Trường Giáo dục – Đào tạo và Giải quyết việc làm 3 tại Bình Dương nằm giữa những cánh rừng cao su, có hồ nước ngọt rộng nhiều ha, lọt thỏm giữa những khu đồi thơ mộng, được trang điểm thêm bởi dòng sông Bé chảy len lỏi sát một bên. Tiếp chúng tôi trong bữa cơm chiều với các món được giới thiệu là cây nhà lá vườn, anh Nguyễn Chí Công, Phó Giám đốc nhà trường cho biết: Ngày đầu mới thành lập, chuyện hậu cần ăn uống trong đơn vị là vấn đề khá rắc rối, vì cán bộ đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam, khẩu vị rất khác nhau. Cho đến khi, công tác cùng nhau lâu năm, cán bộ nảy sinh tình cảm rồi nên vợ nên chồng thì mọi chuyện mới được giải quyết.
Quang cảnh chung của Trường rất sạch và đẹp
Ngày làm việc ở Trường bắt đầu từ 6 giờ sáng với tiếng kẻng báo thức vang rền. Nhưng thực ra công việc ở đây hoàn toàn không mang tính thời gian mà thường là anh em giải quyết việc 24/24 giờ.
Trường Giáo dục Đào tạo và Giải quyết việc làm số 3, tiền thân là Trung tâm Giáo dục và Phát triển kinh tế mới quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh được thành lập ngày 10/11/1999, theo quyết định của UBND Tp.Hồ Chí Minh, có chức năng nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị, quản lý giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho học viên cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Cán bộ ở đây là những người tình nguyện và đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Thời điểm hiện nay, Trường có quy mô tiếp nhận và quản lý khoảng 2.000 học viên. Quân số quản lý thường xuyên từ năm 2011- 2016 là 929 người/năm. Đơn vị đã tiếp nhận mới 2.240 học viên, giải quyết chuyển sau cai về nơi cư trú cho 2.215 lượt người, giải quyết tái hòa nhập cộng đồng cho 210 người sau cai - trong đó 176 trường hợp tái hòa nhập cộng đồng về địa phương; 23 trường hợp tái hòa nhập cộng đồng về cụm công nghiệp Nhị Xuân.
Đơn vị thực hiện việc phân loại, sắp xếp bố trí nơi ở của học viên theo nội dung kế hoạch số 23/KH-TR3, ngày 11/3/2011 của Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP về kế hoạch thực hiện chuyên môn hóa quản lý đối tượng tại Trường. Gồm các tiêu chí phân loại như độ tuổi, sức khỏe, nghiện lần đầu, tái nghiện, nghiện nhiều năm (đối tượng loại 2); đối tượng tiền án, cá biệt (đối tượng loại 3), người sau cai nghiện, loại hình lao động. Trường bố trí, sắp xếp học viên, người sau cai nghiện thành 4 đội quản lý, mỗi đội bố trí thành 10 tổ, mỗi tổ từ 20 đến 22 học viên. Đội Quản lý học viên (QLHV) số 1, tham gia các loại hình hoạt động như điện nước, gia công hàng mây tre đan, chăn nuôi heo, phục vụ hậu cần, làm mộc, học văn hóa, học nghề. Đội QLHV số 2, tham gia các loại hình hoạt động như huấn luyện học viên nhập mới, học chuyên đề, học văn hóa, phục vụ hậu cần, nuôi gà, nuôi cá, nuôi dê, nuôi bò, gia công hàng mây tre đan, hàng khuyến mãi. Đội QLHV số 3, tham gia các loại hình hoạt động phục vụ hậu cần, gia công hàng mây tre đan, hàng khuyến mãi, nông nghiệp, trực sinh hoạt cơ quan, xây dựng, học văn hóa, học nghề. Đội QLHV số 4, tham gia các loại hình hoạt động phục vụ hậu cần, gia công hàng mây tre đan, trồng rau xanh, đội văn nghệ, xây dựng, cảnh quan, học văn hóa, học nghề...
Các học viên tham gia trải nghiệm học nghề đan lát
Một học viên đang cẩn thận luồn từng sợi nhựa giả mây, đan ghế xích đu cho chúng tôi biết, nhà anh ở quận 6, Tp Hồ Chí Minh, hiện anh đang học đan ghế nhựa. Học nhưng vẫn có tiền, mỗi chiếc ghế được trả công 20 ngàn đồng, nếu ngày làm được 2 cái, tháng anh cũng có hơn triệu đồng. Số tiền này được chuyển thẳng vào tài khoản riêng của anh do Trường mở. Nhiều học viên làm quen và giỏi có thể có thu nhập trên 2-3 triệu đồng/tháng từ chính bài học của mình - lao động trị liệu tại trường. Ngoài ra ở đây còn có các học viên thuộc diện người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, được Tp.Hồ Chí Minh đưa vào chữa bệnh, cai nghiện. Mỗi học viên loại này được chi một khoản tiền hàng tháng cho các nhu cầu cơ bản. Các học viên mới, vài tháng sau cai được ra làm việc ban đầu, học viên đều rất bất ngờ về khoản thu nhập này, không nghĩ mình hoạt động trị liệu mà lại có tiền. Cùng với sự hỗ trợ của Thành phố, số tiền học viên kiếm được hàng tháng đủ trang trải, cải thiện cuộc sống của chính mình khi không được gia đình thăm nom. Có học viên tâm sự khi trở lại xã hội anh sẽ mở một điểm sửa chữa xe kiếm sống vì anh đã học được cơ bản về sửa chữa xe gắn máy.
Các học viên tham gia sinh hoạt tập thể
Trong những năm qua, các cán bộ nhà trường luôn quan tâm sâu sát, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho học viên, người sau cai. Công tác quản lý, theo dõi, cập nhật, bảo quản, bảo dưỡng hồ sơ quản lý, công tác xét duyệt chuyển quản lý sau cai nghiện cho học viên, tái hòa nhập cộng đổng cho người sau cai được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, khoa học, chính xác, đúng tiến độ tạo được lòng tin và tâm lý an tâm cho học viên và gia đình học viên, người sau cai.
Ngoài ra công tác dạy văn hóa, dạy chuyên đề được tổ chức thường xuyên đảm bảo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, có nền nếp, chất lượng dạy và học được nâng cao, các hoạt động văn thể mỹ, chăm lo đời sống tinh thần được chú trọng tạo được sự đồng thuận trong học viên, người sau cai và thân nhân học viên, người sau cai. Công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh được thực hiện tốt không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh và tử vong tại đơn vị. Riêng công tác tài chính luôn đảm bảo chặt chẽ và đúng quy định Nhà nước./.