Phát triển BHXH là tiền đề thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Hội và Tổ chức ILO hướng tới mục tiêu xây dựng và thực hiện bình đẳng giới trong các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam.
Theo thống kê, việc làm và thu nhập của lao động nữ hiện đang bị suy giảm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ quý III năm 2021 thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với nam giới; thu nhập bình quân của lao động nữ là 4,8 triệu đồng, chỉ bằng 70,1% so với nam giới; số lượng các vụ bạo lực gia đình trong thời gian giãn cách xã hội có xu hướng gia tăng; dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến 87% các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Trong hệ thống an sinh xã hội, BHXH giữ vai trò trụ cột và việc phát triển BHXH sẽ là tiền đề, điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới mà Việt Nam cam kết hướng tới. Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách. Hệ thống pháp luật về an sinh nói chung và BHXH nói riêng bao gồm các chính sách BHXH đối với chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hưu trí, tử tuất và các chế độ trợ giúp xã hội đối với các nhóm đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi…
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đàm Thị Vân Thoa, Phó ban Chính sách – Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: “Với chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, hoạt động vì sự bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, bên cạnh việc tham gia đề xuất, góp ý, phản biện xã hội về các chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong luật Bảo hiểm xã hội, Hội LHPN Việt Nam xác định việc truyền thông xã hội để mở rộng diện bao phủ BHXH và tiếp cận các chính sách an sinh xã hội của phụ nữ là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong thời gian tới”.
Biện pháp tiềm năng thúc đẩy bình đẳng giới và BHXH ở Việt Nam
“Theo thống kê, khoảng 69% đối tượng nhận BHXH một lần là phụ nữ dưới 35 tuổi và dựa trên số liệu của BHXH Việt Nam, sự khác biệt về giới cũng ảnh hưởng đến mức hưởng chế độ hưu trí. Chính vì vậy, hệ thống BHXH Việt Nam cần quan tâm đến các chính sách như: độ tuổi nghỉ hưu, thu nhập đóng bảo hiểm, công thức tính chế độ hưu trí các chỉ số điều chỉnh lương hưu, kết nối với hỗ trợ xã hội, rủi ro được bảo hiểm…” - ông André Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam cho biết.
Một trong số các biện pháp được trình bày tại Hội thảo là “chế độ trẻ em đa tầng”. Chế độ trẻ em với tiềm năng giảm gánh nặng tài chính từ việc đóng BHXH đối với các hộ gia đình và giảm số trường hợp hưởng BHXH một lần, qua đó tăng diện bao phủ và tính hấp dẫn của BHXH. Bởi với chế độ này, những đối tượng đóng bảo hiểm xã hội có thể được hưởng mức cao hơn; cung cấp hỗ trợ thu nhập ngay lập tức cho hàng triệu gia đình đã có con trong độ tuổi hợp lệ; số tiền được hưởng BHXH một lần có thể được dùng như một loại hình trợ cấp thất nghiệp cho các hộ gia đình trong thời gian mất việc làm hoặc được dùng làm nguồn kinh phí nuôi dạy con trẻ, đặc biệt đối với lao động nữ trẻ và có con nhỏ.
Tại Hội thảo, các đại biểu và chuyên gia đã thảo luận chia sẻ những thông tin, kết quả nghiên cứu dưới góc độ giới trong Luật BHXH hiện hành, những kinh nghiệm truyền thông về BHXH của một số cấp Hội LHPN Việt Nam trong thời gian qua nhằm đổi mới công tác tuyên truyền BHXH thông qua xác định mục tiêu, nội dung, hoạt động, đối tượng truyền thông... giúp nâng cao nhận thức của phụ nữ, gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia BHXH.