Thành lập năm 1979, Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần (Sở LĐ-TB&XH Thái Bình) hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho 207 đối tượng (ĐT) tâm thần mãn tính (35 ĐT nữ, 61 ĐT là người có công với cách mạng: 38 thương binh, bệnh binh nặng, 1 ĐT con liệt sỹ, 22 con ĐT nhiễm chất độc da cam), còn lại là các ĐT xã hội, trong đó 1/3 ĐT không tự chủ được mọi sinh hoạt. Đặc thù của người bệnh tâm thần mãn tính, hầu hết ĐT không còn khả năng lao động lý liệu để phục hồi chức năng, không còn khả năng tự phục vụ được bản thân thì việc quản lý, chăm sóc điều trị và giáo dục đưa họ vào nề nếp là cả một quá trình gian khổ, khó mà nói được thành lời. Người tâm thần nặng, khi gia đình không còn khả năng quản lý, nuôi dưỡng gây ảnh hưởng tới trật tự cộng đồng xã hội nên họ thường có những cơn kích động, có những hành vi nguy hiểm cho bản thân, cho gia đình, xã hội và tới cả người chăm sóc. Đã không ít những cán bộ bị ĐT đuổi đánh, xé quần, xé áo... Vì thế nên mỗi lần tắm giặt, cắt tóc, móng chân, móng tay, gội đầu, uống hoặc tiêm thuốc, hay lao động lý liệu để phục hồi chức năng, hoặc bón từng miếng cơm muỗng cháo cho bệnh nhân, phải bố trí các cán bộ đi kèm để hỗ trợ phục vụ... Nhiều ĐT sa sút cả về tâm thần và thể lực, ngoài bệnh tâm thần họ còn mắc những bệnh khác kèm theo như lao phổi nặng đã kháng thuốc, bệnh da liễu, tim mạch, các bệnh liên quan đến đường ruột... nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho họ là một công việc cực khó khăn, vất vả. Do vậy công tác chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm và luôn được cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ, mỗi nhân viên chăm sóc đều trở thành người thân của bệnh nhân.
Chỉ có những con người chịu khó và nhẫn lại, coi bệnh nhân nơi đây như là người thân của mình và đặc biệt phải đặt chữ tâm lên hàng đầu mới làm tốt được công việc này. Hàng ngày công việc quen thuộc của mỗi cán bộ chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần chính là hỗ trợ cho ĐT từ việc dọn dẹp vệ sinh tạo cảnh quan môi trường sạch sẽ, thoáng mát đến việc giúp bệnh nhân có nơi ăn, nơi ở gọn gàng ngăn nắp, tắm gội, cắt tóc, tỉa móng chân móng tay hay giặt giũ quần áo giúp cho bệnh nhân luôn sạch sẽ mỗi ngày... Việc ăn uống của người bệnh tại Trung tâm cũng được cán bộ, nhân viên chăm lo tận tình, có sự thay đổi thực đơn theo từng ngày...Tổ chức khám bệnh cho từng đối tượng thường kỳ để nắm bắt diễn biến bệnh, mời bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh về khám và xây dựng phác đồ điều trị cụ thể cho từng đối tượng, tùy theo tình trạng bệnh tật. Với đối tượng là người có công do tuổi cao, sức khỏe yếu mỗi khi bệnh tái phát nặng Trung tâm tổ chức đưa đi điều trị tại các bệnh viện tuyến trên... Qua thời gian điều trị, hầu hết các đối tượng đều có chuyển biến tích cực. Hiện tại, một số người bệnh đã làm được những công việc nhẹ nhàng thường ngày.
Ông Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Cái khó khăn lớn nhất là khâu chăm sóc người bệnh tâm thần là bệnh mãn tính suốt đời giai đoạn cuối bệnh nhân sa sút trí tuệ nặng, cán bộ Trung tâm phải chăm sóc trực tiếp mọi thứ cho bệnh nhân. Làm việc với những bệnh nhân tâm thần, tôi được hiểu mỗi một bệnh nhân tâm thần là một tính cách, một mảnh đời riêng. Có người trầm tính ít nói, nhưng có những bệnh nhân hung hăng bướng bỉnh... Người chăm sóc bệnh nhân phải hiểu, quan sát thật kỹ, đọc hiểu tính nết của từng người mới chăm sóc và làm tốt công việc được. Dù vậy, sự tận tình, cộng với lòng yêu nghề đã giúp chúng tôi vượt qua trở ngại ấy”.
Với bàn tay nhân ái và những tấm lòng nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, hộ lý nơi đây đã cho bệnh nhân tâm thần một mái ấm thực sự và là nơi hồi sinh của những mảnh đời bất hạnh.