Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên với hoạt động phát triển cộng đồng

Phú Bình là một huyện nghèo nằm ở phía Đông Nam tỉnh Thái Nguyên, nơi người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, cần sự quan tâm, hỗ trợ để yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện điều kiện sống. Trong những năm qua, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội (BT&CTXH) tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, nhằm đánh giá, xác định vấn đề và nhu cầu của cộng đồng yếu thế, trong đó có huyện Phú Bình. Qua đó, lựa chọn địa bàn phù hợp, đáp ứng các tiêu chí và tính khả thi để triển khai hoạt động phát triển cộng đồng (PTCĐ).

Nhân viên CTXH của Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên đang truyền tải nội dung, tại Lớp tập huấn Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho người dân.  Ảnh: HCB

Nhân viên CTXH của Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên đang truyền tải nội dung, tại Lớp tập huấn Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho người dân. Ảnh: HCB

Những vấn đề cần giải quyết của cộng đồng yếu thế

Theo bà Phùng Thị Thơm - PGÐ Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên, PTCÐ là một phương pháp của CTXH được áp dụng và phát huy vai trò trong việc giải quyết các vấn đề của các nhóm cộng đồng yếu thế, cộng đồng nghèo. Mục đích của việc hỗ trợ và PTCÐ có sự tham gia của người dân, nhằm giúp họ tiếp cận các tiềm năng và nâng cao nhận thức trong việc tìm kiếm các giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề khó khăn, cản trở tại địa phương.

Từ tháng 4/2023, Trung tâm đã triển khai và phối hợp với các ban, ngành liên quan của huyện Phú Bình để khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân, xác định vấn đề khó khăn địa phương cần hỗ trợ. Các nhân viên CTXH đã tiến hành khảo sát tại 200 hộ gia đình thuộc 10 xóm trên địa bàn 3 xã: xóm Liên Ngọc, Dinh, Ðình Dầm, Tam Xuân (xã Nga My); xóm Ðồn, Sỏi, Ngói, Núi (xã Hà Châu); xóm Tân Sơn, Nam 2 (xã Úc Kỳ) của huyện Phú Bình. Trong quá trình khảo sát đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự phối hợp tích cực của Ban mặt trận các xóm; sự nhiệt tình của các hộ gia đình. Xuất phát từ nhu cầu của người dân, cùng người dân xác định vấn đề khó khăn và nhu cầu của cộng đồng cần hỗ trợ. Người dân tại các xóm sống tập trung nên rất thuận lợi cho việc huy động nguồn lực. Bên cạnh đó, cũng có những khó khăn trở ngại là đa số người dân tại các xóm thuộc diện khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình hưởng chế độ bảo trợ xã hội, nên huy động vật lực của người dân tại xóm rất khó khăn. Trình độ dân trí thấp nên kết quả khảo sát phần nào còn hạn chế, mất nhiều thời gian...

Sau khi khảo sát, nắm bắt được tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương; xác định được nhu cầu của người dân và vấn đề cần ưu tiên giải quyết tại cộng đồng, Trung tâm đã lựa chọn được 4 xóm: Liên Ngọc, Dinh (xã Nga My); xóm Núi, Sỏi (xã Hà Châu) huyện Phú Bình để tổ chức và triển khai các hoạt động hỗ trợ PTCÐ.

Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn người dân trong các xóm được chọn chủ yếu làm nông nghiệp, trồng lúa, ngô, chăn nuôi bò, lợn... cuộc sống còn thiếu thốn và nhận thức về hoạt động PTCÐ còn rất hạn chế. Ví dụ như: ở Xóm Liên Ngọc (xã Nga My), có tổng diện tích 20ha, dân số 568 người, nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Khi được hỏi về hoạt động PTCÐ chỉ có 5% người biết một ít, 20% người đã nghe qua nhưng không nhớ, 75% người không biết đến hoạt động PTCÐ. Tại xóm Dinh (xã Nga My) có tổng diện tích 360 ha, dân số 950 người với 185 hộ gia đình, cũng chỉ có 3% người biết rất rõ về hoạt động PTCÐ, 20% người biết một ít, 25% người đã nghe qua nhưng không nhớ, 52% người không biết đến hoạt động PTCÐ…

Vấn đề chung còn tồn tại là, gần 90% người dân thiếu kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật; cộng đồng nghèo 30%; ít độ tuổi lao động 40%; bạo lực gia đình chiếm khoảng 25%; ô nhiễm môi trường 20%... Ðiều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nơi đây.

Trên cơ sở phân tích nói trên, Trung tâm BT&CTXH Thái Nguyên đã xác định các vấn đề cần ưu tiên dựa trên các tiêu chí, tính khả thi để xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động phát triển cộng đồng tại địa bàn các xóm đã lựa chọn.

Người dân tham gia lớp tập huấn sôi nổi thảo luận trong nội dung hoạt động nhóm. Ảnh: HCB

Người dân tham gia lớp tập huấn sôi nổi thảo luận trong nội dung hoạt động nhóm. Ảnh: HCB

Kết quả các hoạt động hỗ trợ PTCĐ

Trung tâm đã triển khai hiệu quả hoạt động PTCÐ, đáp ứng nhu cầu của người dân và cộng đồng, thông qua các hoạt động nâng cao năng lực, tăng cường sự tham gia, đoàn kết, phối hợp giữa người dân với nhau, giữa người dân với các tổ chức trong phạm vi cộng đồng. Trong tháng 5,6,7/2023, Trung tâm tổ chức 24 lớp tập huấn cho trên 1.300 đại biểu là Ban mặt trận và người dân tại 4 xóm, với 6 nội dung liên quan đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng giúp người dân cải thiện kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như các kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề xã hội như: Kỹ năng giao tiếp ứng xử, đoàn kết cộng đồng; kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, tai nạn thương tích trẻ em; kiến thức Bình đẳng giới - Kỹ năng Phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới; kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Các nội dung tập huấn được chuyển tải tới đại biểu thông qua nhiều hình thức phong phú, sinh động như: Bài giảng trình chiếu, video, tiểu phẩm đóng vai, thực hành bài tập nhóm... rất gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu nên thu hút học viên hào hứng tham gia. Sau khi tham gia lớp tập huấn, anh Sang - Một công dân ở xóm Liên Ngọc (xã Nga My) phấn khởi cho biết: “Tôi thấy những điều cán bộ phổ biến trong các lớp học rất bổ ích. Bà con chúng tôi được trang bị kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật về nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi giúp tăng năng suất và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng được nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội như: Bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, cách giao tiếp ứng xử, nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng.... Ðặc biệt, chúng tôi được chia sẻ kiến thức, kỹ năng Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, một vấn đề tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, cạm bẫy đối với con trẻ nếu không biết cách kiểm soát. Tôi mong các hoạt động hỗ trợ PTCÐ, sẽ được Trung tâm tổ chức thường xuyên hơn nữa. Bởi mọi người dân đều thấy rất cần thiết phải triển khai các hoạt động hỗ trợ tại địa phương”.

Ðược biết, trong quá trình triển khai hoạt động PTCÐ tại các địa phương, Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên đã được Phòng LÐ-TB&XH huyện Phú Bình, UBND và các ban, ngành, đoàn thể xã Nga My, Hà Châu phối hợp tổ chức thực hiện rất hiệu quả, giúp các hoạt động PTCÐ đạt kết quả tốt, mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Từ thực tế này, hy vọng trong thời gian tới những mô hình hỗ trợ PTCÐ sẽ được nhân rộng hơn nữa tại tỉnh Thái Nguyên.