Như Xuân là một trong 7 huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa, hàng năm ở đây có khoảng 400-500 HS tốt nghiệp THCS nhưng không đủ điều kiện để được học lên THPT do gia đình quá khó khăn về kinh tế, hoặc có em thi không đỗ.
Trước thực trạng đó, năm 2007, TTDNNX ra đời, đào tạo các nghề may công nghiệp, nghề hàn, điện dân dụng, mộc dân dụng, điện tử công nghiệp, điện lạnh, bồi dưỡng kiến thức chăn nuôi, trồng trọt cho người dân địa phương, đặc biệt là các em HS tốt nghiệp THCS.
Học sinh tham gia học nghề may tại TTDNNX
Ông Đinh Văn Phương, Phó Giám đốc phụ trách TTDNNX cho biết, việc vận động các em học sinh tốt nghiệp THCS đến học nghề tại trung tâm gặp nhiều khó khăn. Việc nhận thức của phụ huynh học sinh về nghề nghiệp ở những vùng cao còn gặp nhiều hạn chế. Hơn nữa, sau khi học xong cấp 2, các em còn nhỏ tuổi nên chưa có định hướng nghề nghiệp cho tương lai của mình.
Do vậy, hơn ai hết, cán bộ nhân viên của TTDNNX đặt phương châm hàng đầu là phải gần dân, sát với dân để tuyên truyền cho phụ huynh học sinh hiểu biết về chính sách dạy nghề ủa Nhà nước. Từ đó, phụ huynh và học sinh có quyền lựa chọn, định hướng nghề nghiệp cho con em mình.
“Các em học sinh đến đây học nghề đều được ở ký túc xá miễn phí, tiền điện nước sinh hoạt cũng được miễn phí. Từ năm học 2015-2016, áp dụng Luật Giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực từ 1/7/2015), tất cả HS thuộc đối tượng tốt nghiệp THCS tham gia học trung cấp nghề đều được miễn học phí 100%. Bên cạnh đó, trung tâm còn có nhà ăn tập thể phục vụ các em với giá từ rẻ từ 5.000-10.000 đồng/suất cơm bình dân” – ông Phương nói.
Được biết, hiện nay TTDNNX đang đào tạo các nghề may công nghiệp, hàn, điện dân dụng, điện lạnh, điện từ công nghiệp, dạy kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cho người dân địa phương... Ngoài ra, trung tâm còn liên kết với trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa tuyển sinh đào tạo tại trung tâm các nghề hệ trung cấp như nghề may và thiết kế thời trang, điện tử công nghiệp, điện lạnh. thời gian đào tạo từ 3-3,5 năm tùy từng nghề. Sau khi học xong, các em sẽ được cấp bằng trung cấp nghề và dự tốt nghiệp bổ túc THPT. Đồng thời, các em được giới thiệu vào làm việc tại các công ty trong và ngoài tỉnh phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo. Hoặc có thể ở lại làm nghề ngay tại trung tâm.
Em Lê Thị Hương, một học sinh của trường cho biết, em vào đây học nghề đã được thầy cô ở trung tâm quan tâm chỉ dạy, đến giờ em đã có thể tự tin may được sản phẩm cho doanh nghiệp. Sau khi học xong, em còn được các thầy cô tạo việc làm cho ngay tại trung tâm với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khá cao, trước kia có nằm mơ cũng không nghĩ được có ngày sẽ có được mức lương đó trong 1 tháng.
Ông Đinh Văn Phương cho biết thêm, mô hình dạy nghề cho HS vùng cao sau khi tốt nghiệp THCS sẽ phát triển bền vững, đến khi các em 18 tuổi đã có nghề trong tay để tự tin bước vào đời. Hiện tại, cơ sở vật chất của trung tâm có thể đáp ứng được đào tạo nghề và văn hóa cho hơn 300 HS. Trung tâm cũng đã và đang phối hợp với các xã, thị trấn để mở lớp đào tạo nghề may ngắn hạn miễn phí cho các đoàn viên, thanh niên ngay tại các xã trên địa bàn huyện.
“Mới đây, UBND huyện Như Xuân đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho TTDNNX để đáp ứng như cầu dạy nghề cho các em HS. Tạo điều kiện tốt nhất cho các em yên tâm học nghề. Các em sau khi ra trường đều tìm được công việc ổn định, có thu nhập tốt. Có nhiều ngành nghề có các công ty đến tuyển dụng các em ngay và luôn sau khi ra trường” – ông Phương cho hay.