Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Truyền thông quốc tế: Việt Nam bầu cử đúng kế hoạch dù đối mặt thách thức từ Covid

Báo chí quốc tế vừa có các bài viết đánh giá cao Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo đúng kế hoạch mặc dù phải đối mặt với những khó khăn do tái bùng phát dịch Covid-19.

Theo Thông tấn xã Lào, ngày 23/5/2021, Nhân dân Việt Nam sẽ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp; đây là sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam tiếp nối thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, song hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Truyền thông quốc tế: Việt Nam bầu cử đúng kế hoạch dù đối mặt thách thức từ Covid - Ảnh 1.

Báo chí Lào đưa tin về ngày hội bầu cử của Việt Nam. Ảnh: Kpl.gov.la

Theo bài viết, cuộc bầu cử để cử tri sử dụng quyền dân chủ của công dân, lựa chọn những người có đức, có tài xứng đáng là đại biểu cho khát vọng và mong muốn của Nhân dân đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp khóa mới, góp phần xây dựng, hoàn thiện cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài viết nêu rõ, Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, có nhiệm vụ xây dựng pháp luật, quyết định các kế hoạch và chính sách lớn của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Vai trò của Quốc hội là bầu ra những gương mặt xứng tầm để lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.

HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. Vì vậy, cuộc bầu cử thành công sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện chế độ xã hội chủ nghĩa của Nhà nước, do Nhân dân, vì Nhân dân, đồng thời, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trong thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND các cấp, các đại biểu đã phát huy vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt nhiệm vụ lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Những vấn đề được thảo luận và quyết định tại Quốc hội hoặc HĐND là những vấn đề trong đời sống của cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Cử tri Việt Nam mong rằng, đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng của mình là xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề lớn của đất nước, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng và hoạch định chính sách quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và phúc lợi xã hội.

Báo Asean Today của Hàn Quốc ngày 21/5 đã có bài viết đánh giá cao Việt Nam tiến hành bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo đúng kế hoạch mặc dù đang gặp nhiều thách thức do đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Truyền thông quốc tế: Việt Nam bầu cử đúng kế hoạch dù đối mặt thách thức từ Covid - Ảnh 2.

Bài viết và hình ảnh được đăng trên tờ Asean Today ngày 21/5.

Bài viết nhấn mạnh: Cuộc bầu cử lựa chọn ra đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng sau Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam. Nhân sự kiện này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có bài viết nhấn mạnh tư tưởng - lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lý tưởng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng kêu gọi sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc bầu cử sắp tới.

"Hiến pháp của Việt Nam quy định rằng, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. HĐND các cấp, là cơ quan thực hiện vai trò tương tự tại các địa phương" - bài báo nhấn mạnh.

Theo bài viết, trước đó, tại kỳ họp cuối cùng, Quốc hội khóa XIV đã kiện toàn một số chức danh lãnh đạo cao nhất, những người đã được bầu chọn tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra vào hồi tháng 2. Những đại biểu Quốc hội khóa mới được bầu chọn dưới hình thức bầu cử diễn ra vào ngày 23/5 sẽ tiếp tục quy trình tái bổ nhiệm đối với những nhà lãnh đạo này. Nhiều Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, bao gồm cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội.

Theo thông lệ, các nhân sự lãnh đạo Nhà nước cao nhất được bầu chọn tại Quốc hội khóa XIV sẽ được Quốc hội khóa tiếp theo phê chuẩn, bổ nhiệm. Việc làm này đã được tiến hành từ nhiệm kỳ trước, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đây là hình thức nhằm giảm những lỗ hổng trong thủ tục hành chính thông qua việc chuyển giao quyền lực nhanh chóng.

Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết: “Công tác chuẩn bị bầu cử lần này được tiến hành sớm hơn so với những lần trước với việc thành lập và kiện toàn Hội đồng Bầu cử quốc gia”.

Bài báo cũng đề cập những điểm mới về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND khóa mới. Số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên ít nhất 40% so với chỉ 35% như hiện nay. Số lượng đại biểu HĐND các cấp giảm ít nhất từ 5 - 10 đại biểu tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và loại hình đơn vị hành chính để tăng tính chuyên nghiệp và hiệu quả của kỳ họp.

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng tiếp tục tăng, Hội đồng bầu cử Quốc gia chú trọng đến công tác phòng chống dịch. Tại các điểm bỏ phiếu được bố trí ở nhiều vị trí khác nhau, các biện pháp phòng chống dịch như sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn, kiểm tra thân nhiệt… sẽ được thực hiện nghiêm ngặt. Các cấp chính quyền cũng bố trí các địa điểm riêng biệt để công dân có thể bỏ phiếu trong cả các cơ sở cách ly và bệnh viện.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ lựa chọn để bầu 500 đại biểu, tỷ lệ đại biểu nữ và đại biểu người dân tộc thiểu số được quy định phải bảo đảm có ít nhất lần lượt là 35% và 18% trên tổng số.

Bài báo cũng đề cập vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã chốt danh sách ứng cử viên cuối cùng thông qua 3 vòng hiệp thương và phối hợp cùng với Hội đồng bầu cử Quốc gia lựa chọn khu vực bầu cử.

Trong khi đó, tờ Junge Welt của Đức số ra ngày 21/5 có bài viết của tác giả Gerhard Feldbauer về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở Việt Nam, trong đó đánh giá cao đóng góp quan trọng của Quốc hội vào sự phát triển kinh tế Việt Nam trong những thập niên gần đây.

Truyền thông quốc tế: Việt Nam bầu cử đúng kế hoạch dù đối mặt thách thức từ Covid - Ảnh 3.

Tiến hành bỏ phiếu sớm tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: VNA

Theo bài báo, vào ngày 23/5, gần 70 triệu cử tri trên khắp Việt Nam sẽ tham gia bỏ phiếu để bầu cơ quan lập pháp mới nhiệm kỳ 5 năm tới gồm 500 đại biểu.

Tác giả Gerhard Feldbauer dẫn lời Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, tính đến ngày 15/5, tổng số ứng cử viên đủ điều kiện tranh cử Quốc hội khóa XV là 866 người. Trong cuộc bầu cử lần này, các cử tri cũng sẽ bầu đại biểu HĐND các cấp.

Bài viết dẫn thông tin từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, do tình hình dịch Covid-19, tính đến ngày 20/5 có 16 tỉnh, thành có các khu vực được phép tiến hành bỏ phiếu sớm.

Tác giả bài báo cũng giới thiệu một số thông tin cơ bản về Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam, có nhiệm vụ bầu ra Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, có quyền hạn sửa đổi Hiến pháp và ban hành luật...

Theo bài viết, Quốc hội Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế trong những thập niên gần đây. Từ quốc gia lạc hậu do "di sản" thuộc địa và hậu quả của cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam kéo dài đến năm 1975, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu Statista, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2002 mới chỉ đạt khoảng 550 USD, nhưng tới năm 2019 đã đạt mức trên 3.400 USD, chủ yếu do mức lương trung bình và tối thiểu tăng lên, trong khi tỷ lệ lạm phát ở mức thấp.

Đặc biệt, Việt Nam đã được đánh giá là một trong những nước kiểm soát dịch Covid-19 thành công trên thế giới khi tính đến nay ghi nhận dưới 5.000 ca nhiễm. Bài báo dẫn kết luận tại Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra hồi đầu năm nay, nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục con đường đã chọn, với trọng tâm là đẩy mạnh công nghiệp hóa và phát triển khoa học - công nghệ.

Cũng theo bài báo, cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới sẽ hoàn tất quy trình bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.