Ngày 11/5, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Bình Phước.
Cùng đi với đoàn có Cục trưởng Cụ Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi; Phó Cục trưởng Cục việc làm Tào Bằng Huy cùng lãnh đạo các đơn vị tham dự.
Đã chi trả được 72,9% tổng số đối tượng
Báo cáo với Đoàn công tác về tình hình chi trả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính Phủ đến với các đối tượng lao động tự do bị mất việc do dịch bệnh Covid-19, bà Huỳnh Thị Thùy Trang - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước cho biết, đối với đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công tính đến hết ngày 10/5/2020, toàn tỉnh đã chi được 72,9% trên tổng số đối tượng; 69,79% trên tổng số kinh phí hỗ trợ đối với đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội và người có công.
Cụ thể, chi hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội: 24.482 lượt chi (bảo trợ xã hội chi theo người, nghèo và cận nghèo chi theo hộ) với số tiền 38.315.825.000 đồng, đạt 70,93% trên tổng số đối tượng và 66,67% trên tổng kinh phí. Với đối tượng nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội còn lại các địa phương đang tiếp tục thông báo, tổ chức chi trả tại các điểm; các địa phương đang tập trung, nỗ lực thực hiện, hoàn thành chậm nhất 13/5/2020.
Chi hỗ trợ cho người có công: 4.451 người với 6.676.500.000 đ, đạt 95,4%, việc chi trả cơ bản hoàn thành, còn lại một số trường hợp chưa đến nhận (do không có mặt ở địa phương, đang điều trị bệnh….). Những trường hợp này các xã, phường, thị trấn sẽ cử người đến tận nhà để trực tiếp trao tiền hỗ trợ, hoàn thành chậm nhất 15/5/2020.
Đối với người bán vé số, trong đợt 1, toàn tỉnh đã chi 1.699.670.000 đồng, đạt 76% tổng số tiền được phê duyệt, hoàn thành đợt 1 trước 14/5/2020.
Trong đợt 2, danh sách đã được các địa phương tổng hợp, đang được công ty TNHH MTV Dịch vụ tổng hợp xổ số kiến thiết tỉnh Bình Phước rà soát, thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; thời gian bắt đầu tổ chức chi trả là 18/5/2020, hoàn thành 22/5/2020.
Đối với các đối tượng khác, như người lao động không có giao kết hợp đồng lao động: UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, yêu cầu trình danh sách đề xuất hỗ trợ theo đúng quy định. Các địa phương đang khẩn trương thực hiện, đến 22/5/2020 sẽ hoàn thành chi trả hỗ trợ đối với danh sách tổng hợp đợt 1.
Với người lao động bị mất việc làm không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động bị ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động không trả lương: UBND các xã, phường, thị trấn đã tổ chức, phân công bộ phận phụ trách, rà soát, tiếp nhận, xác nhận hồ sơ đề nghị; tuy nhiên, đến nay chưa nhận được hồ sơ đề nghị.
Đối với hộ kinh doanh cá thể: các địa phương đang rà soát, hướng dẫn hộ kinh doanh hoàn tất hồ sơ để tổng hợp lập danh sách, đợt 1 sẽ trình danh sách trước ngày 15/5/2020, bắt đầu chi trả từ 30/5, hoàn thành chi trả trước ngày 5/6/2020.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Phước bày tỏ, hiện nay các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Còn việc cho vay chỉ để trả lương cho người lao động thì còn nhiều doanh nghiệp chưa muốn vay.
Tại buổi làm việc, Đại diện Sở Tài Chính Bình Phước thông tin, hiện nay số tiền chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đều ứng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Sẽ hoàn thành việc chi trả trước 25/5/2020
Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao sự chủ động và chuẩn bị kế hoạch chặt chẽ các bước thực hiện rà soát và chi trả tiền hỗ trợ của Chính phủ kịp thời, đúng đối tượng, chi trả đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Tại buổi làm việc, bà Trần Tuyết Minh - Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định, UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tổ chức triển khai và hướng dẫn đến các Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại các huyện, thị xã, thành phố thực hiện cho vay theo quy định; phối hợp cùng Ban quản lý khu kinh tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh thẩm định đối tượng là người lao động, doanh nghiệp được hỗ trợ.
Tại các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị và 111 xã, phường, thị trấn phối hợp từ giai đoạn lập hồ sơ, rà soát tránh trùng lắp, trình phê duyệt danh trách, triển khai chi trả đảm bảo đầy đủ, kịp thời, không sai sót.
Trên cơ sở hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi thực hiện đến nay, các huyện, thị xã, thành phố và 111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các hoạt động giám sát theo hướng dẫn.
"Trong thời gian tới, Bình Phước sẽ tổ chức truyền thông và triển khai nhanh hơn công tác chi trả cho người dân. Chúng tôi sẽ triển khai nhanh chóng, kịp thời, không để ai bị bỏ sót, tuyệt đối không để xảy ra trục lợi chính sách", bà Minh khẳng định.
Tuy nhiên, theo bà Minh hiện nay vẫn còn những khó khăn như: do số lượng đối tượng được hỗ trợ lớn, các đối tượng được hưởng từ hai chính sách trở lên khá nhiều nên việc rà soát, chống trùng lắp mất nhiều thời gian. Việc triển khai thực hiện chưa có tiền lệ nên trong quá trình tổ chức đôi lúc còn lúng túng, dẫn đến thời gian thẩm định, trình phê duyệt chưa kịp tiến độ.
Trong việc rà soát, tổng hợp đối tượng, đặc biệt là lao động không có giao kết hợp đồng, xuất hiện những trường hợp không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo hướng dẫn, UBND cấp tỉnh quyết định các đối tượng được hỗ trợ khác ngoài các đối tượng được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quyết định 15/QĐ-TTg, tuy nhiên hiện nay nguồn ngân sách của tỉnh và các nguồn huy động của địa phương còn hạn chế, nên gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ cho tất cả đối tượng này.
Từ những khó khăn trên, lãnh đạo tỉnh Bình Phước kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cần có hướng dẫn thêm về việc xác định đối tượng là người lao động không có hợp đồng lao động ngoài những đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 điều 7 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg như: Người lao động làm việc trong hộ kinh doanh; người lao động nấu ăn trong các trường học mầm non, tiểu học.... công lập, giáo viên các trường tư thục; lao động cho các hộ gia đình không phải là hộ kinh doanh (không nộp thuế); chủ cửa hàng hớt tóc; người làm việc trong các tiệm hớt tóc; người lao động lái xe vận tải, xe chở khách bị mất việc làm; thợ xây, thợ sắt…