Về vấn đề Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong báo cáo với Chính phủ hôm 24/8, nước sông Hồng từ biên giới phía Trung Quốc đổ qua Lào Cai về xuôi ngày càng ô nhiễm, báo Đất Việt đã xin ý kiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.
Đầu nguồn sông Hồng đoạn qua tỉnh Lào Cai bị ô nhiễm trầm trọng năm 2011. Ảnh: Báo NLĐ
Đáng lo ngại từ 4 năm trước
Ông Mai Đình Định, nguyên Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai cho biết, các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước thượng nguồn sông Hồng đặc biệt đáng lo ngại từ 4 năm trước, khi người dân quanh khu vực huyện Bát Xát chứng kiến các bãi cát, bờ sông nhuốm vàng, bốc mùi hôi thối.
Ông Định cho biết, thời kỳ ông đương nhiệm chức vụ Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai cũng đã có văn bản thư đề nghị phía Trung Quốc phối hợp điều tra các vùng ô nhiễm. Nhưng thời điểm đó phía Trung Quốc chưa tạo điều kiện để hợp tác.
"Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở thượng nguồn sông Hồng sau đó tiên lục tái diễn và phía Sở TN&MT và tỉnh cũng đã có các báo cáo lên Bộ TN&MT và Trung ương để có các giải pháp ngoại giao hợp lý hoặc gửi thư theo đường ngoại giao để nhờ phía họ kiểm tra. Sau đó, tình hình đã được cải thiện nhiều hơn", ông Định cho hay.
Cũng theo ông Định, KCN Tằng Loỏng (được cho là một trong những nguồn ô nhiễm) nằm ở trong khu vực nội địa, cách xa khoảng 40km so với con sông Hồng và được tỉnh quản lý, khó có ảnh hưởng tới ô nhiễm nguồn nước ở sông Hồng và thượng nguồn.
Bất khả kháng
Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe nhận định, đối với các dòng sông xuyên biên giới, quốc gia ở thượng nguồn luôn là bên chiếm thế thượng phong. Họ có quyền đắp đập, trữ nước hay xả thải mà quốc gia ở hạ lưu sông buộc phải chấp nhận. Do vậy, để cùng hưởng một phần lợi ích từ dòng sông mang lại, quốc gia ở hạ lưu sông chỉ có cách khéo léo sử dụng các biện pháp ngoại giao hợp tác.
"Là nước ở hạ nguồn thiệt thòi, Việt Nam buộc phải đặt vấn đề an ninh môi trường lên tầm chiến lược, cần chú ý tới sự hợp tác để cùng phát triển, cách ứng xử giữa các vấn đề chung, đặc biệt là môi trường khí hậu.
Các con sông là nguồn nước đặc biệt của Đồng bằng sông Hồng, phục vụ người dân và các hoạt động sản xuất. Khi vấn đề sống còn này ảnh hưởng thì buộc chúng ta phải đặc biệt chú ý", PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe nhận định.
Không riêng sông Hồng hay sự ô nhiễm ở đầu nguồn ghi nhận ở Lào Cai, ông Hòe nêu các vấn đề môi trường xuyên biên giới khác như sông Mê Kông, ô nhiễm khói bụi, chất lượng không khí bị ảnh hưởng do gió mùa... cũng bị ảnh hưởng và khó tự kiểm soát do bị phụ thuộc vào quốc gia khác.
Tuy nhiên, vị PGS.TS Nguyễn Đình Hòe nhận định, chính Việt Nam cũng đang tự hại mình, khi các vấn đề an ninh môi trường lại không được chú ý, hưởng lợi từ tài nguyên và dùng "vô tội vạ".
"Chúng ta ở cuối con sông, đóng góp rất ít vào nguồn nước chung, nhưng ta đóng góp ít, hưởng lợi cũng ít lại không sử dụng hợp lý. Doanh nghiệp sử dụng vô tội vạ nước sông, lấy từ sông đi nước sạch, nhưng trả lại sông nước bẩn. Dùng 1 thì làm bẩn nhiều. Doanh nghiệp thì làm ăn bởi đồng tiền, còn người quản lý làm việc theo "nhiệm kỳ". Như vậy thì thật khó để đặt được vấn đề an ninh môi trường", PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe nói.
Về đề xuất lắp trạm quan trắc của Lào Cai, ông Đào Ngọc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi nhận định, việc lắp đặt trạm quan trắc môi trường là điều quan trọng nhưng cũng chưa thật cần thiết bởi các trạm quan trắc tự động chỉ đo được một số chỉ tiêu cơ bản chứ chưa kiểm soát được hết các chỉ tiêu xác định rõ nguồn gây ô nhiễm.
Các chỉ tiêu chất lượng nước cơ bản như BOD, COD, DO.. nhưng các chỉ tiêu về nồng độ kim loại nặng thì không đo lường được.
''Việt Nam chịu sự ảnh hưởng hoàn toàn từ thượng nguồn nước từ Trung Quốc chảy sang. Do đó, về mặt kỹ thuật, chúng ta rất khó để có các biện pháp can thiệp'' - ông Tuấn nhấn mạnh..