Sự tận tình chăm sóc chu đáo của các nhân viên tại Trung tâm đối với người có công.
Tháng 7/1997, Trung tâm Điều dưỡng người có công Quảng Ninh đã chính thức hoạt động đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh liệt sĩ, công suất hoạt động ban đầu là 40 giường, chủ yếu là phục vụ điều dưỡng cho những người là thương binh nặng, Bà mẹ VNAH, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày...
Những năm gần đây, trên đà phát triển của nền kinh tế đất nước, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa. Do vậy, số lượng điều dưỡng luân phiên hàng năm được phân bổ tăng thêm, kinh phí điều dưỡng cũng được bổ sung hợp lý, diện đối tượng điều dưỡng được mở rộng nâng công suất phục vụ của Trung tâm tăng từ 3.591 người năm 2012 lên hơn 3.198 người vào năm 2017. Tính đến 30/9/2018, Trung tâm thực hiện điều dưỡng 19 đợt cho 2.464 người.
Được sự quan tâm của tỉnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm đã từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Trong đó, khu nhà 6 tầng mới được đưa vào hoạt động từ tháng 5 vừa qua đã góp phần giúp Trung tâm hoàn thiện hơn các hoạt động điều dưỡng. Các khu phòng tập đa năng, phòng làm việc và phòng nghỉ điều dưỡng được bố trí hợp lý với các trang thiết bị tiện nghi. Các trang thiết bị hỗ trợ, nâng cao sức khoẻ như: Máy xung điện, máy mát - xa toàn thân, máy chạy bộ, giường nằm mát - xa, phòng xông hơi, ngâm chân thuốc bắc… cũng được đầu tư để chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho thương, bệnh binh và người có công đến điều dưỡng tại Trung tâm.
Xác định công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cho thương bệnh binh và người có công là một công việc mang tính đặc thù, các đối tượng chính sách phần lớn là những người tuổi đã cao và sẵn mang trong mình biết bao nỗi đau cả về thể xác và tinh thần, đồng thời để thường xuyên theo dõi, chăm sóc và có những chỉ định điều trị cụ thể, năm 2011, Trung tâm đã xây dựng hoàn thiện Quy trình điều dưỡng, Quy trình chăm sóc sức khoẻ cho đối tượng, mua sắm trang thiết bị y tế, cử cán bộ đi học các lớp nâng cao nghiệp vụ về vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để chăm sóc sức khoẻ cho đối tượng. Trong suốt thời gian điều dưỡng, công tác chăm sóc sức khỏe được nghiêm túc triển khai theo đúng quy trình từ việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, chế độ ăn kiêng theo bệnh lý, tuổi tác đến việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe hàng ngày, hàng giờ để kịp thời có những chỉ định điều trị, sơ cứu tại chỗ hoặc chuyển tuyến cấp cứu kịp thời. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, hướng dẫn các bài tập vận động cho đối tượng. Nhìn chung, 100% NCC đến điều dưỡng tại Trung tâm đều được đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe, được chăm sóc đúng quy trình, tinh thần, thể trạng NCC sau điều dưỡng vui vẻ, phấn khởi, tỷ lệ tăng cân bình quân đạt 65-70%.
Cùng với công tác chăm sóc về mặt vật chất, Trung tâm luôn quan tâm đến nhu cầu được chăm sóc về mặt tinh thần cho các thương, bệnh binh, người có công đến điều dưỡng tại trung tâm. Trong thời gian điều dưỡng, Trung tâm tổ chức các buổi nói chuyện thời sự, phổ biến chế độ chính sách để nâng cao hiểu biết và tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao, vui chơi giải trí tại Trung tâm; các hoạt động tham quan Vịnh Hạ Long, Khu Du lịch quốc tế Tuần Châu, Công viên quốc tế Hoàng Gia, Bảo tàng và Cung Quy hoạch triển lãm Tỉnh, Công viên Đại Dương cáp treo, vòng quay mặt trời và các di tích lịch sử khác... đã tạo cho một tinh thần phấn khởi, thoải mái và thể trạng khoẻ mạnh.
Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Ninh Trần Ánh Hương cho biết: " Trong các tháng cuối năm Trung tâm tiếp tục thực hiện kế hoạch điều dưỡng cho 1.000 người NCC của Tỉnh đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bên cạnh công tác điều dưỡng, trong năm 2018, trung tâm cũng đã tổ chức thương bệnh binh, người có công đến điều dưỡng đi tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của đất nước, đảm bảo chu đáo, an toàn tuyệt đối nhằm mang đến cho người có công thời gian điều dưỡng hiệu quả, vui vẻ”.
Những mất mát của các thương, bệnh binh, người có công trong chiến tranh sẽ mãi không thể bù đắp được, không thể trị khỏi hoàn toàn những vết thương nhưng với những nỗ lực của Trung tâm Điều dưỡng người có công Quảng Ninh đã giúp họ phần nào xoa dịu những nỗi đau sau chiến tranh, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc.