Báo điện tử Dân sinh có cuộc trò chuyện cùng ông Mai Hoàng Nhân, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bến Tre xung quanh vấn đề này:
PV. Ông có thể cho biết về quá trình thành lập và phát triển của Trung tâm?
Ông Mai Hoàng Nhân: Được thành lập từ năm 2013, hiện Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bến Tre là điểm đến điều dưỡng lý tưởng cho người có công của tỉnh nói riêng và các tỉnh thành khu vực Tây Nam bộ nói chung.
Được sự quan tâm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Trung tâm Điều dưỡng Người có công thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được thành lập với chức năng tiếp nhận, tổ chức điều dưỡng luân phiên cho đối tượng người có công tỉnh Bến Tre và các tỉnh trong cả nước theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Bến Tre chịu hậu quả nặng nề cả về người và của cải vật chất. Theo số liệu từ Đề án Tổ chức lại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Bến Tre số 209/ĐA-TTĐDNCC ngày 12/12/2016, Bến Tre còn khoảng 25.000 người có công là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người bị địch bắt tù đày, bị nhiễm chất độc hóa học… được trợ cấp hàng tháng theo Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, ngày 16/7/2012, của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
PV. Năm 2019, công tác điều dưỡng người có công tại Trung tâm được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông!
Ông Mai Hoàng Nhân: Theo số liệu báo cáo hàng năm qua quá trình hoạt động từ năm 2013 đến năm 2019, Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận 9.403 lượt người có công đến điều dưỡng (bình quân trên 1.300 lượt người mỗi năm) gồm người có công trong tỉnh và các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận…
Trong năm 2019, Trung tâm Điều dưỡng Người có công đã thực hiện điều dưỡng cho 933 người có công trong tỉnh (đạt 127,1% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản hoàn thành Kế hoạch năm). Tiếp nhận 864 người có công các tỉnh khác đến điều dưỡng (đạt 288% kế hoạch năm 2019 và đạt 192,8% so với cùng kỳ năm trước). Tổ chức khám chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, tham gia sinh hoạt văn hoá văn nghệ, giao lưu đàn ca tài tử cho 2.695 lượt người có công đi điều dưỡng (đạt 134,7% kế hoạch năm 2019).
Có 100% phiếu khảo sát đạt loại tốt trở lên do người có công đi điều dưỡng đánh giá về chất lượng phục vụ điều dưỡng (vượt 10% kế hoạch năm 2019 và đạt ngang mức cùng kỳ năm trước).Thực hiện tổ chức thăm và tặng quà 5 gia đình chính sách.
Ngoài các chế độ trợ cấp hàng tháng thì có khoảng 20.000 người có công của tỉnh được hưởng chế độ điều dưỡng luân phiên hàng năm tại chỗ và tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Bến Tre.
PV. Đối tượng người có công nghỉ dưỡng chủ yếu là người già, sức khỏe yếu, vậy Trung tâm cần có những chế độ chăm sóc đặc biệt như thế nào?
Ông Mai Hoàng Nhân: Hàng năm, Trung tâm điều dưỡng người có công Bến Tre luôn hoàn thành 100% kế hoạch được giao, điều dưỡng đến nghỉ tại trung tâm luôn luôn nhận được sự chăm sóc tận tình chu đáo nhất và có ấn tượng rất tốt về trung tâm, họ luôn muốn được quay lại trung tâm không chỉ một mà nhiều lần.
Với lợi thế nằm sát bờ sông Hàm Luông, có phong cảnh đẹp, không khí mát mẻ, trong lành, nơi đây rất thích hợp cho người có công nghỉ dưỡng và tham quan. Ngoài việc chăm lo cho đối tượng chính sách về mặt vật chất, thành phố Bến Tre còn rất quan tâm về mặt tinh thần cho đối tượng chính sách, góp phần tạo cho đối tượng chính sách sống vui, sống khoẻ hơn, đặc biệt là nhân chuyến tham gia điều dưỡng còn được gặp lại đồng chí, đồng đội của mình.
Hiện Trung tâm được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, như máy massage toàn thân và massage chân, máy châm cứu… để đảm bảo cho việc phục hồi sức khoẻ cho các đối tượng. Hệ thống phòng ngủ được trang bị đầy đủ tiện nghi như: tivi, tủ lạnh, wifi, hệ thống nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. Khu nghỉ dưỡng Mỹ An còn có nhà hàng máy lạnh với sức chứa 400 chổ được thiết kế theo hình tròn hiện đại và nhà hàng sân vườn nằm bên cạnh bờ sông Hàm Luông thơ mộng.
Trung tâm thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hoá, văn nghệ; tham quan Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, viếng mộ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cho các đoàn đến đây nghỉ dưỡng. Ngoài ra còn thực hiện xoa bóp, bấm huyệt, khám sức khỏe cho đối tượng tại trung tâm trước khi đoàn đi nghỉ dưỡng ở các tỉnh ngoài.
Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức hướng dẫn luyện tập các phương pháp điều dưỡng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thích hợp cho từng đối tượng; kết hợp dưỡng sinh, thuốc chữa bệnh hợp lý để phục hồi, nâng cao sức khỏe cho đối tượng có công.
PV. Môi trường là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe và giúp cho người có công sống vui, sống khỏe, hạnh phúc. Vậy trung tâm đã triển khai thực hiện công tác này như thế nào?
Ông Mai Hoàng Nhân: Bên cạnh việc thực hiện chế độ điều dưỡng tập trung như ăn, nghỉ, vui chơi giải trí, Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Bến Tre còn quan tâm đến môi trường sinh thái, vệ sinh môi trường khu nghỉ dưỡng để chăm sóc về tinh thần cho người có công và tạo nên một cảnh quan môi trường thân thiện.
Với khuôn viên tập trung bố trí các loại cây cảnh thành một khu riêng biệt tạo thành một quần thể để xây dựng mô hình sinh vật cảnh. Bố trí các loại cây kiểng có sẳn như cây mai, cây lộc vừng… và các loại sứ cảnh, hoa giấy… còn tô điểm thêm các loại hoa như hoa dừa, hoa hoàng yến, hoa hồng, hoa mười giờ, các loại sen nhiều màu, súng, một mái che mát bằng các loại cây và hoa.
Để tạo thêm sự hài hòa, xung quanh Trung tâm cải tạo trồng lại cỏ hoàng lạc (cỏ đậu), cỏ Nhật và cây đinh lăng tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ. Trong khuôn viên được bố trí bàn ghế, bàn cờ, ấm trà và tạo các chòi cây xanh để người có công khi đến nghỉ dưỡng cảm nhận được sự thư thái, tâm hồn như đang đắm chìm vào cảnh sắc nên thơ của một bước tranh.
Chính những niềm vui, tình cảm của các cụ, các bác là động lực để cán bộ nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công Bến Tre tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, phát huy làm tốt hơn nữa công tác đền ơn, đáp nghĩa.