Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin: “Trong hơn 18 năm qua, đã có gần 120.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, trên 8.000 lượt người lao động sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IMJapan. Các chương trình đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, giúp nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đã có gần 90.000 người lao động tham gia 2 chương trình này về nước. Đây là lực lượng lao động có kinh nghiệm với nhiều ngành nghề khác nhau. Trong thời gian qua, Trung tâm lao động ngoài nước đã phối hợp tổ chức 62 Hội chợ và phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động từ Hàn Quốc trở về, để kết nối cung cầu lao động giữa người lao động đã về nước và các doanh nghiệp. Các Hội chợ và các phiên giao dịch việc làm này đã thu hút sự tham gia của gần 1.500 lượt doanh nghiệp và hơn 6.500 lượt người lao động, kết nối việc làm thành công cho gần 3.100 người lao động. Từ những hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm này đã giúp người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước tìm được việc làm ổn định và các DN kiếm được đúng nguồn lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Theo ông Phạm Thành Thái, Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội: “Qua thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản gần 5 năm, những người lao động này không chỉ có tay nghề cao, am hiểu tâm lý hai quốc gia phát triển, văn hóa doanh nghiệp nước ngoài, mà còn có ưu điểm lớn là biết tiếng bản địa. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích luỹ được, những lao động EPS và IM Japan sau khi về nước đã khởi nghiệp thành công, hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng còn có nhiều người lao động khác còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm của mình. Điều này trở thành một trong những lý do khiến nhiều lao động lo lắng khi sắp hết hạn hợp đồng về nước sẽ không tìm được việc làm ở quê hương, do vậy việc hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng”.
“Nhằm tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và du học sinh IM Japan của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận tìm được việc làm sau khi về nước, có thu nhập để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đồng thời nhằm động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm lao động ngoài nước tổ chức “Phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước”, và trao giải cuộc thi “Lao động EPS hồi hương thành công năm 2022”. Đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực, kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt, phiên giao dịch hôm nay có kết nối trực tuyến giữa các Sàn GDVL: Hà Nội, Bắc Ninh và Thanh Hóa”, ông Phạm Thành Thái nhấn mạnh.
Phiên GDVL có sự tham gia của 59 đơn vị, DN với tổng nhu cầu tuyển dụng là 4.235 chỉ tiêu. Riêng tại Hà Nội có 39 DN tham gia với 1.108 chỉ tiêu tuyển dụng. Các DN tuyển dụng tập trung chủ yếu ở những ngành ngề như: Kỹ thuật CNC, phiên dịch, thợ vận hành máy, công nhân sản xuất. Nhiều DN có vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản với nhu cầu tuyển dụng đa dạng cùng mức lương hấp dẫn, phù hợp với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan về nước. Những DN này tuyển dụng nhiều chỉ tiêu ở các vị trí: Quản lý, Kỹ thuậy CNC, kế hoạch sản xuất, phiên dịch – biên dịch, nhân viên kỹ thuật,...
Kết quả tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ cao nhất là 462/1.108 chỉ tiêu, chiếm 41,6%; trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật có 396/1.108 chỉ tiêu, chiếm 35,7%; lao động phổ thông 250/1.108 chỉ tiêu, chiếm 22,7%.
Ở phiên GDVL này, các DN đưa ra mức lương khá hấp dẫn để thu hút người lao động ứng tuyển. Cụ thể, mức lương 15 triệu đồng/tháng trở lên có 315 chỉ tiêu; mức lương 10 – 15 triệu đồng/tháng có 415 chỉ tiêu; mức lương 7 – 10 triệu đồng/tháng có 324 chỉ tiêu; 30 chỉ tiêu có mức lương 5 – 7 triệu đồng/tháng và 24 chỉ tiêu có mức lương thỏa thuận.