Nơi tình người còn mãi
Một buổi chiều cuối thu, trong cái không khí mát mẻ dễ chịu của tiết trời Hà Nội, tôi đã tới thăm Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (xã Thụy An, huyện Ba Vì). Thật không khó để có thể tìm đến được nơi đây vì ngay đầu con ngõ đã có tấm biển đơn vị to, rõ ràng.
Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội trực thuộc Sở LĐTBXH thành phố được thành lập năm 1966. Trung tâm có chức năng nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, trẻ em khuyết tật và trẻ em bị bỏ rơi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện đơn vị đang chăm sóc, nuôi dưỡng 340 đối tượng.
Bác Nguyễn Đình Tước cùng hai đối tượng trong phòng.
Tới thăm khu nuôi dưỡng người già và người khuyết tật, tôi dừng chân tại căn phòng đầu tiên của dãy nhà số 2, nơi cả 3 đối tượng trong phòng đều đang ngồi ngoài hiên hóng mát. Đôi mắt đượm buồn nhìn xa xăm, người đàn ông được cho là “chủ nhân của căn phòng”, bác Nguyễn Đình Tước, 77 tuổi, quê ở huyện Quốc Oai kể cho tôi nghe về những biến cố của cuộc đời và lý do khiến bác vào trung tâm ở. Cũng như những người đàn ông khác, bác Tước có một gia đình hạnh phúc với vợ và hai người con, một trai một gái. Tuy nhiên, năm 1990, trong một lần đi từ Hà Đông về Quốc Oai, vợ và hai người con đã bị tai nạn, tất cả đã bỏ bác mà đi. Gắng gượng vượt qua cú sốc đau thương, bác Tước sống lủi thủi một mình ở quê nhà. Năm 2006, do tuổi già sức khỏe yếu nên bác đã xin vào trung tâm ở. “Điều kiện thế mình ở nhà làm gì, có nơi có chốn đâu. Ở đây, môi trường sống hợp với tuổi già, không phải lo toan vấn đề ăn uống, sinh hoạt. Ngày 3 bữa cơm, có quà từ thiện, quá đầy đủ rồi. Hằng ngày, mình còn rèn luyện thể dục thể thao kéo dài tuổi thọ”, bác Tước tâm sự.
Chỉ tay về phía đối tượng cùng phòng đang ngồi bên cạnh, bác Tước cho biết, anh tên Nguyễn Văn Hùng, không có quê quán, gia đình. “Khi tôi vào thì nó đã ở đây rồi. Nó không biết cái gì, ăn uống sinh hoạt phải có người chỉ bảo, thúc giục. Ở A2 này, tôi là A trưởng, hỗ trợ CBCNV trong vấn đề đôn đốc các đối tượng khác sinh hoạt và ăn uống”, bác Tước chia sẻ.
Hay như đối tượng Nguyễn Văn Nghĩa, hơn 40 tuổi, bị thần kinh, tay đang cầm cái bánh gạo được đoàn từ thiện cho ăn ngon lành. Bác Tước cho biết: Cứ mùa hè thì Nghĩa bình thường nhưng đến mùa đông thì bệnh tình tăng lên, có lúc điên, quát tháo, đánh đập, thậm chí ngay bản thân tôi trông nó, nó cũng đánh. Hằng ngày, cán bộ y tế cho uống thuốc đều đặn, nhưng được cái Nghĩa ăn uống rất khỏe, gấp đôi người khác, ăn ngủ tốt. Nếu bình thường không lên cơn, bảo xách cho ông xô nước hay làm gì thì Nghĩa vâng dạ làm ngay nhưng đến mùa đông lên cơn thì kể cả cán bộ cũng sợ. Hoàn cảnh của Nghĩa cũng đáng thương. Bố mẹ đã mất, còn anh chị một năm lên thăm em chừng hai lần.
Cô bé Dương Thị Phương Thảo, 19 tuổi, quê ở xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì ở dãy nhà A1 cũng tỏ ra rất vui khi tôi trò chuyện. Thảo cho biết, sinh ra, em đã bị khuyết tật vận động, năm 14 tuổi do hoàn cảnh khó khăn, gia đình đã đưa em vào đây. “Sinh hoạt ở đây cũng vui cô ạ, nhất là khi có những cô chú đoàn từ thiện đến thăm. Em rất muốn về nhà nhưng do hoàn cảnh nên bố mẹ em chưa thể đón em về. Thỉnh thoảng, khi có công việc tiện qua đây hoặc vào lúc cuối tuần, anh trai cũng đến thăm hoặc đón em về”, Thảo bộc bạch tâm sự.
Chúng tôi rời khu nuôi dưỡng người già tới thăm khu nhà trẻ và quả thật, tâm trạng tôi đã trùng xuống. Tôi không thể tưởng tượng được cảnh hơn hai chục đứa trẻ ở nhà trẻ số 1 đang được các hộ lý đưa ra sân ngồi hóng mát. Đứa thì bại não, nằm co quắp chân tay, đứa thì ngồi đầu gật gật liên hồi, chừng 7-8 đứa đang được ngồi trên những chiếc xe tập ngồi. Hầu hết các em đều bị bỏ rơi khi vừa mới được sinh ra với thân hình tật nguyền, trí não không bình thường.
Hộ lý Nguyễn Thanh Thủy đang chăm sóc các trẻ khuyết tật.
Hộ lý Nguyễn Thanh Thủy, đang chăm sóc các trẻ chia sẻ: Tổ em chăm sóc 21 cháu bại não, bại liệt co quắp chân tay, không đi lại được. Ở đây, các cô đều chăm sóc chu đáo, coi các cháu như con mình. Vừa nói, chị vừa lấy tay trở người cho cô bé Nguyễn Thị Thu Hường đang nằm co quắp trên chiếc chiếu dưới sân. Khó ai có thể hình dung được Hường hơn 20 tuổi nhưng chân tay teo tóp, co quắp trong hình dáng một đứa trẻ. Cạnh đó là em Nguyễn Thị Nhung, người đang ngồi chưa vững và liên tục cúi gật đầu.
Chị Nguyễn Thị Mùi với công việc hằng ngày chăm sóc các trẻ tại trung tâm.
Sang tới nhà trẻ số 2 bên cạnh, cảnh tượng cũng không khác gì mấy. Chị Nguyễn Thị Mùi, người đã có quãng thời gian 22 năm gắn bó với đám trẻ này cho biết: Các em ở đây không được khỏe mạnh và bình thường như con nhà mình. Nhà trẻ số 2 của chị hiện đang chăm sóc 22 trẻ bị liệt, mù, bị não... nên mọi sinh hoạt của các em là tại chỗ, cần người chăm sóc 24/24h. Hầu hết các em đều bị bỏ rơi khi mới lọt lòng, có em mẹ để tại tên tuổi, còn có em chưa được đặt tên. Các chị tìm những cái tên thật ý nghĩa đặt cho các con với mong muốn cuộc đời của các con có nhiều hy vọng mới như Nguyễn Nhật Mai, Nguyễn Bình An, Nguyễn Văn Tuấn...
Chỉ tay về phía cậu bé đang nằm ngủ trên chiếc giường sắt có thành cao, chị Mùi tâm sự: Cháu tên Nguyễn Nhật Mai, bị bại não, mù cả hai mắt. Mai bị bỏ rơi ở bệnh viện khi mới được sinh ra. Hiện em đã 10 tuổi, song có điều đặc biệt, ban ngày thì em ngủ và khi màn đêm buông xuống, Mai lại thức và quậy phá, lọ mọ bò đi khắp các xó xỉnh.
“Chăm sóc vất vả lắm. Một buồng 22 cháu có 5 cô chăm sóc, tất cả từ mọi việc ăn uống, tắm, vệ sinh... Có cháu 1 miếng cháo 4-5 lần mới nuốt được một tí hoặc phì hết vào mặt các cô. Thậm chí, vệ sinh không làm chủ được, bôi bẩn vào mặt, vào người”, chị Mùi chia sẻ.
Còn nhiều khó khăn cần sự chung tay của cộng đồng
Ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm của UBND thành phố, của cộng đồng xã hội, công tác chăm sóc nuôi dưỡng có nhiều thuận lợi, chế độ chính sách đảm bảo, chất lượng chăm sóc của trung tâm ngày càng tốt hơn. Trung tâm đã phân công trách nhiệm cụ thể cho đội ngũ cán bộ nhân viên. Trong 3 tháng trở lại đây, các tổ, phòng xây dựng kế hoạch tuần, tháng, bám sát thực hiện nhiệm vụ. Đối với đội ngũ cán bộ nhân viên, đã được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định, đặc biệt là những người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng được hưởng phụ cấp đặc thù 70% nên vừa động viên, vừa nâng cao trách nhiệm người lao động trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong tổng số 340 đối tượng nuôi dưỡng được chia làm 2 mảng là nuôi dưỡng người già và người khuyết tật do Phòng Y tế trực tiếp quản lý và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật do Phòng PHCN quản lý. Hằng ngày, căn cứ vào tiêu chuẩn, độ tuổi, bệnh tật, trung tâm xây dựng chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đối tượng ăn ngon và hết tiêu chuẩn. Trong công tác y tế, trung tâm duy trì khám, điều trị và phòng ngừa bệnh tật, vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức vệ sinh chung trong toàn đơn vị.
Bên cạnh đó, hằng ngày, trung tâm thực hiện công tác vật lý trị liệu như xoa bóp, bấm huyệt, tập đi, tập đứng, tập nhận biết cho trẻ tàn tật theo lịch trình từ 10-15 cháu/ngày, góp phần nâng cao sức khỏe. Đối với người khuyết tật, hằng ngày, có từ 40-45 người được tập luyện PHCN trong khoảng thời gian từ 1-2 giờ, ngoài ra các đối tượng còn được xem ti vi, tập dưỡng sinh. Duy trì lớp học mẫu giáo cho 12 trẻ bị bỏ rơi để rèn luyện, giáo dục cho các cháu kỹ năng sống, học tập và giao tiếp. Phối hợp với tổ chức thiện nguyện tổ chức lớp học kỹ năng sống cho 25 trẻ khuyết tật, qua đó giúp các cháu có kỹ năng tự phục vụ các hoạt động cá nhân trong cuộc sống hằng ngày.
Trung tâm hiện đang chăm sóc nuôi dưỡng hơn 170 trẻ, trong đó nhiều em bị bại não, bại liệt, khuyết tật đặc biệt nặng.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang, cán bộ Phòng Tổ chức hành chính cho biết: Công tác chăm sóc nuôi dưỡng gặp nhiều khó khăn do đối tượng đa dạng, đều là người khuyết tật đặc biệt nặng. Trong số 165 đối tượng người già và người khuyết tật, thì có gần 40 người sinh hoạt hằng ngày phụ thuộc hoàn toàn vào CBCNV từ tắm giặt, vệ sinh, ăn uống... “Chị thông cảm, có những người mình vừa mới dọn phòng, vệ sinh cho người ta xong, có khi chưa đi ra khỏi khu ở thì đối tượng lại phóng uế mất vệ sinh bừa bãi, do đó công tác chăm sóc rất vất vả”, chị Trang chia sẻ.
Đối với bộ phận nhà trẻ, hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 170 cháu, được chia thành 8 nhà trẻ, trong đó có 1 nhà trẻ nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, là các con có độ tuổi dưới 3 tuổi, khi cần thiết có thể để các con tới 4 tuổi. Còn lại 7 nhà trẻ nuôi dưỡng trẻ khuyết tật chia theo độ tuổi, dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
Trong tổng số đối tượng được chăm sóc nuôi dưỡng, rất ít người có gia đình, người thân, gần như phó mặc cho đơn vị. Trong số hơn 170 trẻ được nuôi dưỡng thì có một số rất ít các con có gia đình. Và trong số các con có gia đình, thì chỉ có khoảng 3-4 con thường xuyên được bố, mẹ, người thân đến thăm nom hoặc đón về nhà mỗi dịp lễ, tết hay khi gia đình có công việc. “Khi đi viện, đề nghị gia đình phối hợp nhưng họ không có thái độ hợp tác. Thậm chí, khi các con ốm gần về cõi bên kia, trung tâm gọi không biết bao nhiêu cuộc điện thoại mời gia đình đến mà họ cũng không quan tâm. Cũng có gia đình phối kết hợp trong công tác chữa bệnh nhưng khi người thân mất họ không đưa về địa phương mai táng mà để cho trung tâm thực hiện nhiệm vụ này. Họ cho rằng, đấy là việc của trung tâm. Có những cháu gần 30 tuổi, khi lên đây, khoảng 10 năm đầu gia đình còn đến thăm, từ đấy trở đi không lên thăm nữa”, chị Trang chia sẻ.
Thêm vào đó, với số lượng biên chế 98 cán bộ nhân viên, so với quy định chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc 340 đối tượng, nhất là với đặc thù nhiều đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng, bại não, nằm liệt giường.
Chúng tôi rời Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội khi trời đã xế chiều. Hình ảnh các cụ già, em nhỏ, những phận đời mong manh như những chiếc lá chơi vơi cứ ám ảnh mãi tôi suốt quãng đường trở về. Tự hứa với lòng mình, khi có điều kiện trốn những lo toan, bộn bề của cuộc sống thường ngày, tôi sẽ trở lại thăm nơi đây lần nữa...
Phạm Lan Hương/GĐ&TE