Ngày càng có nhiều học sinh lựa chọn học nghề
Kết thúc đợt xét tuyển đại học lần thứ nhất năm 2023, 66% thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đăng ký nguyện vọng xét tuyển, 34% còn lại chọn học cao đẳng, trung cấp nghề, du học hoặc tham gia các khóa đào tạo tại chỗ của doanh nghiệp để đi làm ngay.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LÐ-TB&XH), năm 2022, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước tuyển sinh ước đạt 2.448.000 người.
Trong đó, số người học cao đẳng khoảng 236.000 người, tăng hơn 10% so với năm trước. Trình độ trung cấp là 312.000 người. Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác tuyển được 1,9 triệu người.
Theo thống kê, con số gần 2,45 triệu người học nghề trong năm 2022 là cao nhất kể từ năm 2018 đến nay. Dự kiến trong năm 2023, Bộ LÐ-TB&XH đặt mục tiêu tuyển sinh được khoảng 2,6 triệu học viên học nghề (tăng hơn 150.000 người so với năm 2022).
Trao đổi với các học sinh trường nghề, đa phần các em cho biết, chọn học trường nghề vì thứ nhất học lực của em không đủ để đỗ các trường đại học top đầu, nếu học trường đại học làng nhàng ra trường không xin được việc phải đi chạy Grab hoặc bán hàng siêu thị/ quán cà phê thì uổng công ăn học 4 năm; thứ hai học phí trường nghề không quá cao, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, thời gian học lại ngắn, các em có thể nhanh chóng ra trường đi làm đỡ đần cha mẹ; thứ ba, hầu hết các tỉnh, thành đều có trường nghề nên các em không phải đi học xa nhà, không cần phải ở trọ, có thể tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho gia đình.
Còn các phụ huynh, hiện nay nhiều người cũng lựa chọn cho con học nghề thay vì phải cố gắng chọn một trường đại học. Anh Tuấn Minh - một phụ huynh ở quận Long Biên, Hà Nội cho biết: Tôi và con cùng thống nhất cháu sẽ học nghề, vì qua thực tế, tôi thấy rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường vẫn chưa chắc tìm kiếm được một công việc phù hợp, đúng chuyên môn; trong khi tỷ lệ sinh viên học nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là rất cao. Với việc chọn trường nghề, tôi hy vọng con có thể nhanh chóng có được một công việc phù hợp với thu nhập ổn định.
Khác với anh Tuấn Minh, chị Kim Thanh cho con học trung cấp nghề chỉ đơn giản vì thời gian học ngắn, con chị có thể sớm đi làm phụ giúp gia đình. Ðiều kiện kinh tế gia đình chị khá khó khăn nên ngoài lựa chọn học nghề thì cũng không thể có lựa chọn nào khác khả thi hơn.
Đảm bảo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp
Chia sẻ với báo chí, TS. Nguyễn Duy Ðô, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cho biết, nhà trường hiện tuyển sinh 34 ngành với khoảng 1.000 chỉ tiêu. Ở hầu hết các ngành, trường đều cam kết bố trí việc làm.
Ðể bố trí việc làm cho khoảng 1.000 sinh viên mỗi năm, trường liên kết với hơn 200 doanh nghiệp. Dựa vào vị trí việc làm và yêu cầu của doanh nghiệp, trường lựa chọn sinh viên đến thực tập trong thời gian đào tạo, lương thực tập từ 4-7 triệu đồng/ tháng.
“Sinh viên thực tập ở doanh nghiệp nào thường sẽ vào làm việc tại đó sau khi nhận bằng. Lương khởi điểm khi đó cao gấp 1,5 lần so với thời gian thực tập, dao động từ 7-10 triệu đồng”, TS. Nguyễn Duy Ðô chia sẻ. Riêng ngành Quản trị nhà hàng, khách sạn, Kỹ thuật chế biến món ăn hay Công nghệ kỹ thuật ô tô, sinh viên có cơ hội thực tập ở nước ngoài 6 tháng đến 1 năm, nhận lương 12-15 triệu đồng/ tháng.
Ðến tham quan và làm việc với Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, chị Trịnh Kiều Linh, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính nhà trường chia sẻ với phóng viên: Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã và đang thực hiện chương trình đào tạo với phương châm “Thực học, Thực hành, Thực nghiệp”, phù hợp với xu thế phát triển của doanh nghiệp nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động hiện nay.
Giai đoạn hiện tại, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ tập trung đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực: Cơ khí, Ðiện - Ðiện tử, Tự động hóa, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin… dựa trên 03 “trụ cột”: Kỹ năng nghề nghiệp; Khả năng sử dụng ngoại ngữ; Tư duy và tác phong làm việc chuyên nghiệp, tích cực. Trong đó, về đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, trên 80% tiết học của nhà trường sử dụng phương pháp giảng dạy tích hợp (lý thuyết gắn với thực hành) với trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, kết nối đồng bộ với thiết bị của doanh nghiệp; phòng học thực hành mở cửa 24/24 để sinh viên khai thác, tự học, tự nghiên cứu. Từ đó, từng bước hướng tới mô hình giáo dục thông minh, tiệm cận phương pháp học tập hiện đại của nhiều nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Ðể đảm bảo các sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề đã học với thu nhập ổn định, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ luôn xác định việc hợp tác, kết nối với doanh nghiệp là giải pháp quan trọng và bền vững trong vấn đề giải quyết việc làm. Nhà trường xây dựng mối quan hệ thân thiết với hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, chủ yếu ở các quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài học nghề, các sinh viên còn được đào tạo ngoại ngữ chuyên sâu, được cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, được cấp học bổng, được thực tập trực tiếp tại doanh nghiệp và có cơ hội trở thành nhân viên chính thức ngay sau khi tốt nghiệp.
Mặt khác, bên cạnh việc đào tạo kỹ năng nghề và tăng cường ngoại ngữ, nhà trường cũng chú trọng giáo dục kỹ năng mềm và văn hóa ứng xử trong môi trường doanh nghiệp cho các bạn sinh viên thông qua các hoạt động team building, thuyết trình, tư duy phản biện…
Với phương pháp giáo dục thông minh và linh hoạt, kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực học, thực hành và thực nghiệp, trên 95% sinh viên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã có việc làm đúng chuyên môn với mức thu nhập thậm chí còn cao hơn sinh viên tốt nghiệp đại học.
Với sự đầu tư mạnh mẽ trong xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo, các trường cao đẳng/ trung cấp nghề ở Việt Nam hiện nay ngày càng hấp dẫn giới trẻ.
Tuy nhiên, để thực sự hiểu rõ hơn về trường nghề, tốt nhất các bậc phụ huynh nên cùng con tham khảo website và fanpage của các trường trước khi đến tham quan thực tế khu giảng đường, nhà xưởng thực hành cũng như tham khảo các chương trình giảng dạy và cam kết đầu ra của các trường cao đẳng/ trung cấp nghề. Có đến tận nơi, tận mắt chứng kiến, bạn mới biết được rằng đào tạo nghề ở Việt Nam hiện nay đã khác xưa rất nhiều, hiện đại và năng động, phù hợp với xu thế phát triển chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, với cơ hội việc làm vô cùng phong phú và mức thu nhập ổn định.