Thông tin trên báo VNEXpress, theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước tăng gần 20% về lượng (với 1,67 triệu tấn) và tăng 27,8% về giá trị (đạt 774 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 463,5 USD một tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Gạo trắng (43,1%) và gạo jasmine, gạo thơm (33,8%) được ưa thích nhất.
Tính riêng trong hai tháng đầu năm, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 35,9% thị phần. Ngoài ra, Trung Quốc, Đài Loan và Mozambique là những thị trường tăng nhập khẩu gạo Việt Nam nhất.
Điều đáng nói, theo báo Dân trí, 2 tháng qua, các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc đột xuất tăng mua gạo Việt Nam với hơn 66.200 tấn, tăng hơn 56.700 tấn (ước tăng 596% về lượng so với cùng kỳ năm trước, gấp 7 lần).
Không chỉ tăng về lượng, giá mua gạo của Trung Quốc ở Việt Nam cũng tăng với 12,8 triệu đồng/tấn, cao hơn gần 2 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giá của các thương lái Trung Quốc mua gạo Việt cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Tại thị trường trong nước, VNEXpress cho biết, đầu tháng 3, giá lúa, gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhưng giảm vào cuối tháng 3 khi có thông tin dừng thông quan xuất khẩu gạo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá sẽ tăng trở lại do tâm lý tích trữ lương thực trong dịch bệnh trên toàn cầu leo thang. Bên cạnh đó, hạn mặn và nguồn nước tưới tiêu cũng là những yếu tố khác chi phối thị trường.
Báo này cũng cho biết, mới đây, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng kiểm soát theo từng tháng. Trước mắt, tháng 4 và tháng 5 sẽ xuất khoảng 800.000 tấn. Các tờ khai hải quan thực hiện trước 0h ngày 24/3 (trước khi ngưng xuất khẩu gạo) vẫn được thực hiện.