Vọng gác Trường Sa.
Mỗi người lính là một “cây phong ba”
Chúng tôi ra Trường Sa vào tháng 4, mùa êm ả nhất trong năm của biển. Những tưởng tượng về sóng gió to lớn trước khi xuống tàu khiến ai cũng thoáng run run, nhất là mấy chị em phụ nữ cùng đi trong đoàn.
Trời trong xanh ngắt, biển êm, chúng tôi muốn ùa ra gần mép tàu, màu nước biển chuyển màu theo ánh sáng. Giữa mênh mông, lênh đênh, chúng tôi được làm bạn với từng đàn hải âu trắng, chúng bám theo tàu, sà xuống những làn sóng để bắt cá. Bữa tiệc của đàn hải âu trên những lớp sóng do tàu đi qua, cho chúng tôi bữa tiệc thưởng ngoạn kỳ thú. Thêm nữa là từng đàn cá chuồn, loài cá biết bay, chúng phóng nhanh trước mũi tàu như biểu diễn tiết mục nhào lộn trên không.
Tuần tra trên biển.
Chúng tôi hồi hộp khi tàu gần tới Trường Sa. Khi tàu thả neo, ai cũng trào dâng niềm vui được ra tới đảo, một dấu ấn khó quên của cuộc đời. Đón chúng tôi là những chiến sĩ trẻ. Mọi người trong đoàn được tặng những con ốc biển lấp lánh.
Chúng tôi nhanh chân tản bộ quanh đảo. Nắng chói chang, một loại cây chịu được sự khốc liệt của thiên nhiên được người lính Trường Sa gọi là “cây phong ba”. Chúng tôi thầm nghĩ, để kiên trung làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió này, mỗi người lính là một “cây phong ba”.
Thật may mắn, chúng tôi được ra nhà giàn. Lá cờ Tổ quốc bay trong lồng lộng nắng gió. Theo chúng tôi được biết, vài ngày, các chiến sĩ lại phải thay cờ vì gió làm rách và nắng biển làm cờ nhanh phai màu. Lá cờ ở nhà giàn là ý chí khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm, là tinh thần gìn giữ biển trời Tổ quốc.
Chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa.
Một cân rau sạch cần một cân hạt giống…
Thời tiết khắc nghiệt, có năm, Trường Sa phải hứng chịu hàng chục cơn bão lớn. Giữa mênh mông điệp trùng của sóng của đá, của cát…, mỗi mầm xanh nhú lên ở Trường Sa như biểu tượng một sức sống kiên cường, niềm hy vọng vươn lên trước những khốc liệt của thiên nhiên.
Nhìn những vườn rau xanh ở đây được các chiến sĩ chăm bẵm, vun trồng bằng cả sự bền bỉ, mới thấy sự quý giá của ngọn rau xanh trong bữa ăn hàng ngày. Chúng tôi được nghe các chiến sĩ kể chuyện “một cân rau sạch phải có một cân hạt giống” mà cảm phục và xúc động.
Tiếng hát người chiến sĩ.
Ở những đảo chìm, cuộc sống của người lính lại càng thêm gian khổ. Ngày bão to gió lớn, có khi các chiến sĩ phải ăn đứng, ngủ ngồi. Sóng biển dâng cao, tạt ướt hết đồ đạc. Mùa nắng hạn thì thiếu nước ngọt, thèm rau, mùa mưa bão thì sóng tung, gió giật. Khó khăn là vậy, nhưng gặp gỡ ở đâu, chúng tôi cũng thấy nét tự tin, yêu đời của người lính giữ đảo. Nhà ở nào cũng giữ nề nếp, không khí vui tươi với những lọ hoa, cây hoa làm từ vỏ ốc biển. Hình như, những gian khổ, thử thách, sự khắc nhiệt của thiên nhiên ở đâu đó rất xa với nụ cười hồn nhiên.
Thả hoa tưởng niệm ở nhà giàn.
Những ngày ở Trường Sa, chúng tôi càng có suy ngẫm nhiều về những cống hiến của bao cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ gìn giữ biển đảo của Tổ quốc. Những nhà giàn lộng gió, những điểm chốt nắng mưa, câu chuyện về những luống rau tăng gia như vun tưới bằng mồ hôi... Nhưng hơn cả là sự kiên trung, lòng tự tin, yêu đời của người lính. Chính các anh đã làm cho “Trường Sa không xa” trong tình cảm của cả nước hướng về biển đảo.
Chúng tôi lên tàu về đất liền với hành trang kỉ niệm lớn. Nụ cười và bàn tay nắm chặt của các chiến sĩ tiễn chúng tôi ra cầu cảng như một lời nhắn nhủ về ý chí bám đảo, gìn giữ biển trời.
Bùi Anh Hùng (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)/TC GĐ&TE