Những năm qua, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội (CTXH và BTXH) tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm lượt người già, trẻ em không nơi nương tựa, có hoàn cảnh đặc biệt. Dưới mái nhà chung ấy, họ từ những người xa lạ trở thành một gia đình, được sống trong tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ.
Mái ấm của người yếu thế
Hiện Trung tâm đang quản lý và nuôi dưỡng chăm sóc 132 đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… không nơi nương tựa. Trong đó , trẻ em mồ côi là 69 trẻ, người cao tuổi 17 người, người khuyết tật là 29 người và người tâm thần là 17 người.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã tiếp nhận mới 23 trường hợp vào nuôi dưỡng tập trung, bao gồm 04 người tâm thần; 06 người cao tuổi cô đơn; 09 người khuyết tật và 04 trẻ em…
Hàng năm, Trung tâm luôn duy trì, đảm bảo mức trợ cấp tiền ăn từ ngân sách địa phương cho các đối tượng theo quy định. Mọi chế độ của đối tượng đều đảm bảo thường xuyên, đúng tiêu chuẩn. "Mỗi cán bộ, nhân viên trong Trung tâm luôn coi mình là người thân, là gia đình của các đối tượng để chăm sóc bằng cái tâm, sự chân thành, tận tụy", Giám đốc Trung tâm Phạm Công Quyết cho biết.
Dù mỗi người đều có câu chuyện, số phận riêng, nhưng ở nơi đây, họ đã tìm được một chỗ nương tựa, bù đắp cho nhau, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện vui, buồn. Tại đây, các đối tượng được chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ, được quan tâm đời sống tinh thần và chăm sóc sức khỏe…
Bởi lẽ đó, nhiều năm qua, Trung tâm CTXH và BTXH tỉnh Yên Bái đã trở thành "ngôi nhà chung" cho người già cô đơn, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật… thực sự là "mái ấm" thanh bình đầy ắp tình thương yêu cho những mảnh đời yếu thế trong xã hội.
Song song với hoạt động nuôi dưỡng tập trung, dịch vụ công tác xã hội của Trung tâm cũng đạt nhiều hiệu quả tích cực, khẳng định vai trò của mình trong hoạt động trợ giúp người yếu thế trên địa bàn tỉnh.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân và xu thế của xã hội, mới đây, Trung tâm đã triển khai cung cấp dịch vụ chăm sóc cho 2 nhóm đối tượng tự nguyện gồm: người cao tuổi và trẻ khuyết tật, có thu phí, giúp các đối tượng và gia đình đối tượng được lựa chọn và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng cao ngay trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu thời gian và chi phí.
Do đó, giờ đây, không chỉ đối tượng bảo trợ xã hội mà cả những người yếu thế có nhu cầu trong cộng đồng đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc, trợ giúp để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho các đối tượng vượt lên hoàn cảnh, sống lạc quan, trở thành người có ích cho xã hội.
"Lá phổi xanh" để khỏe mạnh hơn
Những ngày này, cả nước đang chung tay phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn, đội ngũ cán bộ, công nhân viên công tác nơi đây càng phải chuyên cần, tận tụy và trách nhiệm hơn bao giờ hết để chăm sóc các đối tượng yếu thế.
Trung tâm luôn chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp vừa tạo môi trường cảnh quan thoáng đãng, mát mẻ, vừa tạo nên "lá phổi xanh" , gần gũi với thiên nhiên, khí hậu trong lành, đảm bảo sức khỏe chung tại đơn vị.
"Để cảnh quan luôn thanh bình, trong lành, xanh sạch đẹp, cán bộ công nhân viên cùng các đối tượng yếu thế đều được phân công cắt tỉa, tưới cây chăm sóc cây xanh trong khuôn viên hàng ngày. Đây cũng là phương pháp giúp đối tượng vui khỏe, lao động nhẹ nhàng, trị liệu hiệu quả", nhân viên của Trung tâm chia sẻ.
Trung tâm cũng luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động viên chức, người lao động và các đối tượng cùng chung tay chăm sóc, bảo vệ môi trường. Trung tâm đã thực hiện hiệu quả nhiều mô hình thiết thực, phù hợp với điều kiện của đơn vị, tạo hiệu ứng tốt, nâng cao ý thức trong cộng đồng.
Với phương châm "sạch để khỏe mạnh hơn", sạch không chỉ trong phòng ở, nơi sinh hoạt chung mà còn cả trong khuôn viên đơn vị; tạo cảm giác thư giãn để đối tượng yên tâm điều trị, sinh sống. Đến Trung tâm, ai cũng cảm nhận thấy nơi đây thanh bình, đầy ắp tình thương yêu.
Làm được điều đó, cán bộ Trung tâm luôn gương mẫu, nề nếp trong sinh hoạt. Tại nơi làm việc, phòng thăm khám, điều trị luôn được vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó, với những đối tượng khỏe mạnh, ngoài tập thể dục, lao động phù hợp với điều kiện sức khỏe, Trung tâm khuyến khích họ tham gia vệ sinh nơi ở, trồng rau, trồng và chăm sóc cây xanh.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng rất quan tâm đến đời sống của người già, các cháu học sinh, coi các cụ, các em như cha mẹ, con cái của mình nên các cán bộ, đảng viên nơi đây lúc nào gần gũi, trò chuyện thân tình. Mỗi khi ai đó bị ốm đau mọi người lại thay nhau chăm sóc, bón từng miếng cơm, bát cháo.
Trung tâm cũng thường xuyên cải thiện món ăn, ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng.
Hàng tuần, cán bộ y tế đều đến kiểm tra, theo dõi, chăm sóc sức khỏe để kịp thời phát hiện các chứng bệnh và có hướng điều trị phù hợp. Hiện tại, 100% đối tượng trong Trung tâm đều được mua thẻ BHYT và khám chữa bệnh định kỳ 6 tháng/lần. 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường được đi học và trang bị đầy đủ đồ dùng học tập; được tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng sống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tăng gia sản xuất… giúp các cháu phát triển một cách toàn diện.
Ngoài chăm sóc, hỗ trợ về học tập, Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, văn nghệ, thể dục thể thao cho đối tượng (trong thời gian dịch bệnh Covid -19 đã ổn định) như: Tổ chức các trò chơi dân gian nhân dịp Tết Nguyên đán; Tổ chức Hội thi "Trang trí trái cây" nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; tổ chức sinh nhật cho các cháu trong quý I và tặng quà nhân dịp Tết thiếu nhi 01/6…
Bên cạnh đó, tiếp tục hướng dẫn trẻ trong dịp nghỉ hè lao động tăng gia chăn nuôi, trồng rau xanh để cải thiện đời sống.
Có thể thấy, nhiều hoạt động thiết thực và bổ ích dành cho đối tượng đang được Trung tâm triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng yếu thế, những người đang cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động cụ thể trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng xã hội và cung cấp dịch vụ công tác xã hội; xây dựng các mô hình trị liệu và triển khai dịch vụ tự nguyện tại Trung tâm, tiếp tục là điểm tựa, là mái nhà chung cho người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Giám đốc Trung tâm Phạm Công Quyết cho biết: "Chúng tôi luôn xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình là luôn sát cánh bên các đối tượng, người già cô đơn, không nơi nương tựa và đặc biệt là trẻ em, phải nuôi nấng, dạy bảo các em thành người có ích cho xã hội, phải dành hết tình yêu thương và coi các em như con em trong gia đình để bù đắp lại những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu."
Với lòng nhiệt thành và tâm huyết trong công việc, Ban giám đốc cũng như đội ngũ viên chức, người lao động Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái đã luôn làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình.