Nói về những khó khăn khó khăn hiện nay khi thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, ông Ngô Văn-Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam cho biết, khó khăn của đơn vị hiện nay là đối tượng quản lý, nuôi dưỡng đông, công tác tái hòa nhập cộng đồng gặp nhiều khó khăn trong khi đó nguồn nhân lực còn thiếu chưa được bổ sung. Số đối tượng già yếu, mắc các bệnh nền như: tiểu đường, viêm ganB, ung thư..., sa sút sức khỏe ngày một nhiều. Một số hạng mục công trình thiết yếu, trang thiết bị phục vụ đối tượng còn thiếu chưa được đầu tư; nguồn kinh phí sửa chữa lớn, chi hoạt động thường xuyên và kinh phí đặc thù của đối tượng chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế tại đơn vị. Gần đây, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động của đơn vị.
Trước những khó khăn đó, Trung tâm cũng những nhận được sự quan tâm của Sở chủ quản là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các phòng chuyên môn thuộc Sở luôn quan tâm, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chi ủy chi bộ, tập thể lãnh đạo Trung tâm và tinh thần trách nhiệm, tận tụy, đoàn kết của tập thể viên chức, người lao động đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị cho đối tượng.
Công tác quản lý đối tượng được chặt chẽ; an ninh trật tự trong đơn vị luôn đảm bảo ổn định; các hành vi chống đối, đập phá, đánh nhau hoặc bỏ trốn (1 trường hợp) khỏi Trung tâm... được can thiệp, xử lý kịp thời.
Bữa ăn đối tượng được phục vụ chu đáo, đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh An toàn thực phẩm. Chế độ ăn hàng ngày theo định mức: đối tượng người tâm thần đặc biệt nặng 1.080.000 đồng/người/tháng và người tâm thần đặc biệt nặng từ đủ 60 tuổi trở lên 1.440.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, trong các ngày Tết nguyên đán bổ sung thêm 500.000 đồng/1 người (nguồn kinh phí UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ Tết). Từ đầu năm đến nay các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 20 bữa ăn chính cho đối tượng.
Môi trường ăn, ở đối tượng luôn được sạch sẽ, thoáng mát; công tác thăm khám và điều trị được thực hiện hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử lý cắt cơn cho 80 lượt đối tượng, đưa 85 lượt đối tượng đi khám tại bệnh viện tuyến trên; 7 đối tượng điều trị dài ngày tại bệnh viện tỉnh (hiện nay còn 2 đối tượng đang điều trị tại bệnh viện).
Các hoạt động phục hồi chức năng được đơn vị thực hiện hiệu quả theo kế hoạch đề ra, bao gồm các hoạt động làm vàng mã, kẹp ba dây dính; sản xuất, chăn nuôi, thể dục thể thao, đọc sách báo... Đặc biệt, đã tổ chức thực hiện tốt các các hoạt động vui chơi, giải trí tạo không khí vui vẻ, đầm ấm trong các ngày Tết.
Đơn vị đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, kịp thời tuyên truyền phổ biến, quán triệt viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc Phương án phòng, chống dịch Covid-19 (thông điệp 5K của Bộ Y tế, triển khai thực hiện quét mã QR, cài đặt Bluezone); dọn vệ sinh, phun thuốc khử trùng nơi làm việc, khu vực ăn, ở đối tượng; hướng dẫn, bắt buộc đối tượng rửa tay, đeo khẩu trang hằng ngày; tổ chức cách ly 4 đối tượng về thăm gia đình khi trở lại Trung tâm; thông báo tạm dừng việc tiếp xúc, thăm gặp đối tượng; tạm dừng tiếp đón các đoàn từ thiện…
Theo đánh giá của ông Ngô Văn-Giám đốc Trung tâm, nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng ngày được nâng cao; môi trường làm việc, ăn ở, sinh hoạt của người bệnh khang trang, xanh, sạch, đẹp; hoạt động phục hồi chức năng được quan tâm thường xuyên giúp người bệnh ổn định sức khỏe, sớm hòa nhập cộng đồng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng, nhà nước cho viên chức, người lao động biết để kiểm tra, giám sát đã góp phần siết chặt kỷ cương, nề nếp tại đơn vị.