Trên trang quốc tế Báo Pasaxon, Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng NDCM Lào đăng bài viết “Chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ to lớn như hôm nay”. Bài báo viết, cách đây 76 năm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành động lực to lớn cho cả nước Việt Nam, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập, chủ quyền, xây dựng và phát triển đất nước, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Bài báo đánh giá, trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã đồng sức đồng lòng, phấn đấu, hy sinh gian khổ để xây dựng lên cơ đồ to lớn như ngày hôm nay; từ mùa Thu đó, Việt Nam đã phát triển gấp nhiều lần và trở thành một quốc gia có uy tín, ảnh hưởng trên trường quốc tế. Đã 76 năm trôi qua, nhưng những lời trong Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội vẫn còn vang vọng khắp thế giới và thấm sâu vào trong trái tim của mỗi con người Việt Nam; Ngày Quốc khánh - Ngày Tết độc lập, mọi người dân Việt Nam đều luôn tự hào về thành quả cách mạng của mình. Tiếp nối tư tưởng, chính sách đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện đường lối đổi mới, trong 76 năm qua, cách mạng Việt Nam đã đạt được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, không chỉ giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà Việt Nam còn thu hút được các nguồn lực để phát triển, nâng cao vị thế, vai trò của đất nước trong khu vực và quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 quốc gia. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã khẳng định, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới với sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn và những bất ổn trong khu vực, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ với các nước, đặc biệt là phát triển mối quan hệ thường xuyên với các nước lớn, các nước quan trọng, các nước láng giềng trong khu vực.
Có thể nói, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 có nhiều điểm nổi bật, là minh chứng cho sự thành công của kinh tế Việt Nam trước những biến động lớn, khó lường của kinh tế thế giới và khu vực. Năm 2019, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,02% là năm thứ hai liên tiếp đạt mức tăng trưởng trên 7 kể từ năm 2011. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019; Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, EVIPA…, đó là những động lực lớn để phát triển.
Điều này cho thấy, EVFTA và EVIPA đã đặt nền móng quan trọng nhất cho Việt Nam, vị thế của Việt Nam được ghi nhận rõ nét trên trường quốc tế, là một trong những nước có đóng góp to lớn và có trách nhiệm đối với sự phát triển của toàn cầu hóa, theo hướng chuyển sang thương mại tự do và thuận tiện. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh kinh tế toàn cầu của Việt Nam đã tăng 10 bậc so với năm 2018, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ và xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Những kết quả này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao hàng đầu của khu vực.
Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế về khát vọng mang lại hòa bình cho người dân; hiện tại, thế giới đang thấy Việt Nam đã trở thành quốc gia hòa bình và hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Trải qua một thời kỳ đổi mới, hội nhập thấy rằng, Việt Nam đã có vị thế, vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế, đồng thời góp phần vào việc phát triển và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, cũng như góp phần xây dựng hòa bình trong khu vực và thế giới, đó là sự ghi nhận, đánh giá cao nhất từ các nước.
Năm 2020, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với việc đảm nhiệm thành công tốt đẹp vai trò Chủ tịch ASEAN; trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia trên thế giới, tác động trực tiếp đến các chương trình, kế hoạch của ASEAN, một lần nữa, Việt Nam lại thể hiện khả năng linh hoạt, kết nối ASEAN để cùng đối phó với dịch bệnh. Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đã đánh giá rằng, Việt Nam đã thể hiện tầm dẫn dắt ASEAN trong việc đi đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại khu vực, ASEAN đã đoàn kết và ứng phó sớm với dịch bệnh, thúc đẩy các quốc gia thành viên tổ chức đối thoại và cùng hợp tác.
Tự hào về vị thế, vai trò của Việt Nam, mùa Thu năm 1945 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một mốc son vinh quang chói lọi; 76 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là sự nghiệp vĩ đại, làm cho vị thế, vai trò của Việt Nam ngày càng nổi bật và hội nhập quốc tế rộng rãi. Việt Nam không chỉ là ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc mà còn là hình mẫu của việc đổi mới, phát triển, hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng với tỷ lệ nghèo đã giảm xuống thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, điều này phản ánh thành công của một đất nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Bài báo viết, Việt Nam luôn tin tưởng chắc chắn vào con đường đã chọn, những thành tựu to lớn Việt Nam đạt được hôm nay bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là dấu mốc lịch sử của dân tộc; những thành tựu, thắng lợi đó tiếp tục là yếu tố nền tảng để Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Việt Nam đã chủ động nắm bắt thời cơ, khẳng định được vị thế của mình là một trong những bài học kinh nghiệm then chốt làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Những thành tựu đạt được trong 76 năm qua kể từ khi Việt Nam tuyên bố độc lập (1945 - 2021) và hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đã thể hiện một cách sinh động về việc tiếp nối những bài học kinh nghiệm đó. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường trước, Việt Nam tiếp tục kiên định con đường đổi mới, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy lòng yêu nước, ý chí tự cường, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, trở thành nước phát triển với nền công nghiệp hiện đại vào năm 2045.
Trên trang nhất báo Pathetlao Daily (Thông tấn xã Lào) đăng bài viết “Chúc mừng 76 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam”. Bài báo viết, cách đây 76 năm, sau khi giành độc lập, từ một đất nước gặp nhiều khó khăn do chiến tranh, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và tinh thần vượt qua khó khăn của nhân dân, đến nay, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam tăng trưởng trung bình 7%/năm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; chính trị - xã hội ổn định; văn hóa, giáo dục, y tế đạt được những thành tựu to lớn, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; cơ sở hạ tầng và cơ sở kinh tế ngày càng phát triển; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển vững mạnh, đóng góp từ tư nhân và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng; môi trường kinh doanh ổn định, thu hút đầu tư mạnh mẽ từ xã hội và nước ngoài; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; sự đoàn kết của các dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy; vị thế, uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên diễn đàn quốc tế.
Mặc dù hiện nay, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã vượt qua những trở ngại, biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội, tổ chức công việc một cách thống nhất, đồng lòng để giành được những thành công quan trọng trong công tác phòng ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 và phát triển đất nước. Năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội Việt Nam tăng trưởng 2,91%, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN, tỷ lệ nghèo giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn dưới 3%; tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 540 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 280 tỷ USD. Bước sang năm 2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã tích cực phát huy tinh thần tự giác trong việc phát triển và thích nghi tình hình mới một cách sáng tạo; Việt Nam đã tổ chức thành công tốt đẹp Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và bầu ra ban lãnh đạo cấp cao mới.
Với sự bùng phát của dịch Covid-19, đã thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác quốc tế, Việt Nam đã hỗ trợ thiết bị y tế và tài chính cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế để phòng chống dịch Covid-19, đồng thời Việt Nam cũng đã nhận được hỗ trợ tài chính và trang thiết bị y tế từ nhiều nước, tổ chức quốc tế để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh ở trong nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước khởi xướng, đề xuất lấy ngày 27/12 là Ngày quốc tế phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, đã được 112 quốc gia thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Bài báo điểm lại những nét nổi bật về quan hệ Lào - Việt Nam thời gian gần đây, nhấn mạnh mối đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam ngày càng đơm hoa kết trái, trở thành mối quan hệ “hữu nghị vĩ đại”, trong sáng, mẫu mực, hiếm có trên thế giới. Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước luôn chia sẻ cùng nhau cả về tinh thần và vật chất như anh em trong một nhà, đây là tài sản vô giá của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam; dù tình hình có khó khăn đến đâu, Lào - Việt Nam vẫn luôn bên nhau, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, kề vai sát cánh cả trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay.
Tại cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã tái khẳng định tiếp tục củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, coi đây là vấn đề chiến lược mang tính quyết định đối với công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.
Bài báo kết luận, nhiệt liệt chúc mừng 76 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam; chúc mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam mãi trường tồn.
Cũng trong ngày 2/9, Đài Phát thanh quốc gia Lào, Đài Truyền hình quốc gia Lào phát sóng bài phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng. Nội dung bài phát biểu về 76 năm hình thành và phát triển của đất nước Việt Nam cũng như khẳng định mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào là quan hệ kiểu mẫu hiếm có trong quan hệ quốc tế./.