Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Truyền thông bảo vệ công lý và trẻ em

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em phát biểu khai mạc.

Vai trò của báo chí, truyền thông bảo vệ trẻ em

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH cho biết: Báo chí đóng vai trò rất quan trọng và đã tham gia tích cực trong việc truyền thông về các vấn đề trẻ em và tham gia bảo vệ trẻ em. Luật trẻ em 2016 quy định bốn “sứ mệnh” chính của truyền thông và quyền trẻ em là: Truyền thông cung cấp thông tin cho trẻ em; cung cấp thông tin về trẻ em; để trẻ em bày tỏ ý kiến và tham gia bảo vệ trẻ em. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã làm rõ vai trò của báo chí trong truyền thông bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ trong thời đại số (Phòng ngừa, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; Tuyên truyền, phổ biến về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em, trách nhiệm phát hiện, thông báo trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; Cung cấp thông tin, trang bị kiến thức về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa phát hiện các hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; Trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ về trẻ em…). Các nguyên tắc ứng xử bảo vệ quyền riêng tư dành cho nhà báo; vai trò điều hướng của báo chí trong xử lý trường hợp các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội; xác định những hạn chế và rủi ro trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ của các chuyên gia về trẻ em và trong lĩnh vực liên quan.
 
 
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan bảo vệ trẻ em
 
Các đại biểu cũng thừa nhận, trong thực tế, một số cơ quan báo chí hiện nay thiếu định hướng rõ ràng về công tác bảo vệ trẻ em, chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong hoạt động chuyên môn. Ngoài ra, thông tin báo chí tiết lộ quá chi tiết dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ em lần 2. Vẫn còn có hiện tượng lợi dụng các thông tin về trẻ em để câu view, câu like… Theo khảo sát của Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội trên 5 tờ báo điện tử lớn nằm trong Top 50 trang web được truy cập hàng đầu Việt Nam, chỉ trong một năm (2016), đã có đến 548 bài báo có nội dung không bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em, trong đó xâm hại tình dục có tỷ lệ bài viết cao nhất (47%). 

Bảo vệ trẻ em trên báo chí - vì lợi ích lớn nhất của trẻ

Theo các đại biểu, để chức năng bảo vệ trẻ em được thực hiện một cách có hiệu quả, lại không vi phạm các quyền riêng tư của trẻ em, báo chí cần được trang bị thêm các kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Các nhà báo viết về trẻ em và viết cho trẻ em cần phải đứng trên cơ sở tiếp cận dựa trên quyền trẻ em, luôn vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Các nhà báo cần phải hiểu các đặc điểm phát triển về tâm lý của trẻ, cách suy nghĩ của trẻ, biết cách lắng nghe, tôn trọng quyền được lắng nghe và quyền tham gia của trẻ và khuyến khích trẻ tham gia vào những vấn đề liên quan đến trẻ em.
 
 
Ông Lê Quốc Vinh, giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê 

Nhà báo Nguyễn Ngân (Đài truyền hình Việt Nam) chia sẻ, phụ nữ, trẻ em, người già là các đề tài được xã hội rất quan tâm, nhưng nhà báo có tâm cần phải đặt lên trên hết lợi ích của trẻ để viết bài có trách nhiệm, tránh tình trạng trẻ em vô tình bị "xâm hại" một lần nữa bởi nhà báo. “Không được lợi dụng sự trong sáng và lòng tin của trẻ”, là tâm niệm của các nhà báo Nguyễn Ngân và các đồng nghiệp khi làm về trẻ em.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Hồ Bất Khuất, (Tạp chí Gia đình và Trẻ em) nêu quan điểm, nhà báo cần có sự nhạy cảm nghề nghiệp và luôn nêu cao đạo đức nghề báo, đặt lợi ích của trẻ em lên trên hết. Để làm được điều này những nhà báo chuyên viết về lĩnh vực trẻ em, phải có phẩm chất yêu nghề, yêu trẻ, nhanh nhạy trong công việc và dành thời gian nâng cao nghiệp vụ. TS. Hồ Bất Khuất đề nghị các phóng viên nên dành thời gian về vùng sâu, vùng xa... công tác. Trên thực tế, ở những nơi này xảy ra rất nhiều vấn đề mà báo chí viết về trẻ em quan tâm và có thể phản ánh, mổ xẻ hiệu quả. Đây cũng là những địa phương có nhiều trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần sự giúp đỡ...

Dịp này, Cục Trẻ em cũng thông tin, Diễn đàn trẻ em quốc gia lần VI sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8.2019 với sự tham gia của 168 trẻ em được lựa chọn từ diễn đàn trẻ em của các tỉnh, thành phố.
 
 
TS. Bùi Tiến Đạt, khoa Luật, ĐHQGHN trình bày về công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Quy tắc ứng xử khi đưa thông tin về trẻ em 
- Người viết phải nắm vững luật pháp về trẻ em, hiểu và tôn trọng tất cả các quyền của trẻ em. 
- Khi làm truyền thông về trẻ em, phải được sự đồng ý của người đại diện quyền lợi của trẻ em (ông bà, cha mẹ, anh chị, thầy cô)
- Cần biết thông tin đầy đủ, trung thực về những trẻ em mà mình sẽ làm truyền thông
- Luôn luôn áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong nững vụ án nghi phạm là trẻ em.
- Tuyệt đối không khai thông tin cá nhân của trẻ tại nơi công cộng.
- Phải xin phép khi chụp ảnh cho trẻ em trong sự kiện; xin phép phụ huynh và trẻ trên 7 tuổi; khi xử dụng cũng nên xin phép. 
- Không xâm phạm bí mật riêng tư của trẻ về thông tin về hình ảnh thân thể.
- Tránh vô tình xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ. 

Bài và ảnh: Minh Châu/ GĐTE