Câu trả lời được nhiều người chấp nhận, đó là bởi phần lớn các chương trình chính thống chưa đủ sức hấp dẫn đối với trẻ.
Thời xưa, hầu như mọi trẻ em lứa 7x, 8x tối nào cũng mong đến chương trình "Những bông hoa nhỏ" trên sóng truyền hình. Chương trình chỉ kéo dài 15 phút, từ 19 giờ tối, không chứa nhiều nội dung nhưng đủ hấp dẫn cuốn hút trẻ. Sau chương trình đó, hầu hết sẽ ngồi vào bàn học nghiêm túc.
Có người lý giải, sở dĩ chương trình "Những bông hoa nhỏ" cuốn hút được trẻ thơ bởi thời ấy trẻ em chưa có nhiều lựa chọn về các kênh giải trí, phương tiện giải trí ngoài chiếc ti vi hay radio thì chẳng còn thứ gì khác. Trong khi hiện giờ, trẻ có thể "bơi" giữa rất nhiều lựa chọn. Chỉ với chiếc smartphone, các bé có thể tự tìm ra hàng chục, hàng trăm nội dung giải trí, từ phim ảnh đến talkshow, từ các vlog cho tới các trò chơi (game)... Công nghệ cho phép trẻ em cùng lúc có thể tiếp cận rất nhiều kênh giải trí khác nhau, phong phú, đa dạng.
Thực tế trong thời gian qua, một số nhà sản xuất cũng có sự quan tâm, đầu tư những nội dung bổ ích, tận dụng các ưu thế của công nghệ để chuyển tải tới các đối tượng trẻ em. Nhưng kết quả gặt hái được không hoàn toàn như mong muốn. Tác động của nhiều kênh chứa nội dung không phù hợp, xấu độc vẫn khá mạnh khiến xã hội nhiều lần phải lên tiếng cảnh báo.
Điều đó cho thấy một thực tế là nội dung, cách thức thể hiện, chuyển tải nội dung đến trẻ chưa thực sự hấp dẫn, chưa phù hợp với sở thích, đặc điểm tư duy và tâm hồn trẻ em. Vì thế, sức cạnh tranh của các sản phẩm này có phần yếu thế so với các sản phẩm bị cho là nhảm nhí độc hại.
Một thực tế luôn tồn tại là trẻ em có nhu cầu hưởng thụ văn hóa với những sản phẩm hấp dẫn phù hợp với lứa tuổi của mình. Muốn vậy, các nhà sản xuất chương trình truyền hình cho trẻ em cần phải đầu tư bài bản, nghiêm túc trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về thị hiếu của trẻ để có thể đáp ứng đúng và trúng nhu cầu.
Mùa hè năm nay, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu giải trí ở nhà của trẻ sẽ tăng cao. So sánh với năm ngoái, chương trình thiếu nhi dài hơi trên truyền hình và các nền tảng công nghệ hiện ít hơn nhưng cũng có vài chương trình hút khán giả, như: Cổ tích Việt Nam lúc 20 giờ Chủ nhật hằng tuần, hoạt hình cổ tích 3D vào 20 giờ 50 từ thứ 2 đến 4 hằng tuần của THVL1, Siêu mẫu nhí, Điều con muốn nói của VTV9, Siêu tài năng nhí của HTV7, Siêu nhí đấu trí của HTV9... Trong đó, loạt hoạt hình cổ tích Việt Nam 3D với những câu chuyện cổ tích quen thuộc: Thạch Sanh, Tấm Cám, Mai An Tiêm... dù thời lượng phát sóng chỉ 5 phút/tập nhưng trên YouTube đạt vài trăm ngàn lượt xem.
Điều đó cho thấy nếu được đầu tư kỹ lưỡng cả về nội dung, nghệ thuật và công nghệ, có khung giờ hợp lý, phát sóng cố định và có nhiều nội dung phong phú để khán giả nhí thường xuyên đón xem, tạo thành thói quen thì các sản phẩm chính thống dành cho trẻ em sẽ tạo được vị thế xứng đáng, được đông đảo trẻ em đón nhận như một người bạn đồng hành thân thiết...