Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trường Sa rộn rã đón Tết sớm

Còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Ở nơi “địa đầu Tổ quốc” Trường Sa, không khí xuân đã bắt đầu rộn ràng. Lá dong, mai vàng, quất cảnh... đã được chuyển từ đất liền ra đảo…

 

Ăn tết sớm để canh giữ mùa Xuân

Ở các đảo chìm, cán bộ chiến sĩ tranh thủ sơn lại trụ sở cho mới để đón tết. Năm nay, ngoài quà tết của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, cán bộ chiến sĩ trên Quần đảo Trường sa còn nhận được nhiều quà tặng từ khắp nơi trên cả nước. Bên cạnh cành mai vàng, bộ đội Trường sa còn đón tết với chậu quất được các vựa cây cảnh ở tỉnh Đồng Tháp gửi tặng.

Tại các đảo nổi, việc dọn dẹp cảnh quan đơn vị đang được đẩy nhanh. Không chỉ sơn lại nhà mà cán bộ, chiến sĩ còn tích cực chăm sóc, cắt tỉa để có những chậu cây cảnh đẹp nhất trưng bày ngày xuân.

Những món quà đong đầy tình cảm từ đất liền chuyển đến Trường Sa
  

Để tạo không gian xanh, nhiều loại cây cảnh ở đất liền đã được mang ra Trường Sa trồng thử nghiệm. Trong đó, cây hoa sứ và cây bông giấy đã thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu mưa thừa nắng tại Trường Sa. Vào những ngày xuân đang cận kề, nhiều chậu bông giấy đã nở hoa. Sắc vàng, đỏ, hồng của bông giấy điểm tô thêm cho sắc xuân nơi phên giậu Tổ quốc này.

Tại đảo Sinh Tồn Đông, cán bộ chiến sĩ trên đảo bắt đầu gói những chiếc bánh chưng đầu tiên chào năm mới. Cây phi lao được “hóa trang” thành cành mai vàng mừng Xuân.

Cây cảnh, hoa lá giúp Trường Sa thêm sắc xuân
  

Có tận mắt chứng kiến cảnh bộ đội Trường Sa làm thịt heo, gói bánh mới thấy họ có nhiều tài lẻ. Cắt lá xếp vào khuôn, bỏ gạo làm nhân bánh đều rất thuần thục. Bánh chưng được các anh chăm chút tỉ mỉ nên cái nào cũng vuông như viên gạch bát.

Ngoài lá dong, ở Quần đảo Trường Sa vẫn còn một cách làm bánh chưng “độc nhất vô nhị” - gói bánh chưng bằng lá bàng vuông (một loại cây rất phổ biến tại Trường Sa).

Các chiến sĩ nơi đây tâm sự: Trước đây do ở xa đất liền, điều kiện thời tiết biển khắc nghiệt, vận chuyển khó khăn nên khi lá dong từ đất liền ra đến nơi thường bị khô, úa… Khi mang vào gói, bánh chưng không còn giữ được màu xanh đặc trưng. Trong khi đó, cây bàng vuông ở đây phát triển tốt, lá to và dài nên các chiến sĩ đã tận dụng dùng vào việc gói bánh.

 

Lá dong được chuẩn bị để gói bánh chưng, phục vụ Tết cho các chiến sĩ và người dân trên đảo

 

Lúc đầu chỉ thử “chống cháy” nhưng sau lần thử nghiệm đầu tiên, kết quả mang lại ngoài sức tưởng tượng. Bánh có màu xanh và vị đậm đà hơn cả gói bằng lá dong. Bây giờ thì bánh chưng gói bằng lá bàng vuông là một trong những “đặc sản” không thể thiếu trong mâm cỗ mừng năm mới của các chiến sĩ canh giữ nơi biên cương Tổ quốc này.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Bình, Chỉ huy Trưởng đảo Sinh Tồn Đông, bộ đội đón Tết sớm hơn trong đất liền vì yêu cầu nhiệm vụ. Khi bà con đang tưng bừng vui Tết thì cũng là lúc người lính Trường Sa nâng cao tinh thần cảnh giác, canh gác để đất liền an tâm. Nhưng không phải vì thế mà Tết sớm trên đảo thiếu đi không khí ấm cúng, sum vầy đầu Xuân.

Đêm giao thừa trên đảo chìm

Thật may mắn cho nhóm phóng viên chúng tôi khi vào tối ngày 26/12/2016, Ban chỉ huy đảo Tiên Nữ phối hợp cùng đoàn công tác tổ chức giao lưu văn nghệ “Đêm Giao thừa” trên đảo. “Khúc Quân hành Trường Sa” vang lên, trong lòng mỗi “người con của đại dương” cảm xúc trào dâng như sóng biển.

“Ngày qua ngày, đêm qua đêm chúng tôi đến đây canh giữ quê hương...”. Lời bài hát như nói lên tất cả, dù gian lao vất vả, chấp nhận hy sinh tính mạng, những người lính Trường Sa vẫn ngày đêm canh giữ biển trời quê hương, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. 

Cắt tỉa cây cảnh, chuẩn bị đón Tết

Một điều làm chúng tôi ngạc nhiên là bộ đội Trường Sa không chỉ giỏi trong chuyên môn nghiệp vụ mà cũng có những tố chất của người nghệ sĩ. Những ngón ghi ta điêu luyện, những giọng ca trầm bổng, ngân vang làm cho buổi giao lưu thêm phần vui nhộn, thắm tình đồng chí, đồng đội. Những bài hát truyền thống, ngợi ca quê hương đất nước hòa cùng tiếng sóng biển dạt dào. Cành mai vàng đu đưa trước gió như “bản giao hưởng” đất trời vui cùng lính đảo.

Trong khi mọi người tham gia giao lưu thì phía trên hội trường, hai chiến sĩ Hải quân vẫn tập trung cao độ vào nhiệm vụ, phóng tầm mắt ra xa, dõi theo “biến đổi của từng con sóng”.

 

Chậu quất mang không khí xuân đến Trường Sa 

Lính mới Phạm Mạnh Hùng tâm sự: “Đêm liên hoan văn nghệ, ai cũng muốn tham dự, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi đây đều hiểu rằng, nhiệm vụ là trên hết. Mỗi chúng em khi ra đây đã xác định rõ lập trường “tất cả vì sự bình yên của Tổ quốc, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Vì vậy, đêm nay đứng gác nhưng trong lòng em vẫn cảm nhận được niềm vui của đồng đội, hơi ấm của đất liền và không khí Tết đang ngập tràn trên đất đảo”.

Chúng tôi tạm biệt Tiên Nữ khi mặt trời vừa tỉnh giấc. Đảo Tiên Nữ là đảo xa nhất của Tổ quốc về phía Đông, ở đây mặt trời mọc sớm hơn đất liền 1 giờ đồng hồ. Được đón Tết sớm cùng bộ đội ở nơi cực Đông tổ quốc là một trải nghiệm không thể nào quên với từng thành viên trong đoàn.

Lời chúc Tết của Đại tá Nguyễn Hưng, Trưởng đoàn công tác, còn vang vọng bên tai mỗi người như một mệnh lệnh, một lời nhắn gửi của đất liền xa xôi: “Chúc cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Tiên Nữ nói riêng đón một mùa xuân mới vui vẻ, an toàn và sẵn sàng chiến đấu cao, vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”.