về ước mơ của mình, và Thuận trả lời: “Con đang có ý tưởng kinh doanh và muốn trở thành một người thợ sửa máy tính giỏi”.
Và rồi, bố mẹ anh đã góp hết vốn liếng, liều lĩnh vay ngân hàng, đầu tư mở một quán cafe lớn theo ý định của con trai. Sau khi đạt doanh thu ổn định, Thuận tiếp tục xin bố mẹ mở thêm 4 phòng karaoke, một sân khấu ca nhạc hoành tráng để phục vụ cưới hỏi. Chưa dừng lại ở đó, anh còn mua 20 chiếc máy tính cho con em địa phương truy cập Internet, 1 máy photocopy, máy in cỡ lớn, máy ép dẻo... Nhận thấy bà trong vùng đã dùng máy tính và có nhu cầu sửa chữa, nên Thuận đã “lấn sân” sang sửa chữa, cài đặt, mua bán máy tính.
Do thiếu người làm nên hiện anh đã cho dừng quán Karaoke và Internet. Hơn nữa, anh cho biết, mình muốn chú tâm vào việc giảng dạy cho những học sinh đam mê công nghệ thông tin.
Hiện tại, anh đang sở hữu một quán cafe lớn, 1 sân khấu ca nhạc phục vụ cưới hỏi, photocopy, in ấn... Anh thuê một số người trong địa phương làm việc, quản lý quán, tạo công ăn việc làm ổn định cho con em trong địa phương.
Những điều đọng lại và gợi mở
Nhìn anh Thuận thoăn thoắt lắp ráp máy tính, cài đặt, sửa chữa, hướng dẫn cho khách hàng cách học ngoại ngữ, tin học, cách photo, in ấn…, không ai nghĩ đó là một chàng trai khuyết tật mới học xong lớp 2.
Tiếp xúc với anh Thuận, tôi nhận thấy anh là một con người nhiệt huyết, mạnh mẽ, đam mê công nghệ và có một nghị lực phi thường. Điều quan trọng là ở anh có một ý chí không đầu hàng, không khuất phục trước những khó khăn, sóng gió trong cuộc sống. Những gì anh làm được chưa phải là quá lớn. Song, với một người khuyết tật, ở một làng quê nghèo mà hàng tháng, sau khi đã trừ đi mọi chi phí, anh Thuận thu về hơn 10 triệu đồng, là một thành quả đáng trân trọng.
Chia tay anh Phan Đức Thuận, tôi vẫn nhớ mãi một câu nói của anh: “Thành công là nhờ sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng...”. Có lẽ, đây chính là “chìa khóa” mở cửa vào đời không chỉ cho những người khuyết tật, mà còn cho tất cả chúng ta.
Tuấn Anh/Tạp chí Gia đình và Trẻ em