Hội thảo nằm trong chuỗi Hội thảo thường niên “Tạo xu hướng – dẫn dắt thay đổi” 2021 do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) tổ chức.
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD chia sẻ: Một trong 10 nguyên tắc Kinh doanh về quyền trẻ em có nguyên tắc số 6 – Doanh nghiệp đảm bảo hoạt động marketing và quảng cáo có trách nhiệm, thúc đẩy quyền trẻ em, chứa đựng các thông điệp tích cực tới trẻ em và giới trẻ. Có thể quảng cáo – truyền thông của doanh nghiệp không phải nhắm tới đối tượng trẻ em, nhưng lại rất ảnh hưởng tới trẻ em và thanh niên. Theo thuyết học tập xã hội, trẻ em học tập bằng cách quan sát và bắt chước, chính vì thế các chiến lược Marketing quảng cáo có thể ảnh hưởng tới sự nhận thức trẻ em và thanh niên. Chính vì thế, doanh nghiệp thực hành trách nhiệm đảm bảo truyền thông và quảng cáo có thông điệp tốt đẹp, tích cực, tránh định kiến giới, phân biệt đối xử không chỉ giúp doanh nghiệp truyền thông hiệu quả, củng cố thương hiệu mà còn thúc đẩy bình đẳng giới, và xây dựng một thế hệ trẻ em nhận định đúng đắn, văn minh.
Ông Mattias Forsberg, Chuyên gia cấp cao về Quyền trẻ em và kinh doanh, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Thụy Điển nhấn mạnh: Trẻ em là đối tượng rất năng động và trẻ em cũng là đối tượng bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của người lớn. Marketing, truyền thông ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề này. Vậy để trẻ có thể trưởng thành mà bị rập khuôn theo định kiến xã hội, chúng ta cần phải cùng nhau tạo ra thay đổi ở nhiều cấp độ. Tôi nghĩ, bất kỳ công ty trong lĩnh vực nào đều muốn tạo ra những quảng cáo độc lạ, thu hút. Các doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược truyền thông nên tham vấn chuyên gia về giới để tránh những thông điệp dễ gây hiểu nhầm hay mang định kiến giới. Ở Việt Nam, tôi thấy đã có rất nhiều sự thay đổi và người Việt Nam cũng tiến bộ trong suy nghĩ hơn rất nhiều và tôi vô cùng lạc quan rằng vấn đề bình đẳng giới sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Tại phiên toạ đàm với chủ đề “Doanh nghiệp và vai trò của marketing/quảng cáo trong thúc đẩy Quyền trẻ em và bình đẳng giới”, các diễn giả đại diện doanh nghiệp, công ty truyền thông và tổ chức xã hội đã cùng nhau chia sẻ những cách thức để ứng dụng quyền trẻ em trong nguyên tắc kinh doanh, củng cố vai trò của marketing, quảng cáo trong việc thúc đẩy Quyền trẻ em và bình đẳng giới.
Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc CSAGA, Thành viên Ban điều hành Mạng lưới GBVNet bày tỏ: “Trước đây, truyền thông, quảng cáo mang tư tưởng định kiến giới tương đối nặng nề như: vạch ra rõ ràng giữa nhiệm vụ của phụ nữ và đàn ông, ví dụ như đàn ông đi đá bóng bẩn quần áo thì có người vợ ở nhà giúp anh ấy tẩy sạch vết bẩn… Nếu vẫn giữ nguyên những định kiến này sẽ gây hại đối với các thương hiệu khi hiện nay các bạn trẻ có cái nhìn vô cùng tiến bộ. Ngày nay, quảng cáo có phần đỡ “thô” hơn, mặc dù định kiến giới vẫn còn hiện hữu nhưng đã được đưa vào một cách tinh tế hơn. Các doanh nghiệp khôn ngoan sẽ là doanh nghiệp tìm ra hướng mới chứ không phải đi theo con đường khuôn mẫu, định kiến giới như xưa.”
Từ phía doanh nghiệp đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông, quảng cáo, bà Lê Hồng Nhi, Quản lý cấp cao Đối ngoại và phát triển bền vững, Unilever Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm: “Từ những ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, chúng tôi đã cố gắng trở thành người bạn trong đời sống của người dân Việt. Việc đưa yếu tố bình đẳng giới vào quảng cáo, truyền thông phụ thuộc nhiều vào quan điểm, tầm nhìn, sự nhạy cảm giới của lãnh đạo doanh nghiệp. Unilever là một thương hiệu lâu đời và nổi tiếng, vì vậy trách nhiệm truyền thông đối với chúng tôi rất cao. Chúng tôi phải chọn lọc nội dung kĩ lưỡng để tạo ra các sản phẩm truyền thông hiệu quả, đúng đắn. Trong các hoạt động, chúng tôi luôn đặt thông điệp bình đẳng giới vào nội dung chính của các sản phẩm truyền thông. Chúng tôi luôn cố gắng lan tỏa những thông điệp tích cực về bình đẳng giới đến thật nhiều doanh nghiệp và công ty để có thể thúc đẩy vấn đề quảng cáo có trách nhiệm giới một cách mạnh mẽ nhất.”
Ông Lương Thế Huy – Viện trưởng iSEE cho biết: “Doanh nghiệp thường không có nhiều động lực để đi ngược lại những định kiến giới bởi họ cần theo ý kiến số đông để bán được hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều cơ hội khi họ chấp nhận đi ngược lại định kiến giới. Chúng ta thường nghĩ rằng tôn trọng truyền thống sẽ là bảo tồn, đóng khung, để nó từ từ chết đi, nhưng tôi nghĩ rằng tôn trọng truyền thống phải là phát huy để nó trở nên lung linh, tốt đẹp hơn. Chúng ta cần đối thoại nhiều hơn. Doanh nghiệp có những nỗi lo sợ chưa được giải quyết nhưng nếu họ có đủ kiến thức thì họ có thể thách thức lại truyền thống, đem lại hình ảnh mới mẻ, sáng tạo. Thời điểm tốt để bắt đầu sự thay đổi chính là hôm nay, ngay bây giờ.”
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông và cung cấp dịch vụ truyền thông, ông Đinh Trần Tuấn Linh – Giám đốc TUVA Communication chia sẻ: “Việc lồng ghép bình đẳng giới, nhạy cảm giới vẫn còn là vấn đề nan giải với nhiều người làm truyền thông và doanh nghiệp, tuy nhiên hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước đi đầu tiên. Hãy thay đổi nhận thức của chính bản thân mình để từ đó lan toả đến những người xung quanh, đến bạn bè và doanh nghiệp của mình. Khi bạn có tư duy và tâm thế sẵn sàng thúc đẩy bình đẳng giới, bạn sẽ có thể đem lại cho doanh nghiệp hay khách hàng của mình những lợi ích to lớn cả về mặt thương hiệu lẫn lợi nhuận".
Hãy để truyền thông, quảng cáo trở thành một phương tiện thúc đẩy mỗi cá nhân và xã hội tiệm cận với sự văn minh. Việc quan tâm đến quyền trẻ em - thế hệ tương lai cũng như bình đẳng giới là đang hướng đến xã hội tương lai không còn những bất công, thiệt thòi, mà thay vào đó là niềm hạnh phúc đến từ việc được quan tâm, tôn trọng và công nhận.