Trong suy nghĩ của nhiều người, người khuyết tật là gánh nặng cho gia đình, cộng đồng xã hội, vì gần như họ không thể tự chăm sóc được bản thân, càng không thể làm việc và tạo ra thu nhập. Đa số, người khuyết tật ở Việt Nam thuộc hộ nghèo, rất khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội, đặc biệt là các dịch vụ lao động, việc làm để tạo thu nhập. Đây là nhóm dễ bị tổn thương và chịu thiệt thòi lớn trong xã hội.
Mặc dù trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng đã được các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên thực tế vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Với mục tiêu huy động sự tham gia của xã hội, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em khuyết tật ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền con người và hòa nhập cộng đồng, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa người bình thường và người khuyết tật tại nơi cư trú, trong những năm qua, công tác kết nối dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật được Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai tại cộng đồng và bước đầu mang lại kết quả tích cực.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2021, Trung tâm Công tác xã hội tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng chính quyền địa phương tổ chức triển khai hoạt động khảo sát nhu cầu học nghề của 250 trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố Móng Cái và thị xã Đông Triều nhằm thu thập thông tin, nhu cầu, nguyện vọng của trẻ và gia đình trong việc học nghề, việc làm phù hợp với điều kiện và khả năng lao động của trẻ.
Để trẻ được học nghề theo mong muốn, nguyện vọng, Trung tâm cũng tiến hành khảo sát 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tương ứng về ngành nghề kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng lao động, các mức chi trả lương và hỗ trợ cho lao động khi làm việc tại doanh nghiệp. Nhóm khảo sát trao đổi, vận động doanh nghiệp nhận đào tạo dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại địa phương theo hình thức cầm tay, chỉ việc. Các ngành, nghề trẻ khuyết tật học chủ yếu kinh doanh về thủ công, mỹ nghệ, cắt - gội - uốn tóc, may mặc, sửa chữa xe máy - xe đạp điện...
Trong số 250 trẻ khuyết tật được khảo sát, có 15 trẻ có nhu cầu và đủ điều kiện, khả năng tham gia học nghề. Nhân viên công tác xã hội của Trung tâm đã phối hợp cùng với địa phương và gia đình trẻ tiến hành kết nối các trẻ đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để trẻ được học nghề. Qua theo dõi, bước đầu các trẻ đã làm quen với nghề học và đang tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng từ cơ bản đến chuyên sâu của nghề.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện công tác theo dõi, giám sát hoạt động dạy nghề cho trẻ tại doanh nghiệp. Qua đó kịp thời hỗ trợ những khó khăn, bất cập của trẻ và gia đình trong quá trình học nghề. Trên cơ sở trẻ học thành nghề, tiếp tục hướng đến hoạt động gắn với tạo việc làm nhằm giúp trẻ tự tin, có thu nhập ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng để trở thành người có ích cho xã hội.
Hoạt động hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ không chỉ góp phần xóa bỏ rào cản trong hòa nhập đối với trẻ khuyết tật mà còn giúp trẻ khuyết tật phát huy được khả năng của mình, tiến tới tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, góp phần đáp ứng mục tiêu thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.