Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trúc Thông Thơ - Một hành trình cá tính

Trúc Thông là một nhà thơ độc đáo trong thế hệ thơ ca chống Mỹ cứu nước với những sáng tạo đầy cá tính, đam mê và kỹ lưỡng trong ngôn từ. Ông cũng là một nhà thơ có đóng góp rất quan trọng vào hành trình đổi mới Thơ Việt những thập niên gần đây, được đồng nghiệp mệnh danh là “con sói thơ”. Ngày 18/3/2015, Hội Nhà văn Hà Nội, gia đình, bạn bè, NXB Hội Nhà văn đã tổ chức cuộc ra mắt, giới thiệu tuyển thơ TRÚC THÔNG THƠ - gồm hơn 200 bài thơ tinh tuyển từ các tập thơ đã xuất bản của Trúc Thông. Xin giới thiệu bài thơ “Người ấy chiều giáp Tết” trong tuyển TRÚC THÔNG THƠ với lời bình của nhà thơ Vân Long...

Trúc Thông

Người ấy chiều giáp Tết

Nguyễn Sáng đang buồn

biết ru ông một điệu gì đây nhỉ

ru bằng những vai vuông

chân vuông

những người lính nông dân

ông yêu đến khóc ròng

chiến hàoĐiện Biên Phủ

ru bằng cánh tay bồng thiếu nữ

chống cầm

ru bằng ánh sáng lạ hơn nước

và sắc màu giầu hơn một đời

Sáng đang đi

má phơi gió bấc

mũ cũ vải mềm

như một nhân vật trong tranh Van-gốc

mọi tốc độ đang phóng về chói lọi giao thừa

ông như thể bên lề hạnh phúc

chén rượu nồng trong ngực

nâng màu lên

mà vẽ trần gian... Trúc Thông Thơ - Một hành trình cá tính

Lời bình của Vân Long, “Người ấy chiều giáp Tết” của Trúc Thông là sự cảm thông sâu sắc của một nghệ sĩ với một nghệ sĩ. Nguyễn Sáng đang buồn, nhân thế có biết bao dạng buồn, nhưng cái buồn của người sáng tạo nó khác lắm: Bao giờ cái mình mong muốn thể hiện  cũng chập chờn trước mắt, ngỡ không thể nào nắm bắt được.

May chăng có thể xoa dịu nỗi buồn ấy bằng những thành tựu đã qua của anh ta? Bởi cũng có lúc anh từng nắm bắt được “ảo ảnh”!

ru bằng những vai vuông

chân vuông

những người lính nông dân

ông yêu đến khóc ròng

Tác phẩm khiến người xem tranh nhận ra họa sĩ phải yêu đến khóc ròng mới vẽ được, thì hiệu quả bức tranh không phải tầm thường. Quả vậy, ai đã từng ngắm bức tranh những người lính nông dân trong chiến hào Điện Biên Phủ mới thấy sự chân chất của người lính hài hoà với tình cảm họa sĩ, bút pháp thể hiện của họa sĩ hiện thành những khối vuông vức gây ấn tượng đến thế nào!

Người họa sĩ trong một phóng bút, dựng được cái thần của nhân vật thì người thi sĩ đâu chịu kém: Tôi chờ những nhà bình luận mỹ thuật xem ai có thể đánh giá cuộc đời nghệ thuật của Nguyễn Sáng ngắn gọn, xúc tích hơn hai câu này của Trúc Thông:

ánh sáng lạ hơn nước

sắc màu giầu hơn một đời

Và tài phác thảo một Nguyễn Sáng phong trần của Trúc Thông:

Sáng đang đi

má phơi gió bấc

mũ cũ vải mềm

Trúc Thông không quên thời điểm tên bài thơ quy định:

mọi tốc độ đang phóng về chói lọi giao thừa

ông như thể bên lề hạnh phúc

Đâu phải là thời điểm giao thừa của tuần hoàn trái đất! Đây còn là giao thừa của sự sáng tạo. Họa sĩ buồn, trống vắng, hẫng hụt...trong phút giây thai nghén... rồi bỗng mọi yếu tố hội tụ lại nhanh chóng, một lằn chớp loé lên, đẩy họa sĩ đến bên lề cuộc sáng tạo, bên lề một hạnh phúc vô song...

Thiêng liêng thay một chữ nâng! Đây là cuộc hành lễ trước đất trời, trước thượng đế từng sáng tạo ra muôn loài. Lúc này không còn cái gì cụ thể “vai vuông, chân vuông” nữa , mà hoạ sĩ trang trọng:

nâng màu lên

mà vẽ trần gian     

Nếu ta biết được, ngoài nỗi cô đơn nghiệp chướng của nghệ sĩ, Nguyễn Sáng còn cô đơn thêm một lần bởi cuộc sống riêng bất hạnh cuối đời, ta càng kính trọng giây phút toàn tâm vì nghệ thuật của ông.

Bằng sự giản lược nghệ thuật, Trúc Thông tôn trọng người đọc, nâng chúng ta lên hàng những người hiểu tranh Nguyễn Sáng, hiểu nỗi buồn sáng tạo của ông trong thời điểm “Người ấy chiều giáp Tết”! Hiệu quả của sự giản lược còn là sức khơi gợi những gì tiềm ẩn trong ta!