Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trực tiếp Quốc hội thảo luận về KT-XH: 5 nhóm vấn đề đặt lên bàn nghị sự

(Dân sinh) - Ba ngày thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.bắt đầu từ 8h hôm nay 3/11.

Trực tiếp Quốc hội thảo luận về KT-XH: 5 nhóm vấn đề đặt lên bàn nghị sự - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội)

Trong phiên họp sáng nay, Quốc hội thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch năm 2021, bao gồm các vấn đề về:

Thứ nhất, về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực; báo cáo kết quả 3 năm thực hiện nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Nhóm vấn đề thứ hai về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: Phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.

Thứ ba, kết quả thực hiện nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Thứ tư, dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2021-2025.

Thứ năm, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án hồ chứa nước sông Than (tỉnh Ninh Thuận), dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An).

Trực tiếp Quốc hội thảo luận về KT-XH: 5 nhóm vấn đề đặt lên bàn nghị sự - Ảnh 2.

Phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 3/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV

Trong phiên thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) dành thời gian phát biểu về việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sức phát triển cho nền kinh tế.

Để khai thác tiềm năng của mô hình này, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề xuất rà soát văn bản dưới luật, xây dựng các quy định hướng dẫn, vận hành doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ.

Đồng thời, các cơ quan, trường đại học cần quy hoạch, dự báo các xu hướng công nghệ, giải quyết bài toán lõi trong việc xây dựng các doanh nghiệp Spin-off.

Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình này cũng cần gắn với xây dựng chính sách thu hút các nhà khoa học; đại biểu đề nghị có chính sách pháp luật để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu này, trước hết là sửa luật khoa học công nghệ.

Đại biểu Trần Văn Cường (Đồng Tháp) phản ánh, qua tiếp xúc cử tri, ông được biết việc kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra phức tạp. Nhiều phân bón giả, cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng vẫn được đưa ra dùng, việc lạm dụng phân bón diễn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề cập, bảo vệ và phát triển rừng đặc biệt quan trọng với việc phòng chống thiên tai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động lớn với Việt Nam. Chính sách giao rừng cho gia đình, theo đó, là biện pháp quan trọng để giữ rừng gắn với việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu, chủ trương này đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện, triển khai. Mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng và mức chi hoàn trả môi trường rừng đã lạc hậu, không còn phù hợp, đại biểu đề nghị thay đổi để khuyến khích thực hiện chính sách này.

Đại biểu cũng muốn Quốc hội sớm phê chuẩn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số cho 5 năm tới để việc thực hiện cho liên tục, đạt hiệu quả mong muốn.

Trước đó, báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội tại phiên khai mạc ngày 20/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép" là phòng chống dịch bệnh hiệu quả và nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu năm 2021, trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.