Cục trưởng Đặng Hoa Nam phát biểu tại hội thảo
Đây là khẳng định của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Hội thảo "Định hướng truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ chăm sóc trẻ em năm 2015" do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tổ chức ngày 15/10, tại Hà Nội.
Báo chí không nên thêm một lần xâm hại trẻ em...
Ông Đặng Hoa Nam cho biết: Bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em là vấn đề “nóng” trong cuộc sống và cũng là chủ đề được các phương tiện truyền thông quan tâm. Sau 5 năm thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em (2011-2015), trong điều kiện ngân sách chỉ mới đáp ứng được ¼ so với kế hoạch nhưng về cơ bản các mục tiêu đặt ra của Chương trình đều đạt. "Nếu như trước đây, các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra người dân không biết báo ai, không biết quy trách nhiệm cho cơ quan nào, chỉ khi nào xảy ra thương tích thì cơ quan công an mới đến điều tra xử lý. Thì hiện nay, người dân đã biết địa chỉ để phản ánh, người dân được nhận thông tin phản hồi xử lý vụ việc và phân công trách nhiệm khi để xảy ra những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em"- ông Nam dẫn chứng.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em , Để có được sự thay đổi, chuyển biến đó thì hệ thống quy định pháp luật, chính sách thay đổi cụ thể, chi tiết, phân công trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, báo chí đóng vai trò quan trọng trong thu thập thông tin, phản ánh vụ việc liên quan đến những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em để kết nối các cơ quan chức năng kết nối để xử lý vụ việc. "Đội ngũ những người làm báo cần chú ý khi đưa tin để báo chí không xâm hại lại trẻ em. Trên thực tế, một số bài báo chưa tôn trọng bí mật đời tư của trẻ em, vi phạm quyền con người đối với trẻ em", ông Nam lưu ý.
Theo bà Lê Thu Hà, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em), các cơ quan truyền thông đã phản ánh kịp thời hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em; phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, đã có nhiều bài viết chuyên sâu, nêu được thực trạng các vấn đề liên quan đến trẻ em cần quan tâm giải quyết. Đồng thời, qua báo đài đã giới thiệu được nhiều mô hình điển hình, nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong công tác này. Phát hiện, lên án các vụ việc để các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý đối tượng cũng như có hướng trợ giúp cho trẻ em. Tuy nhiên, bà Hà cũng cho rằng, xét theo tỷ lệ, các tin, bài phản ảnh về sự kiện, hội nghị, hội thảo vẫn cao hơn dung lượng các tin, bài chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. "Nhiều báo chưa phát hiện và giới thiệu các mô hình, điển hình tốt cũng như chưa phê phán những cơ quan, tổ chức, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Vẫn còn quá ít bài viết chuyên sâu, đặc biệt là các bài biết phân tích, tổng hợp sâu về lý luận và thực tiễn để góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Chưa có nhiều bài báo theo đến cùng các vụ việc để tạo hiệu ứng trong xã hội, tạo áp lực lên các cơ quan có trách nhiệm", bà Hà nêu thực tế.
Tăng cường sự tham gia của trẻ em trong mọi hoạt động
Tại hội thảo, một số ý tưởng mới cho công tác truyền thông về trẻ em đã được chia sẻ cụ thể. Theo đó, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam nên tổ chức cho các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức, cung cấp các kỹ năng cho trẻ em ngay tại cơ sở. Xây dựng và mở rộng các chương trình tương tác giữa trẻ em với cha mẹ, có sự chia sẻ của các chuyên gia, khán thỉnh giả. "Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ vận hành lại câu lạc bộ Phóng viên nhỏ để phát huy quyền tham gia của trẻ em, các em có thể đại diện nói lên tiếng nói của bạn bè trang lứa. Thiết lập mạng lưới truyền thông về trẻ em gồm các phóng viên, nhà báo nhiều kinh nghiệm, tâm huyết chuyên viết về mảng trẻ em, có thể cùng phối kết hợp, chia sẻ thông tin để đạt được mục tiêu tuyên truyền hiệu quả nhất…", ông Nam thông tin.
Trẻ em tham gia phát biểu ý kiến tại Diễn đàn trẻ em 2015
Cục trưởng Đặng Hoa Nam cũng ghi nhận những ý kiến của các cơ quan truyền thông, đồng thời, đề nghị các cơ quan truyền thông bám sát định hướng và nội dung truyền thông của Cục. Cụ thể, những vấn đề liên quan đến trẻ em cần quan tâm hiện nay là: vấn đề sửa đổi Luật; hệ thống bảo vệ trẻ em đang được củng cố cả về nhân lực, dịch vụ, quy trình, tiêu chuẩn bảo vệ trẻ em. Những kết quả thực hiện các mục tiêu bảo vệ trẻ em. Các khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em. Quan điểm, mục tiêu, giải pháp xây dựng chương trình Bảo vệ trẻ em 2016 – 2020. Cùng với đó, dựa trên thế mạnh của mỗi loại hình truyền thông, báo chí để tuyên truyền, phản ánh kịp thời và hiệu quả các vấn đề về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cung cấp cho các em kỹ năng tự bảo vệ mình, lưu ý cần thiết tăng cường sự tham gia của trẻ em trong mọi hoạt động. Cần có sự trao đổi, cập nhật kịp thời các thông tin, nội dung, vấn đề liên quan đến công tác truyền thông, tham gia các cuộc giao ban và thực hiện có hiệu quả thỏa thuận hợp tác với Cục. "Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với Cục trong việc thực hiện các hoạt động biên soạn tài liệu hướng dẫn truyền thông tại cộng đồng và một số sản phẩm truyền thông mẫu", ông Nam mong muốn.