Xung quanh phát biểu của đại tá Lê Thanh Vân, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Vùng 3 hải quân về việc Trung Quốc đang cố tạo vùng đánh cá mới trên biển Đông, chiều ngày 17/12, chia sẻ với báo Đất Việt, TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao cho biết: "Phát biểu của đại tá Vân không có gì ngạc nhiên đối với những chuyên gia như chúng tôi, bởi Trung Quốc có ý đồ rất rõ ràng, trong chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông bao giờ cũng có 3 bước. Bước 1 là kiểm soát trên mặt nước, bước 2 kiểm soát trên không, bước 3 là kiểm soát dưới đáy biển.
Muốn kiểm soát trên mặt nước thì đầu tiên phải có khu vực, phải có sự hiện diện nhưng hiện diện về quân sự trong bối cảnh như hiện nay thì rất khó chấp nhận cho nên Trung Quốc phải sử dụng một hình thức khác là kéo cả tàu cá đi kèm.
Thực chất chiến lược của họ (Trung Quốc - pv) là tạo 1 khu vực đánh cá mới, một mặt khác của chiến lược này là hướng tới kiểm soát biển trên mặt nước ở biển Đông. Cách làm của Trung Quốc rất khó chấp nhận, quy mô tàn phá rất lớn, mức độ gây ra thiệt hại cho môi trường, ngư trường rất cao".
9.000 tàu cá Trung Quốc rầm rộ tiến vào Biển Đông tháng 8/2015. Ảnh: Tân Hoa xã
Cũng theo ông Thái: "Trung Quốc cấm đánh bắt cá là lợi dụng một thông lệ chung để áp đặt ý đồ chính trị của họ và từng bước buộc những nước khác trong khu vực phải chấp nhận. trong khi đó ngay sau khi có lệnh cấm đánh bắt cá thì Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn 1 số lượng phương tiện áp đảo để tràn xuống biển Đông.
Đây có thể nói rằng, Trung Quốc đang lợi dụng khoa học và lợi dụng pháp lý để áp đặt 1 thế về mặt chính trị và dựa vào số đông để áp đặt các nước trong khu vực vốn nhỏ và vốn hòa bình".
Nói thêm về việc tàu cá Trung Quốc ngày càng lấn sâu vào vùng biển của Việt Nam, chỉ cách Lý Sơn (Quảng Ngãi) tầm 45 hải lý, ông Thái cho rằng: "Thực tế, không chỉ Việt Nam hay Lý Sơn mà ngay cả Philippines ở các đảo, bãi như bãi Cỏ Mây hay Cỏ Rong, nhiều nơi Trung Quốc cũng lấn rất sâu. Ở đây, Trung Quốc lập luận dùng đường lưỡi bò thì không chấp nhận được. Đường lưỡi bò có 3 điểm đó là không có tọa độ rõ ràng, thứ 2 là không có tính cơ sở pháp lý nào vững chắc, thứ 3 là Trung Quốc không có 1 giải thích nào cho các nước xung quanh, họ cố tình lập lờ cho nên các nước khác trong đó có Việt Nam phải chịu thiệt thòi cho những ý đồ đó".
Hiện nay thế giới văn minh rồi, chúng ta phải căn cứ vào Công ước luật biển năm 1982, quy định quyền của các quốc gia ven biển trong đó Trung Quốc cũng là thành viên, nhưng họ không tuân thủ.
Nhằm tạo một sự bình thường mới
Theo vị Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược: "Trong bối cảnh thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa các phương tiện dân sự xuống để che đậy cho các ý đồ về lâu dài của họ ở biển Đông, nhằm tạo ra sự việc đã rồi, tạo ra 1 sự bình thường mới trên biển Đông. Trung Quốc buộc chặt cho những nước trong khu vực phải chấp nhận 1 thế trận mà họ hoàn toàn lấn lướt, sử dụng sức mạnh để lấn lướt các nước khác.
Từ việc đánh bắt cá, xây dựng các ngọn hải đăng, xây dựng các khu dự trữ xăng dầu, họ từng bước dùng các biện pháp dân sự kết hợp với quân sự để lấn tới".
Nhấn mạnh thêm về sự ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông, ông Thái nói: Chúng ta sẽ phải lên tiếng, hiện nay chúng ta có nhiều biện pháp đấu tranh. Một là bằng chính trị đối ngoại, trong vấn đề này sẽ phải giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc để phản đối, thông qua các cơ chế đa phương ở khu vực.
Thứ 2, về mặt báo chí các cơ quan truyền thông phải có trách nhiệm lên tiếng về việc này không chỉ bằng tiếng việt mà phải bằng ngoại ngữ khác như tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Trung.
Thứ 3, phải căn cứ vào luật pháp quốc tế, đề cao luật pháp và chuẩn mực quốc tế.
Thứ 4, phải có người giám sát, bà con, chính quyền, kiểm ngư vẫn phải bám biển. Ngư trường truyền thống của chúng ta vẫn phải bám, không để họ lấn.
Cuối cùng, chúng ta phải chuẩn bị về mặt quốc phòng, không gây chiến với ai nhưng phải có lực lượng đủ mạnh để có sức răn đe và có khả năng bảo vệ Tổ quốc.