TNXP Truông Bồn, ngày học văn hóa đêm san lấp hố bom.
Nghệ An là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến, là cửa ngõ vào Quân khu IV, địa bàn triển khai lực lượng trước khi bước vào chiến đấu. Nằm trên vùng tuyến lửa Khu IV, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, Truông Bồn trở thành một trọng điểm đặc biệt quan trọng trên mặt trận giao thông vận tải. Với tầm nhìn chiến lược, chúng ta đã kịp thời xây dựng tuyến đường chiến lược và tranh thủ mọi lực lượng, thời gian, vận dụng mọi khả năng vận tải đi qua Truông Bồn để chi viện kịp thời cho các chiến trường.
Bộ đội và TNXP Truông Bồn họp bàn phương án san lấp hố bom.
Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có độ dài khoảng 5km, độ cao gần 70m, trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, hay còn gọi là đường 30, chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.
Bởi vị trí hết sức quan trọng về mặt quân sự, nên nơi đây đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ từ cuối năm 1965, nhất là từ đầu năm 1967 đến tháng 10/1968. Sau khi đánh phong tỏa và hủy diệt các đầu mối giao thông vận tải qua địa bàn Nghệ An bằng cách đánh tắc cầu Cấm và các bến vượt phía ngoài Vinh, "bịt" Bến Thủy, Mỹ đã dùng một lực lượng không quân khổng lồ với nhiều thủ đoạn nham hiểm đánh vào trọng điểm Truông Bồn hòng phong tỏa tuyệt đối tuyến đường chi viện vào Nam qua địa bàn Nghệ An.
Thanh niên xung phong Truông Bồn lấp hố bom.
Đặc biệt, trong 7 tháng ném bom hạn chế (từ tháng 4 đến tháng 10/ 1968), khi các tuyến đường thủy, đường sắt bị địch phong tỏa, đường 1A, đường 7 bị địch tập trung đánh phá ác liệt và khống chế thì Truông Bồn trở thành “yết hầu” giao thông, nơi duy nhất để các tuyến hàng vượt qua địa bàn Nghệ An, tiến vào Ngã ba Đồng Lộc, rồi từ đó tạo lập chân hàng cho tuyến đường Trường Sơn vào Nam và sang nước bạn Lào. Có thể nói, chưa bao giờ vùng đất Đô Lương nói chung và vùng Truông Bồn nói riêng phải trải qua những thử thách ác liệt như thời kỳ giặc Mỹ "ném bom hạn chế". Chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 10/1968, địch đã ném xuống Truông Bồn hơn 2.692 quả bom các loại... Truông Bồn vừa là điểm ghi tội ác của đế quốc Mỹ, đồng thời là điểm ghi dấu sức chiến đấu và sự hi sinh oanh liệt của quân và dân ta.
Nhân chứng sống duy nhất Trần Thị Thông.
Trong những năm tháng khói lửa ấy, núi Cột Cờ, dốc Kỳ Lợn, đồi Si, đồi Lạn… trên tuyến đường 15A đã ghi sâu tội ác của kẻ thù. Khẩu hiệu “Vì miền Nam ruột thịt”; “Đường chưa thông không tiếc máu xương” đã đi vào tiềm thức của tất cả mọi người, tạo thành một xung lực mạnh mẽ thôi thúc họ chiến thắng bom đạn của kẻ thù. 5 tháng chiến đấu chống “ném bom hạn chế” của đế quốc Mỹ là thời gian quân dân xã Mỹ Sơn, các lực lượng ở Truông Bồn đã huy động tất cả những gì có thể để đảm bảo thông đường, chống ùn tắc, từ những “cọc tiêu sống” của Tiểu đội cảm tử 14 TNXP thuộc Đại đội 317, đến sử dụng những đoàn xe thồ, những phương tiện vận tải thô sơ nhất để vận chuyển hàng hóa, vũ khí… Vẫn còn đó những cái tên như tiểu đội TNXP phá bom cảm tử do Nguyễn Tâm Cớn chỉ huy, và đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ TNXP Đại đội 317 - Đội 65, ngày 31/10/1968, đã khắc sâu trong tâm trí của các thế hệ hôm nay và mai sau!
Phối cảnh khu di tích lịch sử Truông Bồn trong tương lai.
Cựu TNXP Trần Thị Thông, người sống sót duy nhất ở Truông Bồn ngày đó, giờ sống một cuộc đời thầm lặng tại phường Đông Vĩnh, Tp Vinh, nhớ lại: “Nhận được lệnh, chị em TNXP quyết tâm hết sức khẩn trương mở đường. Đến 6 giờ 10 phút cùng ngày, khi công việc đã sắp hoàn thành theo kế hoạch thì bất ngờ máy bay Mỹ đã ầm ào lao tới và trút bom xuống, nhấn Truông Bồn chìm trong biển trời khói lửa. Lúc nớ nỏ biết chi, tỉnh lại thấy nằm trong nhà mẹ Thợm, sau ra ngoài thấy nát tan, đau lắm…!!!”.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo bộ ngành và địa phương, cắt băng khánh thành Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong tại Truông Bồn.
Địa danh Truông Bồn đã được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 51/QĐ-BT ngày 12/01/1996, của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin; được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn, thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An (trong đó 13 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh) tại Quyết định số 1340/QĐ-CTN ngày 23/9/2008.
Với ý nghĩa to lớn đó, ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1591/QĐ.UBND-CNXD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồ#n, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Và cùng với tỉnh Nghệ An, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đầu tư một số hạng mục công trình nhằm phát huy truyền thống TNXP tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn.
Bia tưởng niệm liệt sỹ Truông Bồn.
Hiện nay, Khu di tích đã hoàn thành một số hạng mục chính: Nhà che mộ 13 liệt sỹ, Khu tưởng niệm, khu Đài chiến thắng, sân vườn, hệ thống điện, thoát nước, nhà đón tiếp khách, nhà bán hàng lưu niệm, nhà dịch vụ (phía Nam), nhà dịch vụ (phía Bắc), nhà Ban quản lý khu di tích,…
Chiến tranh đã lùi xa. Cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “tọa độ chết” năm xưa. Truông Bồn ngày nay tràn đầy sức sống và là nơi chứa đựng biết bao huyền thoại thiêng liêng, cao cả.