Tây Phú vốn là một xã nghèo của huyện Tây Sơn, (Bình Định), cơ cấu cây trồng rất bấp bênh do điều kiện thời tiết khí hậu quanh năm khắc nghiệt. Hàng năm mùa khô ở đây luôn phải gánh chịu hạn hạn nặng nề, đến mùa mưa thì lại ngập sình bùn, trồng cây lúa cũng không được, cây sắn cũng chẳng xong.
Cánh đồng sả xã Tây Phú
Cách đây mấy năm một số nông dân ở Tây Phú đã mạnh dạn đưa cây sả về đây trồng, và cây sả đã cho hiệu quả bất ngờ, Từ nhỏ lẻ, chỉ vài hộ trồng lẻ tẻ, đến nay diện tích trồng cây sả của xã đã lên đến 100ha, với gần 300 hộ dân tham gia trồng loại cây này.
Cây sả là một loại cây tương đối dễ trồng, thích hợp với nền đất pha cát, ít sâu bệnh và đặc biệt không mất nhiều phân bón, cũng như chưa có rủi do về giá cả.
Cây sả là loại cây rất dễ trồng, phù hợp với những vùng đất khó ít màu
Ông Huỳnh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xãTây Phú cho biết: "Trước đây vùng đất này, bà con trồng cây lấy củ, tuy nhiên vì điều kiện khí hậu, nên vào mùa mưa nước úng ngập sình, hư củ. nên bà con tìm đến cây sả thấy điều kiện nó cũng dễ trồng và chăm sóc cũng dễ, hơn nữa hiện tại giá cả cũng khá ổn định, hiệu quả kinh tế"
Sả ở trên đất này phát triến nhanh, thân củ to, năng xuất
Tại vườn sả, ông Trương Dương, ở thôn Phú Thọ, cho biết, trước đây mảnh đất này gia đình ông trồng bất cứ loại cây gì cũng chẳng đủ ăn, phần vì bệnh dịch, phần vì nắng hạn, ngập úng, Năm 2007, ông đầu tư 3 triệu đồng để trồng và chăm sóc 3 sào sả, từ đó đến nay trên mảnh đất nghèo đó, đã cho ông thu nhập 60 triệu đồng một năm.
Hiện tại giá cả ổn định nên nông dân ở Tây Phú đua nhau trồng sả, diện tích cây sả tăng chóng mặt. Mặc dù sả bán được, thế nhưng khi được hỏi về đầu ra của cây sả thì tất cả những người dân ở đây đều mập mờ, không biết thương lái mang sả đi đâu và làm gì.
Đời sống kinh tế người Tây Phú đã thay đổi được ít nhiều nhờ cây sả
Ông: Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tây Phú cho hay; "Hiện tại giá cả, đầu ra cho cây sả tại địa phương vẫn còn là tự do mua bán, nếu diện tích trồng sả tăng như thế này tôi thực sự lo ngại cho tương lai của cây sả trên đất này".
Như vậy để trở thành một vùng chuyên canh cây sả của khu vực, cây sả của Tây Phú vẫn còn nhiều khó khăn, nếu bà con cứ làm theo phong trào mà đầu ra cho cây sả còn mập mờ thì chẳng khác nào đang chơi trò may rủi.