Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên với hoạt động phòng, chống xâm hại trẻ em

Trong những năm gần đây, tình hình xâm hại trẻ em (XHTE) ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Trước vấn nạn này, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội (BT&CTXH) tỉnh Thái Nguyên (Trung tâm), đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em (BVTE); nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống XHTE trong cộng đồng và can thiệp hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị xâm hại.

Cán bộ Phòng Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng trong giờ sinh hoạt nhóm với trẻ em tại Trung tâm.

Cán bộ Phòng Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng trong giờ sinh hoạt nhóm với trẻ em tại Trung tâm.

Nỗ lực can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại

Theo bà Phùng Thị Thơm - PGÐ Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận thông tin và thực hiện can thiệp hỗ trợ khẩn cấp cho 28 trường hợp trẻ em bị xâm hại. Trong đó, chủ yếu là trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD) 22 em, bị bạo lực 3 em và trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc 3 em. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung tâm cũng can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp cho 8 trường hợp là trẻ em bị xâm hại, bạo hành (BH), trong đó 6 trẻ bị XHTD, 2 em bị bạo hành. Trẻ em bị bạo lực, XHTD phần lớn ở độ tuổi 6 - 16 tuổi; trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc chủ yếu là dưới 6 tuổi. Các đối tượng XHTE tại Thái Nguyên đa số là người có quan hệ gần gũi với nạn nhân, lợi dụng sự quen biết để thực hiện các hành vi xâm hại, thậm chí một số đối tượng quay phim, chụp ảnh và phát tán văn hóa phẩm độc hại liên quan đến ấu dâm trẻ em trên mạng xã hội. Chính vì vậy, tính chất, hậu quả của các vụ việc XHTE ngày càng nghiêm trọng. Trong các vụ xâm hại nói trên, điển hình là trường hợp 4 cháu H.T.N (SN 2013), H.T.M (SN 2013), V.N.Y (SN 2013), H.T.T (SN 2013) ở xã V.L, huyện Ð.H bị đối tượng Hà Hoàng Tú (SN 1990) là giáo viên, thực hiện hành vi XHTD (dâm ô) vào ngày 12/1/2022 tại Trường; Cháu D.T.H (SN 2008), trú tại TP. S.C, tỉnh Thái Nguyên bị một đối tượng không rõ lai lịch dùng dao đâm thủng tim,...

Sau khi tiếp nhận thông tin các vụ việc, Trung tâm đều tiếp nhận, hỗ trợ, can thiệp kịp thời, đảm bảo đúng quy trình. Trung tâm kết nối với Phòng LÐ-TB&XH cấp huyện, chính quyền địa phương (cấp xã) và các ban, ngành liên quan để xác minh thông tin, đánh giá sự việc và phối hợp cùng giải quyết vấn đề của trẻ và gia đình. Cán bộ Trung tâm trực tiếp làm việc với trẻ và gia đình trẻ để thu thập thông tin, đánh giá vấn đề và nhu cầu của trẻ. Tư vấn, hỗ trợ tâm lý, kết nối hỗ trợ pháp lý cho trẻ và gia đình; tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, quản lý… giúp trẻ phục hồi và ổn định về tâm lý, hòa nhập cuộc sống, sinh hoạt và học tập bình thường. Ðồng thời, phối hợp với các ban, ngành chức năng đưa đối tượng XHTE xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nhiều hoạt động nổi bật trong phòng chống XHTE

Luật Trẻ em quy định, có ba cấp độ BVTE đó là phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Trong những năm qua, Trung tâm BT&CTXH Thái Nguyên đã thực hiện tốt cả ba cấp độ BVTE. Trong đó, hoạt động phòng ngừa trẻ em bị xâm hại thông qua các hoạt động nâng cao kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em và cha mẹ, người chăm sóc thay thế trẻ… được Trung tâm đặc biệt chú trọng. 

Từ năm 2020 đến nay, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVTE, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống XHTE, Trung tâm đã tăng cường các hoạt động truyền thông như: Phối hợp với Ðài PTTH tỉnh Thái Nguyên phát sóng trên 300 lượt clip quảng cáo Tổng đài tư vấn miễn phí 18008080 và các dịch vụ hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; Xây dựng và phát sóng 12 phóng sự truyền hình, 9 phóng sự phản ánh về các hoạt động của Trung tâm trên báo, đài của trung ương và địa phương (nổi bật là phóng sự Truyền hình về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phát sóng trong tháng 3/2023 trên Ðài PTTH tỉnh Thái Nguyên); In ấn và cấp phát 80.000 tờ rơi, 1.500 áp phích, 21.000 bút bi… để truyền thông, tuyên truyền, quảng bá về chức năng, nhiệm vụ và các dịch vụ trợ giúp BVCSTE của Trung tâm. 

Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai nhiều hoạt động truyền thông khác như: Tổ chức 42 buổi truyền thông cho học sinh THCS trên các địa bàn trọng điểm trong tỉnh về Luật Trẻ em, phòng chống ma túy học đường, BVTE trong môi trường mạng; truyền thông giáo dục giới tính, phòng chống XHTD cho trẻ em… Hoạt động đã nhận được sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ của Ban Giám hiệu các nhà trường; thu hút sự tham gia của học sinh. Qua đó, các em được cung cấp kiến thức cơ bản về giáo dục giới tính, cách bảo vệ cơ thể, cách phòng tránh bị xâm hại trong đời thực và trên môi trường mạng. Trường hợp có nguy cơ bị xâm hại các em nên ứng xử ra sao, cần liên hệ với cơ quan chức năng nào để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho mình.

Cán bộ Trung tâm truyền thông BVTE trên môi trường mạng tại Trường THCS Thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ.

Cán bộ Trung tâm truyền thông BVTE trên môi trường mạng tại Trường THCS Thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ.

Cùng với đó, Trung tâm đã tổ chức 93 lớp tập huấn cho trên 5.000 cộng tác viên, cán bộ cơ sở, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về kỹ năng, phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực; hướng dẫn cộng tác viên thiết lập mạng lưới kết nối; tiếp nhận, xử lý thông tin và thực hiện hỗ trợ trẻ em bị XH, BL, phòng chống XHTD và tai nạn thương tích trẻ em…

Tổ chức gần 40 buổi hoạt động nhóm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang nuôi dưỡng tại Trung tâm, tạo sân chơi lành mạnh, hòa đồng, bổ ích, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các em. Qua các buổi sinh hoạt, các em được vui chơi, tương tác, phát triển các kỹ năng xã hội, nâng cao khả năng nhận thức, biết xây dựng các mối quan hệ, ứng xử văn minh, lịch sự với bạn bè, thầy cô và mọi người xung quanh. Ðặc biệt là biết cách tự bảo vệ bản thân, phòng tránh nguy cơ bị xâm hại.

Ðối với hoạt động tư vấn - tham vấn, Trung tâm đã tiếp nhận, cung cấp thông tin tư vấn về thủ tục pháp lý, dịch vụ nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện, phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em… cho 211 lượt công dân; Thực hiện tư vấn 1.032 ca tại cộng đồng; Thực hiện tư vấn, cung cấp và kết nối các dịch vụ hỗ trợ qua tổng đài 18008080 và số hotline 0963188080 (tiếp nhận 8.331 cuộc gọi đến), đảm bảo thời gian, chất lượng, hiệu quả đối với tất cả các cuộc gọi có nhu cầu cần tư vấn, can thiệp, trợ giúp cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức của trẻ em trong việc nâng cao kỹ năng chăm sóc, tự bảo vệ bản thân; giúp cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ cũng như các thầy cô giáo và người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ trước những nguy cơ, rủi ro trong cuộc sống.

Với mục tiêu giúp trẻ em luôn được bảo vệ, “luôn cười và hồn nhiên trong khoảng trời tuổi thơ”; thời gian tới, Trung tâm BT&CTXH tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm bảo vệ, hỗ trợ và tăng cường kỹ năng phòng chống XHTE. Ðặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính; tăng cường phổ biến các quy định trong Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa XHTD và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em. Tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em; Xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động BVTE, phòng, chống XHTE theo từng năm... nhằm góp phần triển khai có hiệu qủa các dịch vụ CTXH với trẻ em trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.